Các hoàng đế Trung Quốc cử hành đại hôn vào độ tuổi trên dưới 16. Ngày quan trọng này do hoàng thái hậu quyết định, từ việc chọn lựa hoàng hậu cho đến nghi thức buổi lễ.
Hoàng hậu là trung tâm của lễ đại hôn, do hoàng đế long trọng nghênh đón. Sau đại hôn, hoàng hậu trở thành vợ chính thức của hoàng đế, là mẫu nghi thiên hạ trấn giữ hậu cung. Trung Quốc cổ đại là một xã hội có trật tự luân lý cực mạnh. Trong quan niệm đó, hoàng hậu được ban cho hình tượng chí cao vô thượng trong nữ giới, ở địa vị chí tôn chí quý, cùng đi sóng hàng, cùng cai trị thiên hạ với hoàng đế. Hoàng đế là cha, là người chủ nuôi dưỡng dân chúng. Hoàng hậu là mẹ, cùng hoàng đế sở hữu thiên hạ.
Theo sự biến thiên của lịch sử, “hậu” dần dần trở thành tiếng chuyên gọi vợ của “đế” hoặc “vương”. Từ sau Tần Hán, đế và hậu cùng được tôn thờ ở Trung Quốc, trở thành phụ mẫu của vạn dân thiên hạ. Người được sắc phong làm hoàng hậu nghĩa là đã lên đến đỉnh của vinh quang, gia tộc cũng theo đó mà hưởng vinh hiển phú quý.
Địa vị tôn quý của hoàng hậu đã quyết định sức hấp dẫn vô hạn của ngôi báu này. Hoàng hậu luôn trở thành mục tiêu của những gia tộc truy cầu quyền thế, dốc hết sức lực để đạt mục đích. Ngôi “bảo tháp” của hoàng hậu đặc biệt cao quý, vì thế các nhà quyền quý đương triều đương quyền không người nào không thèm chảy dãi ngôi báu hoàng hậu, và tìm trăm phương nghìn kế tranh đoạt. Để một bước lên tận mây xanh, hay tối thiểu có thể củng cố quyền lực, các quan đại thần có công, các ngoại thích là trăm quan trong triều đều tranh giành đem con gái đẹp như hoa như ngọc của họ hiến dâng cho hoàng thất. Nhiều người còn mời đón thày bói xem số con gái mình, nếu thày phán cô gái có số đại phú đại quý, coi như cô gái đã trở thành món hàng quý hiếm, không cho lấy chồng, chỉ chờ đợi cơ hội được tuyển vào cung.
Vậy những cô gái như thế nào thì được chọn làm hoàng hậu? Đối với hoàng đế tuổi thiếu niên, quyền quyết định chọn hoàng hậu phụ thuộc vào hoàng thái hậu, ý kiến của vua chỉ để tham khảo mà thôi. Nhưng đến tuổi thành niên, do nhiều nguyên nhân, hoàng đế có thể độc đoán phế bỏ hoàng hậu cũ, tự chọn hoàng hậu khác.
Hoàng đế trẻ trung khỏe mạnh, khí huyết thịnh vượng thường yêu thích những cô gái xinh đẹp lộng lẫy. Còn thái hậu, khi tìm kiếm hoàng hậu đã có những tiêu chuẩn của riêng mình. Điều đầu tiên thái hậu nghĩ tới đó là sự xuất hiện của hoàng hậu mới sẽ đem lại thế lực ngoại thích mới như thế nào. Thái hậu cai quản chính quyền lớn trong hoàng thất thường là những người có quyền lực tương đối mạnh, khi lựa chọn quyết định người làm hoàng hậu, phần đông thái hậu không xuất phát từ lợi ích của hoàng thất, mà chủ yếu là vì lợi ích bản thân và gia tộc. Do vậy, nhiều thái hậu quyết định lựa chọn phụ nữ trong họ hàng sắc phong làm hoàng hậu, củng cố quyền lực và địa vị, tránh sự quật khởi sau này và tiến thêm bước bảo vệ uy thế thái hậu đang nắm giữ.
Đời nhà Hán tại Trung Quốc, nghi lễ triều đình sơ sài, chế độ nghi thức phong hậu giản lược, thái hậu chủ trì công việc này nên phần lớn đều dồn con mắt vào trong gia tộc mình. Hoàng hậu Lữ Trĩ của Hán Cao Tổ, đem cháu ngoại, tức con gái của công chúa Lỗ Nguyên, chị của Hán Huệ Đế gả cho Hán Huệ Đế, trở thành hoàng hậu Huệ Đế. Như vậy là cậu kết hôn với cháu ngoại. Mẹ của Hán Văn Đế là Bạc thị, đem cháu gái bên ngoại gả cho Hán Cảnh Đế. Hoàng hậu Phó thị của Hán Ai Đế là cháu gái họ nhà Phó thái hậu. Âm hoàng hậu của Đông Hán Hòa Đế cũng là người trong nhà của Thái tổ mẫu Âm thị.
Tây thái hậu đời Thanh là Từ Hi cũng đem con gái của em trai mình là Long Dụ sắc phong Quang Tự hoàng hậu. Khi nghị hôn, cùng ra tranh tuyển hoàng hậu có hai người: Long Dụ và Đức Hinh – con Tuần phủ Giang Tây. Hoàng đế Quang Tự say đắm Đức Hinh, sai nội vị đại thần là Khuê Tuấn làm chủ hôn cho mình. Nhưng Long Dụ là cháu gái Từ Hi, Từ Hi chức trọng quyền cao đã chọn Long Dụ, Quang Tự Đế không thể cãi lời, đành nghe theo sự sắp đặt của Từ Hi, làm lễ kết hôn với Long Dụ.
Những người trong gia tộc thái hậu khi được sắc phong hoàng hậu được hưởng vinh hiển, phú quý, nhưng đối với quan hệ với hoàng đế thì phần lớn lại chịu vận mệnh bất hạnh. Trương hoàng hậu của Hán Huệ Đế kết hôn với cậu là Huệ Đế Lưu Doanh, nhưng Lưu Doanh chưa bao giờ gần gũi, sủng hạnh với người cháu gái bên ngoại này. Trước sau, hai cậu cháu không hề sống đời sống vợ chồng, mãi cho tới khi Trương hoàng hậu chết, nàng vẫn mang tấm thân trinh nữ.
(Theo Những Người Đàn Bà Của Hoàng Đế)
Nguồn: Vnexpress.net