Sự cố của rapper Chị Cả và Chí khiến hình ảnh rap trong mắt khán giả đại chúng Việt trở nên xấu đi.
Chị Cả – một rapper có tiếng trong cộng đồng underground, từng tham gia game show King of Rap – gây tranh cãi dữ dội vì những câu từ dung tục trong Censored. Bản rap này phát hành từ năm 2020, nhưng đang bị cộng đồng mạng đào xới lại.
Trước đó, rapper Chí bị chỉ trích vì bản rap Thích ca mâu Chí, chứa nhiều từ ngữ xúc phạm. Rapper nổi lên từ những sản phẩm kết hợp cùng Low G phải gỡ bỏ bản rap trên mọi nền tảng nhạc số, đồng thời trực tiếp xin lỗi Giáo hội Phật giáo.
Những bản rap phản cảm kiểu này từng trôi nổi trên thị trường vài năm trước. Sự khác biệt là rap được khán giả đại chúng chú ý trong 2 năm gần đây, do đó Chị Cả hay Chí phải trả giá.
Rapper Chị Cả nổi lên từ King of Rap. Ảnh: Bá Ngọc. |
Văn hóa đối lập của rap Việt và Âu – Mỹ
Những ca khúc dung tục kiểu Censored, hoặc viết về chủ đề nhạy cảm như Thích ca mâu Chí cũng xuất hiện trên thị trường Âu – Mỹ. Những rapper hàng đầu, từ Eminem, Kanye West, Snopp Dogg, Drake hay các rapper thế hệ mới có nhiều sản phẩm chứa nội dung vượt quá chuẩn mực cho phép.
Đó là bản chất của rap, một bộ môn nghệ thuật xuất phát từ đường phố, khu ổ chuột. Sau vài chục năm phát triển, rap chuyên nghiệp hơn. Các rapper Âu – Mỹ vẫn dùng rap thể hiện cá tính. Họ ít rap về tình yêu, hay cái đẹp, mà rất chuộng những chủ đề gai góc, thậm chí gắn mác 18+.
Khán giả Âu – Mỹ chấp nhận những khía cạnh vượt qua chuẩn mực của rap, bởi thể loại này định hình chỗ đứng từ vài chục năm. Nhưng với thị trường Việt Nam, rap xuất hiện từ khoảng 20 năm trước, bắt đầu được để mắt từ 10 năm gần đây, và bất ngờ gây sốt từ cuối năm 2020. Do đó, Censored hay Thích ca mâu Chí như một dạng dị biệt phải loại trừ.
Bản rap Censored của Chị Cả chứa nhiều câu từ nhạy cảm, thậm chí mang tính chất thác loạn. Từ King of Rap, Chị Cả nổi lên là rapper chơi chữ ấn tượng, cùng lối đan xen vần không lẫn vào đâu. Nhưng với Censored, Chị Cả tự xô đổ sự nghiệp đang được khán giả biết tới.
Các rapper thường sử dụng từ ngữ mang tính ẩn dụ, ví von để đưa vào bài rap. Chí dùng chính chất liệu ẩn dụ để viết nên ca từ trong Thích ca mâu Chí, nhưng đây là sự phá cách táo bạo quá mức. Nội dung bản rap chứa nhiều câu từ thô tục, xuyên tạc.
Những bản rap mang tính xuyên tạc, hoặc chứa nội dung không lành mạnh đã xuất hiện rải rác vài năm qua. Phú quý bò viên – sản phẩm của Anh Phan và Tùng Chùa chứa nhiều câu từ thô tục trong verse 2 của phần rap. Trước đó, BigDaddy gây tranh cãi khi phát hành MV Mẩy thật mẩy có nội dung và hình ảnh nhạy cảm.
Hai năm qua, Bình Gold nổi lên bằng loạt sản phẩm mang tính gây sốc, hút lượt view rất cao như Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Trơn, Quan hệ rộng, Lái máy bay. Điểm chung của những bản rap kể trên đều chứa ca từ nhảm, cổ xúy nhiều vấn đề đi ngược chuẩn mực. Các MV của Bình Gold dàn dựng theo kiểu khoe khoang và phản cảm.
Trước khi Rap Việt và King of Rap lên sóng, rap trong đời sống nhạc Việt chỉ được xem như một thứ “gia vị lạ” Từ thành công của 2 game show, rap thu hút lượng lớn khán giả đại chúng, mà những người yêu rap thường gọi ví von “rap fan tháng 8”.
Rap trở thành dòng nhạc đại chúng bởi những ca từ đẹp, sâu sắc và mang tính đột phá trong các tiết mục ở Rap Việt hay King of Rap. Trước đó, thể loại này bắt đầu len lỏi trên thị trường mainstream từ những rapper kết hợp với ca sĩ Vpop – nhưng vẫn đảm bảo yếu tố “sạch”, hợp chuẩn mực.
Còn rap theo kiểu Chị Cả, Chí, Bình Gold là đậm chất underground. Nhiều năm trước, những sản phẩm kiểu vậy thường xuất hiện trên các diễn đàn, hoặc thông qua các kênh chỉ người thật sự đam mê rap tìm tới.
Còn bây giờ, sự lan tỏa của underground hay mainstream không quá khác biệt. Underground giờ đây cũng không còn đóng vai trò như “tấm khiên” để mỗi rapper thoải mái làm nhạc theo tư tưởng cá nhân.
Bình Gold (trái) thực hiện nhiều bản rap gây tranh cãi. |
Rapper Việt phải thay đổi
Một tuần qua, giám khảo Rhymastic của Rap Việt liên tục bị nhắc tên vì bản rap diss Tượng, nhắm vào Torai9. Đây là minh chứng tiếp theo cho chuyện sự phát triển đột ngột của rap Việt đang đẩy mọi thứ đi theo quỹ đạo khó lường.
Các trận beef (rap chiến) luôn được xem là tinh hoa của rap. Ở đây, mỗi rapper sẽ khiêu khích nhau, sau đó giải quyết cùng nhau thông qua âm nhạc. Rhymastic của 10 năm trước là “quái vật” trong những trận rap chiến. Anh từ bỏ cuộc chơi khá lâu, rồi tái xuất bằng Tượng và hứng chỉ trích.
Những rapper hàng đầu trên thị trường nhạc Việt từng ít nhất một lần lao vào trận chiến trong rap. Binz, BigDaddy, JustaTee, B Ray, Ricky Star… từng diss đối phương và không ngại dùng câu từ vượt quá chuẩn mực.
Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước, khi mà rap chỉ quanh quẩn ở cộng đồng underground. Còn khi các rapper xác định tiến thêm một bước để gia nhập mainstream, họ bắt buộc thay đổi.
Binz chuyển sang hình mẫu của một bad boy, giữ sự táo bạo trong chừng mực ở các sản phẩm. B Ray của 2-3 năm gần đây không còn gắt gỏng, mà sâu sắc hơn nhiều trong cách dùng câu từ.
Đen Vâu của hiện tại nổi tiếng ở những bản rap mơ mộng. Nhưng khán giả theo dõi Đen của nhiều năm trước sẽ biết nam rapper gắt gỏng ra sao khi đứng sau micro công kích rapper khác.
Nhiều khán giả đã “choáng” trước cách Tage thể hiện trong MV Ganh tỵ, sau đó diss ICD. Tương tự là khoảnh khắc ICD lấy nước mắt trong tiết mục Tài sản của bố, nhưng trở thành hình ảnh hoàn toàn khác khi công kích Tage.
Hình ảnh đối lập của Tage và ICD ở trong và ngoài cuộc thi rap cũng chính là nỗi trăn trở của nhiều rapper trên thị trường.
Giới rap Việt đa số thần tượng, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong cách, âm nhạc của rapper Âu – Mỹ, do đó vẫn muốn duy trì thứ gọi là “chất” trong rap. Nhưng thị trường nhạc Việt có chuẩn mực riêng. Rap chỉ mới chớm nở, do đó những người theo đuổi thể loại âm nhạc này phải tiếp tục hướng tới số đông để được tồn tại.
Nguồn: News.zing.vn