Nhóm quỹ GIC đã thoái thêm 19,5 triệu cổ phiếu MSN, ước tính thu về hơn 2.500 tỷ đồng.
Ardolis Investment Pte Ltd và Government of Singapore thuộc quỹ Chính phủ Singapore (GIC) đã bán ra tổng cộng hơn 19,5 triệu cổ phiếu Masan Group (MSN). Sau giao dịch, nhóm này giảm sở hữu về 102,6 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ còn 8,69%.
Giao dịch được diễn ra trong phiên 1/9 và cổ phiếu MSN đồng thời ghi nhận lượng giao dịch thỏa thuận tương đương khối lượng thoái vốn của quỹ ngoại, giá trị sang tay hơn 2.500 tỷ đồng. Theo đó ước tính giá bình quân nhóm quỹ GIC bán ra trong phiên giao dịch này là hơn 128.000 đồng/cổ phiếu.
Giao dịch này cũng đẩy nhóm GIC xuống vị trí thứ 2 trong cơ cấu cổ đông nước ngoài của Masan Group. Cổ đông ngoại lớn nhất là SK Group (Hàn Quốc) với tỷ lệ sở hữu 9,31%. Trong khi đó cổ đông nội lớn nhất là nhóm Masan và Hoa Hướng Dương với tổng tỷ lệ 44,66%.
Hiện công ty Masan (công ty của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group) đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu MSN từ 26/8 đến 24/9. Nếu giao dịch thành công, Masan sẽ tăng sở hữu Tập đoàn Masan lên 372,5 triệu cổ phiếu, tương đương 31,55% vốn.
Đơn vị có liên quan khác là Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương (ông Nguyễn Thiều Nam – Thành viên HĐQT Masan Group làm chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc) cũng muốn mua 1 triệu cổ phiếu MSN với cùng thời gian nâng sở hữu lên 157,7 triệu đơn vị, tương đương 13,36%.
Giá cổ phiếu MSN đi lên trong năm gần nhất. Đồ thị: TradingView. |
Vào đầu năm 2018, nhóm quỹ GIC từng chi 100 triệu USD để mua 24,5 triệu cổ phiếu Masan Group. Đến tháng 5/2020, Ardolis Investment Pte Ltd tiếp tục chi thêm hơn 2.300 tỷ đồng để mua 39 triệu cổ phiếu MSN.
Tuy nhiên vào tháng 1/2021, nhóm này đã bắt đầu bán ra tổng cộng gần 19,8 triệu cổ phiếu MSN. Thời điểm này thị giá MSN dao động 86.000-88.000 đồng/cổ phiếu, ước tính quỹ ngoại thu về khoảng 1.700 tỷ đồng. Sau giao dịch đó nhóm quỹ ngoại còn sở hữu 126 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10,7% vốn Masan Group trước giao dịch trên.
Báo cáo kinh doanh bán niên 2021, Masan Group ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 41.196 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty đạt 979 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với mức 117 tỷ của nửa đầu năm 2020.
Trong kỳ, kết quả kinh doanh của các công ty thành viên và liên kết của Masan biến động tương đối mạnh. Cụ thể The CrownX, nền tảng hợp nhất lợi ích của Masan tại VinCommerce và Masan Consumer Holdings, ghi nhận doanh thu nửa đầu năm 25.460 tỷ đồng và đạt EBITDA 2.846 tỷ.
Đối với mảng kinh doanh thịt, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu thuần nửa đầu năm 2021 đạt 10.232 tỷ đồng, tăng 42% so với nửa đầu năm 2020. Doanh thu của công ty con còn lại là Masan High-Tech Materials (MHT) đạt 6.107 tỷ đồng, tăng tới 138%.
Trong khi đó, công ty liên kết là Ngân hàng Techcombank có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 71% trong 6 tháng đầu năm, đạt 11.536 tỷ đồng. Nhờ đó, phần lợi nhuận Masan nhận được từ Techcombank cũng tăng đáng kể, đóng góp vào kết quả kinh doanh của tập đoàn.
Nguồn: News.zing.vn