Quảng Trị tìm cách phát triển du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”

0
Quảng Trị tìm cách phát triển du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”

Với tính chất đặc thù, tỉnh Quảng Trị là địa phương có nhiều tiềm năng trong việc phát triển loại hình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Tuy nhiên cho đến nay loại hình du lịch này vẫn chưa phát huy hết giá trị của mình.

Quảng Trị sau chiến tranh trở thành một bảo tàng sinh động về chiến tranh cách mạng. Trong ảnh là bến thả hoa tưởng nhớ các liệt sỹ bên sông Thạch Hãn

Ngày 26/7 tại TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng Qũy Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội đã tổ chức chương trình Hội thảo: Liên kết phát triển du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”.

Chương trình Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá lại 12 năm thực hiện chương trình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”, cùng với đó là tìm ra những biện pháp đột phá để phát triển loại hình du lịch hoài niệm trong thời gian tới.

Xây dựng loại hình du lịch mới

Sau chiến tranh, tỉnh Quảng Trị trở thành một bảo tàng sinh động về chiến tranh cách mạng. Trong số 520 di tích được kiểm kê đánh giá, có 469 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng (04 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt và nhiều di tích được xếp hạng Quốc gia).

Toàn cảnh Hội thảo: Liên kết phát triển Du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”

Hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng ở tỉnh Quảng Trị phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và có giá trị lịch sử to lớn. Từ thực tiễn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị và nhân dân trong cả nước, đặc biệt là các cựu chiến binh tha thiết đưa ra ý tưởng nghiên cứu xây dựng chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội ở Quảng Trị”.

Sau khi hình thành nên ý tưởng, tháng 7/2005, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo Quốc gia Du lịch Quảng Trị “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” mở ra hướng phát triển về loại hình du lịch này. Việc tổ chức công bố Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” không lâu sau đó tại di tích Thành cổ Quảng Trị đã khẳng định một thương hiệu du lịch mới được các hãng lữ hành trong nước và quốc tế quan tâm, hưởng ứng.

Từ năm 2005 đến nay, Quảng Trị đã có những định hướng phát triển, xác định những bước đi phù hợp trong từng giai đoạn, trước mắt và lâu dài. Đến nay, du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã trở thành một thường hiệu du lịch nổi trội của tỉnh Quảng Trị mang lại nhiều ý nghĩa về chính trị xã hội sâu sắc. Trong 12 năm qua, tổng lượng khách đến Quảng Trị theo Chương trình Du lịch Hoài niệm đạt hơn 9.000.000 lượt, doanh thu xã hội ước đạt 2.140 tỷ đồng.

Du khách tham quan Thành Cổ, một điểm đến trong chương trình du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội

Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thông qua chương trình du lịch hoài niệm đã bồi dưỡng và nâng cao nhận thức truyền thống cách mạng của dân tộc. Lòng yêu quê hương đất nước cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, thu hút được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân. Nhiều di tích được tôn tạo, nâng cấp và phát huy giá trị.

“Chính sự phát triển của Du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử cách mạng, đưa Quảng Trị trở thành cầu nối quan trọng kết nối các chương trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”, “Con đường di sản huyền thoại” và các chương trình, loại hình du lịch tiêu biểu khác”, ông Hùng cho hay.

Cần có biện pháp đột phá để phát triển

Đánh giá về ý nghĩa của chương trình du lịch hoài niệm, trong thư gửi Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bình – Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Qũy Hòa Bình và Phát triển Việt Nam cho biết: “Từ lâu bên cạnh nhiều sản phẩm du lịch khác chúng ta đã có du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, tôi rất đồng tình nên có du lịch hoài niệm. Du lịch hoài niệm trước hết giúp các cựu chiến binh, các thanh thiếu niên được trở lại chiến trường xưa, thăm các đồng chí, đồng đội, các lớp cha anh đã anh dũng chiến đấu và đã hy sinh”.

Từ 2005 – 2007, tổng lượng khách đến Quảng Trị theo Chương trình Du lịch Hoài niệm đạt hơn 9.000.000 lượt

Thực tế, từ khi triển khai đến nay, Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”  đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên những kết quả này vẫn còn rất khiêm tốn bởi qua thực tiễn đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế như: đặc thù của di tích chiến tranh phần lớn là phế tích, do chịu tác động của tự nhiên nên dễ xuống cấp, hư hại. Việc bảo tồn, trùng tu đòi hỏi nhiều kinh phí,..; Cơ sở vật chất ngành du lịch mặc dù có tăng cường đầu tư nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu càng cao của du khách. Cách thức tổ chức khai thác sản phẩm du lịch còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả. Nguồn nhân lực còn hạn chế.

Công tác tuyên truyền cho loại hình du lịch mới này tới nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức và thiếu bài bản. Các doanh nghiệp lữ hành còn thiếu năng động trong việc thiết kế tour du lịch hoài niệm hấp dẫn, đem lại hiệu quả. Việc kết nối mở rộng tour hay liên kết phối hợp với các tỉnh thành khác ở lân cận vẫn chưa tốt.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, TS. Phan Thanh Bình – Chủ nhiện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chia sẻ: “Du lịch hoài niệm cần giới thiệu lịch sử, hình ảnh đất nước con người Việt Nam anh hùng với nhân dân để bạn bè quốc tế, để mọi người thấy và hiểu được những mất mát đau thương, sự khốc liệt tàn bạo của chiến tranh. Qua đó thấy hết được giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay. Biết yêu quý hòa bình một cách thực chất, đúng nghĩa”.

Thế Trung

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn