Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trong cuộc họp nghe UBND TP Hạ Long báo cáo Phương án tổ chức, quản lý một số dịch vụ vui chơi dưới nước trên Vịnh Hạ Long vào chiều 26/4. Cùng dự cuộc họp có đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kết luận tại cuộc họp
Hiện tại trên Vịnh Hạ Long có khoảng trên 1.400 kayak, trong đó có khoảng trên 300 chiếc đang hoạt động tại một số khu vực trên Vịnh và khoảng 1.100 chiếc được 163 tàu lưu trú nghỉ đêm chở theo tàu để phục vụ du khách tại các điểm tham quan, điểm lưu trú. Ngoài ra còn có 33 phương tiện xuồng cao tốc, 108 chiếc đò chèo tay và một số dịch vụ hoạt động vui chơi dưới nước khác…. Mặc dù những loại hình này đã xuất hiện trên Vịnh Hạ Long đã lâu, nhưng đều không có sự quản lý của cơ quan nhà nước, thiếu các quy định về điều kiện an toàn kỹ thuật, không có phương án hoạt động được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không chịu sự quản lý, giám sát về chất lượng dịch vụ và giá cả v.v. Điều đó đã dẫn tới việc hoạt động của các loại hình dịch vụ trên đều mang tính tự phát, không có phương án đảm bảo an toàn, niêm yết giá dịch không vụ không rõ ràng… làm ảnh hưởng tới môi trường du lịch của Vịnh Hạ Long và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ANTT trên Vịnh.
Từ thực trạng trên, UBND TP Hạ Long đã xây dựng phương án quản lý một số dịch vụ vui chơi dưới nước trên Vịnh Hạ Long. Phương án đề xuất cụ thể việc quy hoạch các khu vực hoạt động và số lượng các phương tiện hoạt động dịch vụ vui chơi dưới nước. Các phương tiện này đều phải được đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định cụ thể. Lộ trình thực hiện chia làm 3 giai đoạn, chậm nhất trong năm 2017, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, lựa chọn doanh nghiệp khai thác dịch vụ…
Tham gia đóng góp cho phương án tại cuộc họp, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tập trung ở các nội dung như: Khẩn trương chấn chỉnh lại các hoạt động dịch vụ tự phát trên Vịnh, biện pháp quản lý đối với các dịch vụ, xây dựng giá dịch vụ, quy hoạch số lượng phương tiện, vùng hoạt động, thời tiết, thời gian, điều kiện đảm bảo an toàn để hoạt động…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, các dịch vụ hoạt động vui chơi dưới nước trên Vịnh Hạ Long, trong đó có chèo thuyền kayak và đò chèo tay xuất phát từ nhu cầu của du khách và là sản phẩm du lịch hấp dẫn trên Vịnh Hạ Long. Vì vậy cần có phương án quản lý dịch vụ để đảm bảo an toàn cho du khách, đồng thời phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Theo phương án đề xuất quản lý một số dịch vụ vui chơi dưới nước trên Vịnh Hạ Long của TP Hạ Long, UBND tỉnh đồng ý bổ sung hai dịch vụ chèo thuyền kayak và dịch vụ chèo đò tay là sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long. Để đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách và công tác quản lý của nhà nước đối với 2 loại hình dịch vụ này, UBND tỉnh thống nhất với phương án của TP Hạ Long cho hai loại hình dịch vụ này được hoạt động ở 8 tuyến du lịch đã được công bố và khai thác, gồm các khu vực: Ba Hang, Hang Luồn, Hồ Động Tiên, hang Trinh Nữ, Vụng Tùng Sâu, Cửa Vạn, Vông Viêng, Cống Đỏ và Hang Cỏ. Bắt đầu từ tháng 5/2017, cho phép dịch vụ chèo thuyền kayak và đò nhỏ chèo tay hoạt động trở lại.
Để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động các dịch vụ này trên Vịnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện an toàn: Ban quản lý Vịnh Hạ Long phải xác định ranh giới, khoanh vùng hoạt động; bố trí cán bộ nhân viên kiểm soát, quản lý các hoạt động tại 8 điểm. Đồng chí cũng chỉ đạo TP Hạ Long phải rà soát lại cụ thể số lượng Kayak, đò chèo tay mà các đơn vị đang quản lý và không được phép bổ sung thêm số lượng. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động có dịch vụ này phải đăng ký dịch vụ với cơ quan có thẩm quyền; ký hợp đồng với Ban quản lý Vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, UBND TP Hạ Long phải ban hành quy định về điều kiện an toàn với các phương tiện kayak và đò nhỏ chèo tay; người điều khiển, sử dụng phương tiện phải được trang bị áo phao đảm bảo an toàn; quy định rõ thời gian hoạt động của cả hai loại hình này. Doanh nghiệp nào đáp ứng được các yêu cầu đề ra và ký hợp đồng với UBND TP Hạ Long mới được phép hoạt động.
Đối với 33 xuồng cao tốc, hiện nay hoạt động kinh doanh chưa được phép của cơ quan nhà nước, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Hạ Long cho dừng hoạt động để đảm bảo an toàn. Sau đó, Ban quản lý Vịnh Hạ Long có đánh giá, lập phương án đề xuất cụ thể trình UBND tỉnh xem xét quyết định trong thời gian tới. Đồng thời giao cho UBND TP Hạ Long xây dựng quy hoạch tổng thể hoạt động dịch vụ Kayak và đò chèo tay lộ trình đến năm 2020, báo cáo UBND tỉnh trước 30/6/2017.
Thu Hương
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn