Quốc hội quyết tổng mức vay 5 năm tới là hơn 3 triệu tỷ. Trong đó, mức vay của ngân sách Trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 1,7 triệu tỷ.
Sáng 28/7, Quốc hội thông qua nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP.
Tổng chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Quốc hội thông qua nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hồng Phong. |
Quốc hội nêu rõ phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Với nghị quyết này, Quốc hội tán thành tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách Trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Còn tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148 nghìn tỷ đồng.
Quốc hội nêu rõ yêu cầu phải bảo đảm an toàn nợ công với các mục tiêu: Trần nợ công hàng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ Chính phủ hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách Nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Trong các nhiệm vụ, giải pháp, Quốc hội yêu cầu tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022. Đặc biệt, không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác.
Giải trình thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh việc xây dựng Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 đã dự kiến lộ trình cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Theo đó, từ ngày 1/7/2022, mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương.
Việc điều chỉnh lương hưu sẽ thực hiện độc lập với tiền lương của người đang làm việc và quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm người có mức lương hưu thấp, nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Nguồn: News.zing.vn