Những cây lan đột biến như Phú Thọ, Hồng Mỹ Nhân… được mã hóa dưới dạng tài sản số NFT, rao bán với giá 80-250 USD/cây.
NFT (Non-Fungible Token) là thuật ngữ nổi lên đầu năm 2021. Đây là dạng vật phẩm ảo sử dụng công nghệ blockchain làm giấy chứng nhận quyền sở hữu. Về cơ bản, mỗi NFT đại diện cho một vật phẩm duy nhất, không thể sao chép hay tách rời.
Hàng trăm cây lan ảo được bày bán
Theo ghi nhận của Zing, mặt hàng lan đột biến NFT đang được rao bán tương đối đa dạng trên các sàn giao dịch vật phẩm ảo quốc tế như OpenSea. Người dùng có thể tìm mua nhiều chủng loại, kiểu dáng lan NFT khác nhau như lan Phú Thọ, lan Hồng Mỹ Nhân, lan Hồng Yên Thủy…
Mỗi dòng lan đều có số lượng phát hành giới hạn và không giống nhau. Không cần “chăm sóc hay tưới nước”, những cây lan này vẫn có thể tồn tại lâu bền theo thời gian. Ngoài ra, người dùng có thể trao đổi, giao dịch những cây lan NFT với nhà sưu tầm trên thế giới.
Những chậu lan ảo có giá dao động từ 80-250 USD. Để sở hữu những chậu lan đột biến NFT, người dùng có thể mua trực tiếp trên sàn hoặc đấu giá bằng tiền mã hóa. Đơn vị thanh toán vật phẩm chủ yếu là đồng Ethereum.
Một cây lan Phú Thọ rao bán với giá 0,04 ETH. Ảnh: Chụp màn hình. |
Theo Nguyễn Việt Dinh – Trưởng mảng công nghệ công ty Symper – bất kỳ ai cũng có thể tạo ra vật phẩm ảo. Bên cạnh đó, quá trình tạo ra các NFT tương đối đơn giản và không tốn nhiều thời gian, thường chỉ mất khoảng 15-20 phút.
“Chi phí tạo một NFT không đáng kể. Nhà phát triển cần bỏ ra trên dưới 20 USD để tạo một smartcontract (hợp đồng thông minh). Nếu ứng dụng trên nền tảng của Ethereum, phí giao dịch để tạo một NFT là 1 USD. Thậm chí rẻ hơn 10 lần nếu nhà phát triển sử dụng nền tảng khác”, ông Dinh nhận định.
Hiện nay, một số nền tảng trên Internet hướng dẫn người dùng tạo NFT và bày bán trên sàn giao dịch. Tuy nhiên không phải vật phẩm ảo nào cũng có giá trị. “Bản chất NFT chỉ là giấy chứng nhận sở hữu tài sản nào đó. Còn tài sản đó có thật hay giá trị ra sao thì phụ thuộc vào uy tín của người phát hành”, ông Dinh chia sẻ.
Trên mạng xã hội, một số người chơi lan tỏ ra bất ngờ trước ý tưởng này. Mặc dù vậy, theo Bửu Phước, một người chơi lan ở Hưng Yên, việc mua bán lan đột biến dưới dạng NFT chỉ mang tính tượng trưng, thể hiện sự ứng dụng công nghệ vào trong đời sống của người dùng.
“Đối với tôi những cây lan ảo này không có giá trị. Niềm vui của người chơi lan là được tự tay mua về, chăm sóc cây và chứng kiến thành quả. Dù chúng có đột biến hay hiếm có đến đâu cũng chỉ là sản phẩm do con người tạo ra và mặc định giá trị”, ông Phước nói.
Phong trào NFT xuất hiện tại Việt Nam
Công nghệ blockchain giúp con người sở hữu nhiều loại vật phẩm khác nhau dưới dạng NFT. Ngoài lan đột biến, người dùng có thể tìm thấy một số sản phẩm âm nhạc dưới dạng NFT do nghệ sĩ Việt phát hành, tiêu biểu như ca khúc “NHẠC ANH 2.0” của rapper Andree và Wxrdie.
Tại Việt Nam, người dùng quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT có thể tìm đến gian hàng của Cổng Trời, một trong những sàn giao dịch NFT đầu tiên tại thị trường trong nước.
Đây là dự án do chuyên gia Việt phát triển với mục tiêu ngăn chặn tình trạng đạo nhái tác phẩm, vi phạm tác quyền, đồng thời cung cấp cho giới sưu tầm các tác phẩm áp dụng công nghệ blockchain.
Một số tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT được rao bán trên một sàn giao dịch Việt Nam. Ảnh: Chụp màn hình. |
Phong trào đầu tư NFT bùng nổ kể từ sự kiện nghệ sĩ kỹ thuật số Mike Winkelmann bán một đoạn video có thời lượng 10 giây với giá 6,6 triệu USD. Trước đó, một đoạn video hoạt họa Nyan Cat cũng đã được bán với giá 587.000 USD.
Giá trị của các NFT thường phụ thuộc vào nhà phát hành và độ hiếm có. Jack Dorsey – ông chủ Twitter – từng rao bán đoạn tweet đầu tiên của mình với giá 2,5 triệu USD. Người mua sẽ được gửi giấy chứng nhận cùng chữ ký của Dorsey, trong đó bao gồm siêu dữ liệu (metadata) gốc của tweet, thời gian đăng và nội dung.
Tương tự, Elon Musk, vị tỷ phú có mối quan tâm đặc biệt đến công nghệ blockchain và tiền mã hóa, cũng rao bán bản nhạc dưới dạng NFT do chính mình tạo ra. Trên sàn NFT Valuables, giá trị bản nhạc của Elon Musk ước tính khoảng 1,12 triệu USD.
Tuy vậy, phong trào sở hữu NFT trên thế giới bắt đầu có dấu hiệu thoái trào. Theo thống kê của NonFungible, doanh thu của thị trường NFT đầu tháng 6 đạt 19,4 triệu USD, giảm 90% so với tháng trước đó. Số lượng ví NFT hoạt động cũng giảm 70%, từ 12.000 ví (ghi nhận đầu tháng 5) xuống còn 3.900 ví (ngày 1/6).
Nguồn: News.zing.vn