Thúc đẩy hợp tác bền vững, đi vào chiều sâu là điều mà hai thủ tướng Phạm Minh Chính, Kishida Fumio thống nhất khi quan hệ Việt – Nhật đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử.
Thúc đẩy hợp tác bền vững, đi vào chiều sâu là điều mà hai thủ tướng Phạm Minh Chính, Kishida Fumio thống nhất khi quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử.
Bên trong căn phòng nhỏ tại khách sạn New Otami (Tokyo), đồ đạc được bài trí gọn gàng và tối giản theo đúng phong cách của người Nhật Bản. Chính tại nơi này Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp những tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản – một trong ba nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cùng thời gian, báo chí Nhật theo sát từng hoạt động của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Trong 3 ngày, hãng thông tấn Kyodo đăng tải gần 10 bài viết trong đó có 3 bài kèm dòng tiêu đề nổi bật để nói về những hoạt động của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cùng người đồng cấp Nhật Bản.
Nhật báo Mainichi đánh giá Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Điều này được minh chứng khi vào tháng 10/2020, ông Suga Yoshihide khi đó vừa nhậm chức Thủ tướng đã chọn Việt Nam là nơi công du nước ngoài đầu tiên. Đương kim Thủ tướng Kishida Fumio tại COP26 (diễn ra tại Vương quốc Anh) cũng hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Hơn 50 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa hai bên. Giá trị của các thỏa thuận được ước tính lên tới hàng chục tỷ USD với nhiều dự án có tính động lực, lan tỏa. Nhật Bản cũng nhất trí viện trợ thêm cho Việt Nam hơn 1,5 triệu liều vaccine cùng 1 triệu USD để phòng, chống dịch Covid-19.
“Việt Nam là một đối tác đóng vai trò trong nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở”, Kyodo – hãng thông tấn 76 năm tuổi dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida khi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ báo chí sau cuộc hội đàm.
Là quốc khách đầu tiên tới thăm Nhật Bản kể từ khi quốc gia này có Chính phủ mới hồi tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc đến Việt Nam luôn coi Nhật Bản là bạn, đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu. “Người bạn thân thiết” là cụm từ mà nhiều người nói về chuyến đi của ông.
“Tôi đã từng làm Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và đã nhiều lần đến thăm, làm việc với đất nước Nhật Bản tươi đẹp, mến khách của các bạn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản trước chuyến đi.
Trong chuyến thăm và làm việc tại nước bạn từ 22 đến 25/11, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có trên 50 hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo chủ chốt, các doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu Nhật Bản… Lịch làm việc thường bắt đầu từ 7h sáng và chỉ kết thúc sau 21h. Trong mỗi cuộc gặp của Thủ tướng, thời gian chỉ kéo dài 10-15 phút.
“Những người bạn” bỏ qua phần nghi lễ để đi vào nội dung trao đổi chính với tinh thần cởi mở. Trong khi các doanh nghiệp kiến nghị cụ thể lĩnh vực muốn hợp tác đầu tư, đề xuất giải quyết vướng mắc thì phía bên kia, Thủ tướng Việt Nam lập tức chỉ đạo các bộ trưởng có mặt xem xét xử lý. Ông đề nghị nếu gặp khó khăn, vướng mắc, doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ với bộ trưởng để giải quyết.
“Nếu không giải quyết được thì các ngài trực tiếp gửi thư đích danh cho Thủ tướng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định và nhấn mạnh thêm ông luôn sẵn sàng tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.
Trước cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản lập tức có động thái tích cực. AEON, một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới, công bố coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, dự kiến tăng gấp đôi số trung tâm thương mại tại Việt Nam.
Dược phẩm Shionogi, đơn vị chuyên sản xuất thuốc chữa bệnh truyền nhiễm hàng đầu Nhật Bản, muốn xây cơ sở sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên ở Đông Nam Á tại Việt Nam. Trong khi đó, Hitachi ngỏ ý muốn tham gia xây dựng đường sắt; Eneos, một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất Nhật Bản về lọc dầu và kinh doanh dầu nguyên liệu, chiếm đến 50% sản lượng tại Nhật, muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo…
Kanagawa là một trong những địa phương của Nhật có nhiều doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại Việt Nam. Thống đốc tỉnh này, ông Kuroiwa Yuji, đưa ra thông tin “số doanh nghiệp của địa phương mong muốn đầu tư tại Việt Nam ngày càng tăng”.
“Bản thân tôi khi thăm Việt Nam cũng từng thị sát các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại đây. Ngạc nhiên khi mọi người đều làm việc theo dây chuyền, tôi hỏi làm thế này có khó khăn với người lao động Việt Nam không, thì được trả lời rằng người lao động Việt Nam rất ít mắc sai sót”, ông Kuroiwa Yuji kể và lý giải đó là lý do các doanh nghiệp Nhật đều rất hài lòng khi đầu tư ở Việt Nam.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước đi vào chiều sâu, theo hướng phát triển bền vững. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam quá trình thực hiện Sáng kiến chuyển dịch năng lượng châu Á do Nhật Bản đề xuất với trị giá 10 tỷ USD.
“Các doanh nghiệp của Nhật Bản rất hào hứng và tin tưởng vào thị trường, môi trường đầu tư cùng chính sách của Việt Nam” là nhận định của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Tháp tùng Thủ tướng, ông Dũng là người có mặt trong hầu hết các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao chính sách thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn và sự ổn định chính trị của Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng sẽ mở ra một trang mới, làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam, tạo nên đóng góp ngày càng quan trọng của các doanh nghiệp nước này cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp Nhật Bản thay vì do dự lựa chọn đầu tư vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Myanmar như trước đây, thì nay, đều chọn Việt Nam là điểm đến số 1 để đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư đã có. Nhà đầu tư Nhật cũng coi Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu.
“Ngoài sự đón tiếp rất trọng thị, thân tình, nồng hậu thì trong các cuộc làm việc từ Chính phủ tới bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp của nước bạn đều khẳng định Nhật Bản sẵn sàng, chủ động đề xuất hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế sau đại dịch”, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.
Ông tin tưởng với mối quan hệ ngày càng tốt đẹp về mặt chính trị và ngoại giao giữa 2 nước, kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản có thể tăng gấp 1,5-2 lần trong 5-10 năm tới”.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại.
“Vốn ODA của Nhật Bản đang phát huy rất tốt ở những cây cầu, con đường và nhiều dự án khác của Việt Nam” là tin vui mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong các cuộc làm việc tại Nhật Bản. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi số vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam hiện đã chạm mốc 27 tỷ USD, bằng 30% tổng số vốn mà Chính phủ Nhật Bản dành cho các nước trên thế giới.
Về đầu tư trực tiếp, Thủ tướng cho biết hiện Nhật nằm trong top các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với khoảng 4.800 dự án. Nhật Bản cũng là nước có số khách du lịch đến Việt Nam đứng thứ ba với khoảng 1 triệu người. Trong khi đó, thương mại 2 chiều đạt trên dưới 40 tỷ USD.
“Tới đây sẽ còn được thúc đẩy hơn, có thể tăng đột biến”, Thủ tướng kỳ vọng.
Hợp tác y tế cũng là một trong những mục tiêu quan trọng trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính. “Sự hợp tác này càng có ý nghĩa hơn khi cả hai nước vừa trải quả thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Nhận định đây là chuyến đi rất thành công trên lĩnh vực y tế, ông Long cho biết Việt Nam và Nhật Bản đã đạt nhiều thỏa thuận. Đặc biệt, hai nước sẽ bàn bạc hợp tác, tăng cường trao đổi, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và tiến tới là vaccine cho trẻ em. Nhật Bản là đất nước có nền y học rất phát triển và đây chính là cơ hội để y tế hai nước xích lại gần nhau.
Dưới góc nhìn của một nhà ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam – Nhật Bản được nâng tầm cao mới thông qua ký kết hợp tác. Ông đánh giá đây là điểm sáng trong chuyến thăm lần này.
Là một trong những lãnh đạo địa phương tham gia tháp tùng Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương chia sẻ địa phương kỳ vọng cơ hội hợp tác đầu tư được mở ra sau đại dịch.
Ông Dương cho rằng chiến lược duy trì, phục hồi và phát triển của các nước, các địa phương sẽ rút kinh nghiệm từ bất lợi của đại dịch. “Nội dung được quan tâm là ứng dụng KHCN, đưa KHCN vào phát triển kinh tế và quản trị xã hội. Nhật Bản là một trong những quốc gia rất thành công trong lĩnh vực này nên qua hợp tác kinh tế, Việt Nam có thể trao đổi, chia sẻ, tiếp thu kinh nghiệm nhằm đưa KHCN, đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế – xã hội”, ông Dương nói.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho rằng ngoài quan hệ chính trị, ngoại giao thì giao lưu kinh tế giữa các doanh nghiệp, địa phương và bộ, ngành sẽ tạo ra nền móng mới để thực hiện duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương.
Nhiều năm qua, người ta thường nhắc đến câu chuyện về cá ngừ đại dương để nêu lên những bất cập về chuỗi cung ứng gây giảm sút giá trị sản phẩm. Cùng là một loại cá quý ở biển, song nếu ở Nhật Bản, giá cá ngừ lên tới hàng triệu đồng một kg thì vào thời “hoàng kim”, giá cá ngừ Phú Yên cao nhất chỉ vài trăm nghìn đồng.
Đó là chưa kể ở những phiên đấu giá, mức giá dành cho cá ngừ tại Nhật có thể chạm mốc “không tưởng” – hàng trăm triệu đồng cho mỗi kg. Sự chênh lệch lớn về giá cả và bài toán về nâng cao giá trị sản phẩm luôn là trăn trở qua nhiều thế hệ lãnh đạo của địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Phú Yên là tỉnh có sản lượng đánh bắt cá ngừ lớn nhất Việt Nam, trong khi đây là nguyên liệu chính cho nhiều món ăn cao cấp tại Nhật. Do đó, việc hợp tác với Tập đoàn Kiyomura của “vua cá ngừ Nhật Bản” Kiyoshi Kimura được kỳ vọng giúp địa phương này phát huy thế mạnh của, giải được bài toán về khó khăn trong chuỗi cung ứng và góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa nhân dân 2 nước.
Bên cạnh đó, Bí thư Phú Yên cũng nhắc tới năng lượng sạch – một trong những cam kết mới đây nhất của Việt Nam với thế giới trong chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới COP26. Theo ông Dương, đây là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay và cũng là tiềm năng lớn của các địa phương khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
“Với một số đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Phú Yên, chúng tôi nhận ra rằng làm việc với người Nhật rất khoa học, chắc chắn, tin cậy và luôn mang lại hiệu quả bền vững”, Bí thư Phú Yên đúc rút.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã cùng Thống đốc tỉnh Tochigi, Nhật Bản, ký Bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị giữa Vĩnh Phúc và Tochigi. Đây là dấu mốc mở ra trang mới trong mối quan hệ hợp tác giữa hai địa phương.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Tập đoàn Vinamilk cùng Tập đoàn Sojitz Nhật Bản trao thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối thịt bò tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, trị giá 500 triệu USD.
Tochigi là địa phương đứng thứ hai Nhật Bản về công nghiệp chế tạo và cũng là một cứ điểm của nhiều tập đoàn chế tạo công nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Trong khi đó, Vĩnh Phúc là tỉnh thu hút vốn FDI hàng đầu Việt Nam với nhiều khu công nghiệp mới. Sự tương đồng là điều kiện thuận lợi để 2 địa phương bắt tay hợp tác.
Với dự án được ký kết lần này, bà Lan kỳ vọng sự thúc đẩy hợp tác phát triển lĩnh vực nông nghiệp giữa địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản, tạo nên sự phát triển cân bằng giữa các lĩnh vực – điều khiến Tochigi trở thành hình mẫu ở xứ sở hoa anh đào.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định trong quá trình phát triển, tỉnh luôn coi các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển, hội nhập quốc tế của tỉnh. Vì thế, cùng với môi trường đầu tư, tiềm năng, lợi thế về chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, Vĩnh Phúc sẽ luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hiệu quả để các nhà đầu tư “cất cánh” thành công.
Lấy hình ảnh phố cổ Hội An làm minh chứng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định thông điệp mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau, hai nước vẫn là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Khi đoàn xe chở Thủ tướng đến thăm tỉnh Tochigi và quay trở về trụ sở Đại sứ quán để gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Nhật, rất đông du học sinh, bà con kiều bào, và cả người Nhật, có mặt chào đón. Thủ tướng chia sẻ ông rất xúc động và bất ngờ trước tình cảm của bà con kiều bào tại Nhật. Trong những người con xa quê ấy, người tặng thơ, người tặng sách, người tặng tranh… cho Thủ tướng.
Sự tin cậy, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau trong chính trị lan tỏa sang hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư là điều Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá khi nhìn nhận về chuyến đi của Thủ tướng.
“Ông Kishida Fumio khi trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rằng ông có 20 năm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng giữ cương vị Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Việt – Nhật, cũng là người có nhiều năm đóng góp vào mối quan hệ này”, ông Sơn kể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp, ông Kishida Fumio, khi bước vào hội đàm, cùng chung nhận định quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết ông đã nhận được từ Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết mạnh mẽ về tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản.
Về phần mình, Nhật Bản mong muốn Việt Nam trở thành trung tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, đồng thời trở thành hình mẫu của nhóm nước đang phát triển về chuyển đổi sang tăng trưởng xanh, bền vững, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là mong muốn và cũng là kỳ vọng, tin tưởng của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Trước giờ rời Nhật Bản và kết thúc chuyến thăm, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã để lại một thông điệp cùng mong muốn hợp tác lâu dài, sâu rộng với đất nước mặt trời mọc.
“Nhật Bản có thế mạnh, còn Việt Nam có cơ hội. Chúng ta cũng có chung nền tảng là tình cảm giữa hai nước và sự chân thành, tin cậy được kiểm chứng, nuôi dưỡng, phát huy trong gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao”, theo Thủ tướng, đây là những điều kiện thuận lợi để hai bên cùng nhau hợp tác, cùng nhau chiến thắng.
Nguồn: News.zing.vn