Vết gồ ghề của bí đỏ, lốm đốm trên lá rau do sâu ăn… đều được Như Quỳnh tạo hình chi tiết. Những mô hình rau củ, đồ ăn này đã thu hút sự chú ý của các tín đồ yêu bếp.
Mới đây, hình ảnh sạp rau củ có kích thước nhỏ hơn 12 lần so với bản gốc của Như Quỳnh (Hà Nội) đã thu hút hơn 100.000 lượt yêu thích trên cộng đồng những người yêu bếp. Nhiều người tỏ ra thích thú khi ngỡ đây là những loại rau củ thông thường có thể ăn được.
“Trồng” rau củ từ đất sét
Sạp rau củ tí hon với đầy đủ hành lá, bí ngô, cải thảo… nhiều màu sắc là sản phẩm sáng tạo sau nhiều giờ của nữ 8X Như Quỳnh.
Không được đào tạo về mỹ thuật, thiết kế, cô gái trẻ chỉ tình cờ biết đến bộ môn nghệ thuật này hơn 10 năm trước trong một bài viết về món ăn làm từ đất sét. “Thời điểm đó, tại Việt Nam, hình thức nghệ thuật này chưa phổ biến nên mình phải tự tìm hiểu trên Internet và vừa học vừa làm”, cô chia sẻ với Zing.
Nhiều người bất ngờ khi biết rạp sau củ của Như Quỳnh chỉ là mô hình bằng đất sét. |
Tìm mua nguyên liệu để sáng tạo những món đồ này cũng là khó khăn đối với Như Quỳnh trong thời gian đầu. Cô phải đặt mua các loại đất sét, đồ dùng để tạo hình từ nước ngoài với giá cao và mất từ 1-2 tuần về đến Việt Nam.
Cô cho biết mình đã đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian để tìm mua đúng loại đất sét và màu sơn mong muốn. Một số loại đất sét được đặt mua từ Nhật Bản giá 800.000-900.000 đồng/cục. Một lọ màu sơn vài ml có giá khoảng 80.000-90.000 đồng.
Với niềm đam mê, cô gái trẻ vẫn dành hàng giờ để nghiên cứu, tỉ mỉ tạo hình các món đồ sao cho thật nhất từ mớ rau xanh vẫn có lốm đốm những chỗ bị sâu, quả bí đỏ cũng có các vệt gồ ghề tự nhiên, nải chuối xanh được tạo độ bóng ở từng quả… Là người cầu toàn, Như Quỳnh chăm chút cho từng sản phẩm mình làm ra. Hiện, cô sở hữu hơn 1.000 mô hình tí hon từ rau củ đến các loại đồ ăn.
Như Quỳnh đầu tư nhiều thời gian quan sát mẫu vật để mô hình đạt được độ chân thật nhất. |
Chia sẻ với Zing, Như Quỳnh cho biết người tạo tác những mô hình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, khả năng quan sát. Vì những sản phẩm này chỉ nhỏ về kích thước, còn hình dáng, màu sắc phải đạt chuẩn. “Món đồ to nhất mình làm có kích thước khoảng 2,5 cm, các chi tiết nhỏ hơn như hạt gạo, cọng hành trong bát phở chỉ khoảng 1 mm”, nữ 8X nói.
Mỗi mô hình mất 4-5 tiếng để hoàn thiện
“Để hoàn thiện một mô hình đồ ăn từ đất sét tốn từ 4-5 tiếng, tùy theo độ đơn giản hay phức tạp của món đồ”, Như Quỳnh chia sẻ. Một số mô hình có các chi tiết phức tạp, cô phải mất vài ngày để hoàn thiện.
Để có được một mô hình bằng đất sét, người làm phải trải qua 3 bước. Bước đầu tiên là pha màu cho sản phẩm. Màu pha dùng cho đất sét khá đa dạng nhưng chủ yếu cô sử dụng màu Winsor & Newton và Tamiya.
Tiếp theo, người chơi cần phải tạo hình cho sản phẩm. Đây là khâu quan trọng bởi nó quyết định độ chân thực. “Mình đầu tư nhiều thời gian và mua nhiều dụng cụ như gỗ balsa, bìa mô hình… để phục vụ cho công đoạn này”, Như Quỳnh kể. Nhiều dụng cụ cô phải đặt mua ở nước ngoài với mức giá lên đến vài triệu đồng.
Bước cuối cùng là dặm màu và phủ lên một lớp bảo vệ thành phẩm.
Ngoài các mô hình rau củ, nữ 8X còn thử sức với việc tạo hình đồ ăn và búp bê. Như Quỳnh đánh giá để làm được một món ăn đòi hỏi kĩ thuật và nhiều thời gian hơn. Với món cơm rang, cô buộc phải nặn từng hạt gạo, muốn làm phở yêu cầu có từng sợi phở, lát thịt bò, cọng hành thái…
Mô hình đồ ăn đòi hỏi nhiều về thời gian và kỹ thuật hơn. |
Sáng tạo mô hình búp bê cũng là thử thách đối với Như Quỳnh. “Mình phải mất khoảng thời gian dài để nghiên cứu về tỉ lệ gương mặt, cơ thể của trẻ em để sản phẩm có hồn và đạt chuẩn”, Như Quỳnh kể.
Các mô hình của Như Quỳnh chủ yếu làm để thỏa niềm đam mê và tặng người thân. Sau này khi nhiều người ngỏ ý muốn mua, cô mới làm để bán. Những món đồ ăn ngọt có giá dao động 30.000-120.000 đồng. Đồ ăn mặn có giá cao hơn do đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ thuật. Ngoài ra, cô cũng bán theo bộ gồm nhiều món ăn với các mức giá khác nhau.
Nguồn: News.zing.vn