Quảng Trị: Giữ nét bài chòi ngày xuân

0
222

Trong thời khắc giao mùa và khởi đầu Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, hầu hết khách du xuân đi ngang qua Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Trị đều tạm dừng chân, hòa mình vào không gian rộn rã tiếng hát, tiếng cười. Lần đầu tiên, lễ hội bài chòi truyền thống được tổ chức một cách quy mô tại thành phố Đông Hà để lại ấn tượng sâu đậm.

Đông đảo người dân thành phố Đông Hà tham gia chơi bài chòi

“Mừng ngày Nguyên đán/ Dân làng bè bạn/ Khán giả gần xa/ Vận may có sẵn đây mà/ Ghé vô nhận lấy, chậm là tuột tay/ Nhanh chân chọn một chòi bài/ Vận may ta đến hái lộc tài đầu xuân” – Những câu hò vần điệu như giục giã khách qua đường ghé vào tiền sảnh Trung tâm Văn hóa tỉnh chơi bài chòi. Trong không gian tràn ngập tiếng đàn hát, nói cười, những người tham gia trò chơi chăm chú lắng nghe câu hô thai của các anh hiệu, chị hiệu. Ai cũng thích thú khi thấy bốn người dẫn trò thay phiên nhau diễn xướng với những lời lẽ, vần điệu phù hợp, chẳng hạn nếu thông báo quân bài là “con gối” thì sẽ xướng: “Cổ tay em trắng lại tròn/ Để cho ai gối mà mòn một bên”. Cứ thế, các quân bài được công bố một cách lần lượt, ngẫu nhiên và linh hoạt. Kết thúc ván bài, người thắng, kẻ thua đều rạng rỡ nụ cười.

Theo dõi, tham gia hội bài chòi tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, ai cũng nghĩ những người đứng ra tổ chức, dẫn dắt chương trình là các nghệ sĩ hoặc nghệ nhân dân gian. Không ngờ họ lại là các cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Đông Hà. Nặng lòng với di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của những làng quê miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng, các cán bộ Trung tâm đã ngồi lại bàn bạc với nhau để tổ chức hội bài chòi ngày xuân ngay giữa lòng thành phố. Ông Hoàng Thanh Sự, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Đông Hà cho biết: “Đây là lần đầu tiên hội bài chòi được tổ chức một cách quy mô tại thành phố Đông Hà. Hiểu rõ ý nghĩa của sự kiện, chúng tôi ngồi lại với nhau để trao đổi, thảo luận, lên kịch bản, luyện tập một cách nghiêm túc suốt hàng chục ngày trời. Trong 15 anh em, mỗi người đều được giao một công việc cụ thể và luôn cố gắng phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, hiệu quả nhất”.

Theo dõi hội bài chòi, nhiều khán giả đặc biệt ấn tượng với lối dẫn dắt duyên dáng, tự nhiên của chị hiệu Nguyễn Thúy Hương, cán bộ phụ trách mảng văn hóa của Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Đông Hà. Là người con ở miền biển Vĩnh Linh, từ nhỏ, chị Hương đã biết đến hội bài chòi. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, cả gia đình chị lại xúng xính trong những bộ áo quần đẹp nhất để tham gia trò chơi truyền thống. Theo từng ngày trưởng thành, điều khiến chị Hương lo lắng nhất là thấy thú chơi tao nhã ngày xuân này có nguy cơ mai một. Sau nhiều trăn trở, chị bắt đầu “tầm sư, học đạo”, tìm cách lưu giữ và thổi một làn gió mới cho bài chòi. Chị Hương chia sẻ: “Từng tham gia chơi bài chòi ở quê từ nhỏ, tôi thấy các anh hiệu, chị hiệu thường chỉ nói và hô. Để thu hút sự chú ý của mọi người hơn, tôi đưa những làn điệu dân ca Bình Trị Thiên vào bài chòi với hò giã gạo, hò hụi, lý ngựa ô và lối nói vè. Bên cạnh đó, tôi và anh em chủ động ứng tác, đưa ra những câu hô thai, hoạt cảnh sinh động để tránh gây nhàm chán. Riêng việc soạn ra những câu hô thai, tôi mất gần 3 tháng trời”. 

Lâu nay, bài chòi là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của làng quê miền Trung, kéo dài từ Quảng Bình đến Phú Yên. Cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người dân trong các làng lại rộn ràng dựng chòi, kê ván chuẩn bị tổ chức hội bài chòi. Không chỉ xem đây là một thú vui giải trí trong ba ngày tết, người ta đến với bài chòi còn vì muốn xem vận hên, may đầu năm ra sao. Vậy mà, làn sóng hiện đại hóa lại khiến thú vui tốt đẹp này có nguy cơ mai một. Thi thoảng, trong các lễ hội lớn ở nông thôn, người ta mới bắt gặp bài chòi. Cũng chính bởi lý do đó nên khi 8 chiếc chòi được dựng lên tại Trung tâm Văn hóa tỉnh và tiếng đàn hát cất lên, chẳng ai bảo ai, người dân thành phố đến tham gia rất đông. Trong số đó, có những người vốn biết đến bài chòi từ tấm bé nhưng ký ức đã phần nào phai nhạt. Chị Nguyễn Thị Liên, trú tại khu phố 4, phường 5 chia sẻ: “Nghe tin hội bài chòi diễn ra ở Trung tâm Văn hóa tỉnh, tôi dẫn con cháu đến chơi. Ngồi trên chiếc chòi, cầm quân bài, hồi hộp nghe tiếng của anh hiệu, chị hiệu hô thai, tôi như được sống lại những kỷ niệm thời thơ bé. Tôi mong rằng hội bài chòi sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để những người như mình có cơ hội gặp lại, yêu hơn di sản văn hóa phi vật thể mà cha ông để lại”. 

Không chỉ những người đã biết đến bài chòi mà ngay cả các bạn trẻ, em nhỏ cũng cảm thấy yêu thích thú chơi đặc biệt này. Em Lê Vinh Nguyên, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo vui vẻ cho biết: “Đây là lần đầu tiên em chơi bài chòi và thật bất ngờ khi giành chiến thắng. Em sẽ chia sẻ với các bạn về hội bài chòi cũng như những trải nghiệm thú vị mà mình có được”. Gặp các cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Đông Hà sau đêm hội bài chòi, trong cái tiết trời se lạnh đầu năm, chợt chạnh lòng khi thấy chiếc áo bà ba của họ đều đẫm ướt mồ hôi. Gần như lạc giọng sau gần 3 tiếng đồng hồ ca hát, ứng đối, chị Nguyễn Thúy Hương xúc động chia sẻ, khi xây dựng ý tưởng tổ chức hội bài chòi ở trung tâm thành phố Đông Hà, anh em đều lo lắng. Ai cũng sợ trò chơi dân gian, làn điệu dân ca của mình không phù hợp với thị hiếu người dân thị thành vốn tiếp xúc với quá nhiều nền văn hóa. Vì thế, các cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố Đông Hà đều bất ngờ và vui sướng tột cùng khi thấy mọi người đến tham gia rất đông, đặc biệt là những bạn trẻ. 

Kết thúc đêm hội, các em chú ý nghe ngóng lịch trình tổ chức lần tới, rồi hẹn nhau tham gia. Chị Thúy Hương cùng đồng nghiệp hiểu sâu sắc rằng, giữa cuộc sống xô bồ, bộn bề, những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp vẫn có cơ hội sống, phát triển. Và, họ nguyện là người nối nhịp cầu…

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn