Cuối năm, lên các xã vùng cao của huyện miền núi Ba Chẽ sẽ gặp một loài hoa có sắc vàng rực rỡ, có tên gọi là trà hoa vàng. Đúng như tên gọi, trà hoa vàng có màu vàng kim đặc trưng, cánh hoa óng ánh, mượt như nhung. Tháng 11, 12 âm lịch là thời điểm trà hoa vàng nở rộ.
Trà hoa vàng vốn là loại cây mọc tự nhiên trong rừng ở Ba Chẽ đã từ rất lâu, nhưng phải đến gần đây, giá trị đích thực của cây trà hoa vàng mới được biết đến.
Theo Camellia International Journaln – tạp chí chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới thì các hợp chất của trà hoa vàng có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu… Nhờ những ưu điểm đặc biệt này, giá trị kinh tế của trà hoa vàng khá cao, trà hoa vàng phơi khô có giá khoảng 14-15 triệu đồng/kg.
Ba Chẽ là vùng núi mát mẻ, với 94,3% diện tích là đất từng, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ quanh năm dao động từ 21-23 độ C, độ ẩm bình quân 83%, rất thích hợp để cây trà hoa vàng phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Chẽ có 146ha trồng trà hoa vàng và có khoảng gần nửa diện tích này đã cho thu hoạch. Vùng trồng trà hoa vàng nhiều nhất tập trung ở 2 xã Thanh Sơn và Đồn Đạc, mỗi xã trồng khoảng 40ha. Tiếp theo đó là các xã Đạp Thanh (27,6ha), Thanh Lâm (15,6ha), còn lại các xã khác như: Lương Mông, Nam Sơn, Minh Cầm…
Để tôn vinh ưu điểm đặc biệt của loại cây thảo dược quý này cùng việc mở rộng quy mô trồng và phát triển trà hoa vàng, bắt đầu từ năm 2016, huyện Ba Chẽ đã quyết định tổ chức Lễ hội trà hoa vàng, 2 năm/lần (vào năm chẵn). Qua đó nhằm xây dựng một sản phẩm du lịch mới vốn là tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Lễ hội thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến tham quan…
Những ngày áp Tết này, rừng trà bên sông Ba Chẽ đang mùa hoa. Những bông hoa cánh dày, màu vàng óng, tỏa hương thơm nồng như muốn “níu chân” du khách phương xa. Còn gì thú vị hơn khi tiết trời đang đông vừa được ngắm hoa lại được thưởng thức hương vị trà mới lạ.
Theo người dân địa phương, để có trà ngon, khi hoa trà nở là phải hái ngay, nếu để lâu ong sẽ đến hút mật, làm hỏng nhụy, hoặc mưa xuống cũng làm giảm chất lượng trà. Hoa sau khi hái về sẽ được sao trong chảo với lửa nhỏ, đảo đều và dùng tay vò nhẹ để trà quăn và dậy mùi hương. Mỗi lần pha chỉ lấy một nhúm, tráng trà để loại hết bụi bẩn, sau đó mới dùng nước sôi để pha. Trà ngấm sẽ cho màu nước vàng như mật ong, tỏa mùi thơm, uống xong vị ngọt đọng mãi nơi đầu lưỡi…
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn