“Bạn chỉ mất một phút để kết thúc đau đớn của bản thân, nhưng mở ra nỗi đau vĩnh cửu cho người thương yêu”, phượt thủ Ngô Trần Hải An viết về các chuyến chạy xe nguy hiểm gần đây.
Từ hôm qua tới nay, nhiều bạn bè đồng nghiệp làm báo phỏng vấn tôi về 2 bạn trẻ xuyên Việt bằng xe máy với hành trình 28 giờ 30 phút. Chung quy lại vẫn là các ý: ủng hộ hay phản đối, và vì sao?
Tôi xin lỗi vì đã từ chối trả lời về vấn đề này, vì theo quan điểm tôi, để có góc nhìn đúng như những gì muốn nói thì khá nhiều ý, và khuôn khổ một bài báo thì không cho phép điều đó. Vậy nên những chia sẻ sẽ chưa đầy đủ đôi khi sẽ khiến người đọc có cái nhìn khác đi.
Trước đây, tôi từng nghĩ sẽ im lặng trước những tranh luận thị phi như thế này. Nhưng khi những người bạn, đứa em mê đi phượt hỏi và thể hiện sự ủng hộ phấn khích, tôi chợt giật mình vỡ lẽ, và cảm thấy xấu hổ về sự im lặng của mình, ở một góc độ nào đó như một sự lảng tránh và vô tình đồng thuận.
Lần này, tôi viết để tâm sự với những người tôi yêu quý, những người quý mến, tin tưởng tôi, cũng như chia sẻ thêm một góc nhìn riêng về chuyện này.
Phượt thủ Ngô Trần Hải An (biệt danh Quỷ Cốc Tử) trong một chuyến đi. |
Tôi không bàn đến cá nhân cụ thể nào, vì điều đó không cần thiết và không phù hợp, nhưng tôi sẽ nhắc đến như là lý do để có những chia sẻ dưới đây.
Có lẽ chúng ta đang bị nhầm lẫn. Chuyện có thể chạy được từ TP.HCM ra Hà Nội (1.850 km) trong 28 giờ 30 phút hay không, và chuyện chạy trong 28 giờ 30 phút là hoàn toàn khác nhau. Chúng ta thực hiện được, nhưng vấn đề là thực hiện ở đâu trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào.
Tại sao trong những cuộc đua xe cần phải kiểm tra đường xá, dẹp đường thông thoáng? Vì bảo đảm an toàn cho chính vận động viên, giúp họ đạt thành tích tốt nhất, nhưng cũng đảm bảo an toàn cho tất cả những người theo dõi. Một chiếc F1 với vận tốc 360 km/h có thể chạy trên đường bình thường, hay phải cần một đường đua riêng? Con đường được thiết kế cho nhiều phương tiện cùng lưu thông với nhiều tốc độ khác nhau để bảo đảm an toàn, chậm thì 40 km/h, nhanh thì 60 km/h.
Vậy khi xe chạy đến 100 km/h có đảm bảo an toàn hay không? Chưa bàn về chuyện năng lực làm được hay không, nhưng rõ ràng chạy với tốc độ cả trăm km/h tức là đã vi phạm luật pháp. Việc chứng tỏ năng lực, lập kỷ lục mà luật pháp của đất nước bạn sống không cho phép tức là đã sai từ khởi đầu. Với một việc khởi nguồn từ sai trái, chắc chắn những gì xảy ra tiếp theo là không thể chấp nhận mà không cần phải phân tích đánh giá gì nữa.
Có thể có những lúc trong cuộc sống, chúng ta sai phạm, vi phạm luật pháp, và chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đó. Nhưng nó khác hoàn toàn chuyện chủ động lập ra một kế hoạch bài bản để thực hiện bất chấp luật pháp và đi tuyên truyền quảng bá như một thành quả tự hào.
Những ai từng đi nhiều, cầm lái nhiều chắc đều biết rằng có những khoảnh khắc, những tình huống chúng ta không thể kiểm soát được sự cố dù có cẩn thận đến mấy. Chúng ta có thể dạy cho con chó đừng băng ngang đường khi chúng ta chạy qua không? Chúng ta có biết 100% là không có một ổ gà, một đống cát bất thình lình trên đường đi không? Những người dân lưu thông trên đường có hoảng hốt lạc tay lái khi bất ngờ một chiếc xe tốc độ cao đang lao tới hoặc vụt qua mặt họ? Và chỉ cần một tích tắc đó đủ để xảy ra tai nạn kinh hoàng.
Tại sao có tổ chức Kỷ lục thế giới? Để tôn vinh những điều phi thường con người làm được. Và việc thực hiện những kỷ lục đó người thực hiện phải tuân thủ những quy định của luật pháp, của tổ chức, và quá trình thực hiện phải được giám sát để sau khi thành công sẽ được công nhận. Tại sao phải cần tất cả điều đó? Để đảm bảo những gì làm được là thể hiện năng lực thật sự của kỷ lục gia, và đồng thời không phương hại người khác, không gây những hậu quả xấu, cũng như những kỷ lục mang lại giá trị tích cực cho xã hội, chứ không phải là tôn vinh sự điên rồ.
Sẽ thế nào nếu như những điều vô bổ và kỳ quái, sai trái cũng trở thành kỷ lục: Người chạy xe ngược chiều nhanh nhất trong một phút? Xe khách nhốt nhiều hành khách nhất trong một chuyến? Người tấn công tình dục nhiều người nhất thành công trong 24 giờ? Xã hội sẽ ra sao khi ai muốn làm gì thì làm? Thật tồi tệ khi những điều sai trái được tung hô.
Tôi không bàn về năng lực của bạn, nhưng tôi không thể không nghĩ cho người khác.
Bạn chỉ mất vài phút quằn quại trước khi từ giã cõi đời vì sự ngu ngốc, nhưng đó là lúc khởi đầu cho thảm kịch tinh thần bất tận của người thân. Họ sẽ sống một đời trong nỗi đau đớn và mất mát. Vậy có đúng là bạn có sức chơi – có sức chịu hay không, hay sự nông cạn và ích kỷ của bạn hủy hoại đi hạnh phúc của bao người?
Tôi có nhiều người bạn đầy kinh nghiệm đi phượt. Họ rất nổi tiếng trong cộng đồng, đi khắp năm châu bốn biển, thấu hiểu ngóc ngách Việt Nam, am tường thế giới. Nhưng không ai tìm kiếm kỷ lục vô nghĩa, bởi họ hiểu và sống vì đam mê, không sống một mình, sống cho người thân, sống cho những trách nhiệm mà họ nên “làm gương” hay chia sẻ những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Đó là lý do khiến họ không làm, chứ không phải không thể. Tôi kính trọng và yêu quý bạn tôi vì điều đó.
Chúng ta sẽ có lý do là lớn rồi, hiểu biết rồi, tự làm tự chịu. Nhưng không phải tất cả sự nhìn nhận của mọi người đều như nhau. Ai cũng có thể sáng suốt thông minh trong lĩnh vực này, nhưng thiếu kiến thức và trải nghiệm trong lĩnh vực khác.
Tôi cũng vậy. Tôi từng suýt chết vì những hành động thiếu suy nghĩ trong một chuyến đi, và tôi vẫn sống không phải do năng lực tôi giỏi, mà do may mắn. Chúng ta phải lớn lên hàng ngày từ những trải nghiệm, vậy nên chúng ta cần lắng nghe, cần được học hỏi, góp ý và hướng dẫn.
Truyền thông những ngày qua đưa tin rất nhiều về những chuyện này, nào là 2 cô gái đi 40 giờ, rồi 2 chàng trai đi 28 giờ. Tại sao có những vấn đề bị cấm hẳn trên báo chí? Vì chúng ta đánh giá là thông tin, hình ảnh bạo lực, hình ảnh ghê rợn, dung tục, vi phạm pháp luật…. tác động xấu đến tâm lý con người, đến xã hội.
Là một người làm báo, tôi tôn trọng góc nhìn đa chiều, tôi hiểu băn khoăn của đồng nghiệp, nhưng cá nhân tôi cũng cảm thấy hổ thẹn khi không lên tiếng với những điều tôi thấy không đúng. Sự im lặng của tôi tác động xấu đến những người bạn, người em của tôi – những người tin tôi sẽ luôn có những chia sẻ chân tình và đúng đắn.
Hôm nay viết những điều này, tôi khẳng định không bao giờ ủng hộ việc lập và phá những kỷ lục vô nghĩa. Tôi muốn những người tôi thương yêu sẽ hạnh phúc cùng tôi trong cuộc sống này, chứ không phải tưởng nhớ nhau ở đâu đó bên kia thế giới.
Cảm ơn các bạn đã chia sẻ cùng.
Nguồn: News.zing.vn