Ranh giới giữa làm mới và phá nát ca khúc ở nhạc Việt

0
Ranh giới giữa làm mới và phá nát ca khúc ở nhạc Việt

Sân khấu “Cô gái Gen Z” của Han Sara bị chê phản cảm, từ đó làm nảy sinh những tranh cãi xung quanh việc làm mới ca khúc cũ đã quá nổi tiếng, gắn liền với các thời kỳ lịch sử.

Sân khấu trình diễn Cô gái Gen Z của Han Sara sau khi lên sóng truyền hình đã nhận nhiều chỉ trích nặng nề cho rằng phản cảm. Đây là tiết mục lấy một phần từ ca khúc cách mạng nổi tiếng Cô gái mở đường (Xuân Giao), thêm phần rap mới với thông điệp nhấn mạnh nữ quyền.

Trước Han Sara, chương trình The Heroes có nhiều ca khúc được làm mới lại tạo hiệu ứng tốt. Bản thân Han Sara cũng từng cover, remake nhiều ca khúc cũ thành công. Thế nhưng, Cô gái Gen Z lại mang về những phản ứng tiêu cực.

Sáng tạo hay phá tác phẩm

Sáng tạo là yếu tố tiên quyết trong việc làm mới ca khúc cũ. Để có một phiên bản mới hấp dẫn, các nghệ sĩ và producer vừa phải nắm được tinh thần gốc của ca khúc, vừa phải đưa được tính thời đại cũng như chất nhạc riêng vào.

Remake ca khúc cũ vừa có lợi điểm là bài hát đã quen thuộc với công chúng, dễ tiếp cận. Nhưng cái khó là chẳng những phải làm mới cho hay, mà cái hay đó còn phải được sự tiếp nhận của khán giả. Biến những thứ quen thuộc có tính mặc định trở nên khác lạ luôn rất dễ tạo nên tranh cãi.

Han Sara co gai mo duong anh 1

Han Sara nhận chỉ trích vì thể hiện phản cảm ca khúc Cô gái Gen Z.

Vì vậy, ranh giới giữa sáng tạo và phá tác phẩm rất mong manh. Làm mới nhưng bị phản đối là điều rất đáng tiếc với những người sản xuất âm nhạc.

Cô gái Gen Z ban đầu cũng xuất phát từ tâm ý muốn tôn vinh hình ảnh phụ nữ từ xưa tới nay. Han Sara chia sẻ với Zing rằng cô thích ca khúc Cô gái mở đường, và muốn đưa thêm vào đó tinh thần của những cô gái thế hệ mới. Đáng tiếc, khi triển khai, việc làm mới lại không đúng hướng cảm thụ của khán giả.

Trang phục, lời rap và hình tượng trong tiết mục của Han Sara đã khiến cô phải lên tiếng xin lỗi công chúng.

Một số bình luận cảm thông nếu trang phục của Han Sara và vũ đoàn nền nã hơn thì có lẽ bài hát đã đỡ bị chỉ trích. Những ý kiến đa dạng cho thấy luôn có nhiều góc nhìn trên cùng một phiên bản làm mới.

Chinh phục được số đông chính là thử thách của nghệ sĩ. Làm mới nhạc cũ đã khó, làm mới hay lấy cảm hứng từ nhạc cách mạng lại càng cần phải cẩn thận. Bởi thể hiện lại các ca khúc nhạc đỏ luôn bị đánh giá khắt khe hơn.

Tính chất của nhạc đỏ rất đặc biệt. Đây là những bài hát có tính kinh điển, có bề dày thời gian, phổ quát ở nhiều thế hệ, luôn được nhìn nhận là cần sự trang nghiêm.

Suốt nhiều năm qua, đã có nhiều phiên bản mới của các ca khúc cách mạng phát hành. Các lớp nghệ sĩ sau này, từ Đan Trường, Phương Thanh, Noo Phước Thịnh, Đức Tuấn, Hiền Thục… đều từng thử sức mình với dòng nhạc đỏ.

Các bản hòa âm phối khí mới theo phong cách hiện đại, nhiều album được đầu tư công phu, các show diễn kết hợp dàn giao hưởng hoành tráng. Tuy gần gũi với giới trẻ, nhưng một số cách thể hiện mới vẫn bị đánh giá là quá “tình”, chưa thể hiện rõ hồn cốt của bài hát.

Đặc biệt, càng về sau này, các nghệ sĩ trẻ càng thích có tính đột phá trong sản phẩm làm lại. Nó dễ tạo ra các cuộc tranh luận trái chiều, bởi khoảng cách thế hệ càng lớn, cảm nhận âm nhạc càng khác nhau.

Hiểu biết và cẩn trọng

Tuy nhiên, không phải vì khó, vì nhạy cảm… mà thiếu vắng đi các phiên bản mới của các ca khúc truyền thống. Hơn bất cứ dòng nhạc nào, các ca khúc nhạc đỏ, nhạc quê hương đất nước luôn cần được làm mới lại.

Đó là kho tàng âm nhạc quý giá, vừa lưu giữ sự sáng tạo của các bậc tiền nhân, vừa phản ánh khí thế thời cuộc lịch sử. Đó là những ca khúc lan toả đi tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Kho tàng đó cần phải được truyền tai qua các thế hệ, nên luôn cần được nhắc nhớ bằng những hình thức thể hiện hợp thời.

Han Sara co gai mo duong anh 2

Cần thận trọng khi làm mới nhạc đỏ.

Mới đây, ca sĩ Tùng Dương đã mạnh dạn làm lại ca khúc Tiến quân ca (nhạc sĩ Văn Cao). Tiến quân ca không chỉ là ca khúc cách mạng, mà đó còn là Quốc ca của Việt Nam. Làm mới lại bài hát này thật sự cần một bản lĩnh vững vàng, bởi đây là ca khúc quen thuộc và có vị trí đặc biệt với người dân Việt. Với cá tính âm nhạc của Tùng Dương, chỉ cần chút phiêu linh khác đi trong cách xử lý là có thể tạo nên phản ứng trái chiều.

May mắn, Tùng Dương đã mang lại cho người nghe một ca khúc Tiến quân ca mới, vẫn hào hùng, tự hào, nhưng cũng vẫn rất thời đại, rất Tùng Dương.

Những cái mới luôn dễ gây tranh cãi, đặc biệt khi nó được sáng tạo từ những yếu tố truyền thống có tính tôn nghiêm đã ăn sâu hình ảnh vào tâm trí của khán giả. Làm mới một ca khúc cũ là điều nên khuyến khích, nó thể hiện sự không giới hạn trong sáng tạo âm nhạc.

Nhưng để làm mới thành công, dù với bất cứ dòng nhạc nào, bên cạnh sự am hiểu về âm nhạc, các nghệ sĩ còn cần phải hiểu biết về lịch sử, văn hóa, bối cảnh và tinh thần gốc mà ca khúc phản ánh.

Nắm chắc chắn những điều đó càng giúp việc phát huy sáng tạo dễ dàng hơn, có nhiều nguyên liệu phát triển hơn. Đồng thời cũng tránh được những lỗi lầm không đáng có, như câu chuyện của Cô gái Gen Z những ngày qua.

Nguồn: News.zing.vn