Miss Grand International tổ chức tại Việt Nam năm 2017. Bên cạnh độ uy tín, cuộc thi có không ít lùm xùm đến từ người trong cuộc.
Nguyễn Thúc Thùy Tiên vừa đăng quang cuộc thi Miss Grand International 2021 tại Bangkok, Thái Lan đêm 4/12. Người đẹp 23 tuổi “mở màn” thuận lợi cho đại diện Việt Nam tại đấu trường nhan sắc quốc tế trong năm nay, bao gồm Kim Duyên (Miss Universe) và Đỗ Thị Hà (Miss World).
Xuất hiện từ năm 2013, Miss Grand International là cuộc thi “sinh sau đẻ muộn” so với hai đấu trường nhan sắc lớn nhất hành tinh (Miss Universe và Miss World đều có tuổi đời từ 70 năm). Song, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được các chuyên trang sắc đẹp đưa vào danh sách các cuộc thi uy tín nhất thế giới.
Không có thế mạnh về tên tuổi, cuộc thi do ông Nawat Itsaragrisil thành lập được quan tâm nhờ vào khâu tổ chức nghiêm túc, sân khấu hoành tráng và sự hỗ trợ cho các thí sinh.
Nawat Itsaragrisil là người đứng sau thành công của Miss Grand International. Ảnh: MGI. |
Mục đích của cuộc thi
Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) được tổ chức lần đầu năm 2013. Cuộc thi do người Thái Lan sáng lập, đứng đầu là Chủ tịch Nawat Itsaragrisil. Sau 8 năm ra đời, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế chính thức đứng vào hàng ngũ 6 cuộc thi nhan sắc lớn nhất thế giới (bao gồm Miss World, Miss Universe, Miss International, Miss Earth và Miss Supranational).
Trong bài đăng trên trang chính thức của Miss Grand International, cuộc thi thành lập dưới sự hỗ trợ từ Chính phủ, các nhà tài trợ nhằm mục đích lan tỏa sự tốt đẹp cho xã hội.
“Chấm dứt chiến tranh là mục tiêu lý tưởng của tự do, hòa bình và hòa hợp dân tộc. Chúng tôi muốn chấm dứt mọi hình thức bạo lực và thù địch. Vì lợi ích của con em chúng ta và các thế hệ tiếp theo, nhiệm vụ của chúng ta là loại bỏ xung đột, tập trung vào nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân loại”, tổ chức viết.
Giây phút đăng quang của ba đại diện MGI từ 2019-2021. (Từ trái qua: Đại diện Venezuela, Mỹ và Việt Nam). Ảnh: MGI. |
Những người đẹp tham gia cuộc thi phải có mục đích cụ thể, bao gồm khuyến khích giáo dục, nâng cao nhận thức, thực hiện các chiến dịch yêu cầu chấm dứt chiến tranh và bạo lực.
“Hoa hậu phải truyền tải thông điệp yêu hòa bình đến toàn thế giới, thông qua báo in, truyền hình và các kênh trực tuyến. Cuộc thi sắc đẹp là khởi đầu cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Hoa hậu Hòa bình Quốc tế sẽ kêu gọi cả thế giới tham gia vào chiến dịch ngừng bạo lực”, cuộc thi nêu rõ thông điệp.
Nếu theo dõi các cuộc thi hoa hậu lớn trên thế giới, tiêu chí chấm thi của Miss Grand International khá khác biệt. Miss World tìm kiếm hoa hậu nhẹ nhàng, đậm chất “nữ hoàng sắc đẹp”, Miss Universe tìm ra nhan sắc nóng bỏng, dày dặn kinh nghiệm sân khấu. Còn với Miss Grand, năng lượng tích cực là điều ban tổ chức mong muốn. Điều đó có thể nhìn thấy ở Thùy Tiên, các hoa hậu tiền nhiệm và cả thí sinh tham gia chương trình.
Trong cuộc phỏng vấn của Post Today, Nawat Itsaragrisil định nghĩa cái đẹp không phải là gương mặt ngọt ngào, đại trà.
“Đẹp với tôi là nhìn họ có cảm giác thân thiện, tử tế và khiến người khác chú ý. Chỉ cần tử tế, bạn có thể lấy lòng mọi người. Thân thiện giúp bạn bước vào tâm trí người khác”, Nawart nói.
Chủ tịch Miss Grand International cho rằng Hoa hậu Hòa bình phải truyền đạt cảm xúc qua ánh mắt, nụ cười hoàn hảo và phù hợp với tình hình. Thí sinh hoa hậu phải biết cách tự trang điểm, làm tóc và chuẩn bị hoàn hảo trước khi bước vào cuộc thi.
Thùy Tiên và các người đẹp top 5 cuộc thi chụp ảnh sau đêm chung kết. Ảnh: MGI. |
Song, vượt qua cái đẹp ngoại hình là sự chân thành và khao khát chiến thắng.
“Một số người muốn đăng quang vì tiền. Tuy nhiên, người đạt vị trí cao nhất phải là người truyền cảm hứng. Cô ấy có thực sự đến với cuộc thi vì sự chân thành hay không? Cô ấy phải có mục tiêu trong đầu và khao khát chiến thắng”, ông nói.
Lùm xùm của cuộc thi có tuổi đời 8 năm
Được các chuyên trang sắc đẹp đánh giá là uy tín, xây dựng thương hiệu sau 8 năm tổ chức, cuộc thi đến từ Thái Lan không ít lần bị đánh giá “làm cao”, đặc biệt là thái độ từ ban tổ chức.
Trước đêm chung kết Miss Grand International 2021, một tài khoản từ diễn đàn Missosology cho rằng Nawat là người phân biệt chủng tộc. Bài đăng xuất hiện sau khi video chủ tịch cuộc thi nói về Ấn Độ xuất hiện trên mạng xã hội.
“Chào các bạn. Tôi thấy Nawat không chỉ chế giễu thí sinh, ông ấy còn nói những điều ác ý, sai sự thật về Ấn Độ. Chúng hoàn toàn không trung thực, khó chấp nhận và đáng trách”, tài khoản viết.
Người này cho rằng sự phóng đại của Nawat về Ấn Độ khiến các thí sinh nước khác hiểu lầm, làm gia tăng sự kỳ thị của người dân thế giới về quốc gia đông dân. “Tôi ủng hộ Missosology không đưa tin về cuộc thi. Hãy tẩy chay cuộc thi hiện nằm trong top uy tín”, tài khoản viết.
Dưới phần bình luận, nhiều người đòi tẩy chay Miss Grand International. Họ cho rằng cuộc thi làm sao có thể ngăn chặn chiến tranh khi chính những người đứng đầu đang xúi giục sự thù địch.
“Nếu muốn ngừng chiến tranh, họ nên học cách #StopAsianHate (ngăn chặn thù ghét châu Á), nói không với phân biệt chủng tộc, định kiến về Ấn Độ. Với cuộc thi hoa hậu có chủ trương hòa bình, điều này thật đáng hổ thẹn”, người khác viết.
Trang phục dân tộc của đại diện Việt Nam (2019-2021) tại Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (từ trái qua: Kiều Loan, Ngọc Thảo và tân Hoa hậu Thùy Tiên). Ảnh: MGI. |
Năm 2017, cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Huyền My là đại diện nước chủ nhà tranh tài cùng các thí sinh khác.
Trong giây phút không được xướng tên vào top 10, Huyền My bật khóc. Điều đó khiến Hoa hậu Giáng My, nhà thiết kế Sỹ Hoàng không hài lòng.
Tháng 7, sau bốn năm để lại ấn tượng xấu với khán giả, Huyền My lần đầu nói về việc khóc trên sân khấu. Huyền My cho rằng cô khóc thương mẹ vì vừa xuất viện phải ra Phú Quốc cổ vũ con gái.
“Đúng lúc chúng tôi ra sân khấu thì trời mưa to. Ai cũng bị ướt. Tôi đứng trong cánh gà đã khóc vì thương người thân. Đến khi ra diễn, thấy mọi người cổ vũ nhiệt tình quá, mình lại phải dừng chân ở top 10, tôi đã không kìm được cảm xúc. Tôi khóc òa vì sợ làm mọi người thất vọng”, Huyền My nói.
Tháng 3/2016, ban tổ chức Miss Grand International khiến người hâm mộ bất ngờ khi tuyên bố phế truất đương kim hoa hậu Anea Garcia. Cô bị tước vương miện chỉ sau 5 tháng đăng quang.
“Với hiệu lực tức thì, Anea Garcia không tiếp tục đảm nhận vai trò Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2015. Cô ấy không thực hiện được những thỏa thuận như đã cam kết”, ban tổ chức thông báo.
Trong cuộc phỏng vấn với Global Beauties, Teresa Chaivisut – Phó chủ tịch của Miss Grand International – nói người đẹp đến từ Cộng hòa Dominica có chiến thắng xứng đáng nhưng cô lại thất bại với tư cách là hoa hậu.
Bà cho rằng Anea Garcia làm khó ban tổ chức, khiến họ liên tục hủy những chuyến bay, sự kiện thiện nguyện lên lịch từ trước. “Cô ấy khó chiều và không tập trung vào nhiệm vụ. Garcia luôn đòi hỏi những điều không có trong hợp đồng, bao gồm việc đưa bà nội đến Bangkok, Thái Lan sống và hàng loạt yêu cầu vô lý khác”, Teresa nói.
Claire Elizabeth Parker – Á hậu 1 cuộc thi đến từ Australia – sau đó thay thế Anea Garcia để trở thành Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2015.
Nguồn: News.zing.vn