Cứ mỗi độ xuân về, khi những cơn mưa phùn lất phất bay trong tiết trời se lạnh cũng là lúc bản người Mông rộn ràng đón tết, vui xuân, tấp nập chuẩn bị cho một cái tết sum vầy no ấm bên người thân và gia đình.
Đi giữa mùa xuân Tây Bắc ngắm nhìn những triền núi phủ trắng sắc hoa đang đắm chìm trong không gian huyền ảo của những đám sương mù dày đặc, ta có cảm giác như mình đang trôi giữa một biển mây bềnh bồng, bí ẩn đến vô cùng. Điểm xuyết trong đó là không khí tưng bừng, rộn ràng sắc xuân đang lan tỏa trên khắp các bản làng. Người người đón tết, nhà nhà đón tết, từ người già đến trẻ nhỏ đều thường trực nụ cười tươi vui. Tất cả tạo nên một bức tranh xuân vô cùng ấm áp, lung linh và sặc sỡ sắc màu.
Không giống như phong tục truyền thống trên cả nước, Tết cổ truyền của người Mông thường diễn ra từ ngày 30/11 âm lịch hàng năm, tức là trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng. Vào những ngày này, bao trùm toàn bộ không gian nơi đây là những âm thanh thân thuộc, rộn ràng của tiếng chày giã bánh hòa quyện với tiếng vui đùa, reo hò của trẻ em khi chơi các trò chơi truyền thống như ném pao, chơi quay, múa ô, đánh cù…
Tết của người Mông kéo dài trong 3 ngày. Họ quan niệm công cụ lao động cũng giống như những người bạn gắn kết với gia đình mình, vì thế, các công cụ hàng ngày đều được họ dán giấy và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân, tôn trọng những “người bạn” trong lao động, sản xuất đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình.
Đặc biệt hơn, khoảnh khắc giao thừa của đồng bào Mông được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên. Ngày 30 họ phải tự tay thay cái giấy rồi dán lông gà vào, sau đó mới quét nhà cửa đón năm mới. Không dùng chổi chít, phải dùng bằng lá cây giăng hoặc cây tre. Như thế mới có thể vứt bỏ hết những điều không tốt trong năm cũ và đón chào những vận may sắp tới. Tới đêm, nhà nhà lại quây quần bên bếp lửa, cùng nhau ôn lại những câu chuyện của năm cũ, hay ngồi hát những bài hát truyền thống đón xuân, ngồi chờ khoảnh khắc đặc biệt nhất trong năm. Vào ngày này, công việc chuẩn bị được tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ với nhau. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện đón Tết. Còn cánh đàn ông làm hết mọi việc từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm chuẩn bị thực phẩm cho gia đình.
Từ ngày mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết… Đây cũng là lúc không khí trong bản người Mông nhộn nhịp nhất với những trò chơi truyền thống như đánh quay, ném pao, múa xòe,… Tiếng nói cười rộn ràng tràn ngập khắp các nẻo đường. Đâu đây trên khắp các ngóc ngách, bản làng, tiếng hát du dương cùng tiếng khèn vang vọng như mê hoặc lòng người, thúc giục bước chân của những đôi trai gái tìm đến với nhau. Trong bộ trang phục dân tộc nổi bật, các chàng trai thi nhau thổi khèn, tiếng khèn ai càng du dương kết hợp với điệu nhảy càng dẻo sẽ được nhiều cô gái để ý. Vì vậy, không chỉ là dịp lễ tết đặc biệt mà Tết cổ truyền còn là nơi gắn kết tình cảm, kết nối nhân duyên cho những chàng trai, cô gái trên mảnh đất xinh đẹp này.
Đồng bào Mông ăn tết trong 3 ngày còn hoạt động vui chơi thì kéo dài trong cả tháng. Trong những ngày Tết chính, mọi người trong khắp thôn bản tìm đến gia đình chúc tụng nhau. Mâm cỗ luôn được gia đình chuẩn bị trước và sẵn sàng tiếp khách.
Nếu tết của người kinh không thể thiếu bánh chưng thì trong mâm cỗ tết của người Mông, ngoài các loại thịt, bánh dày là thực phẩm không thể thiếu. Bánh dày thể hiện sự công phu của những con người quanh năm gắn bó với ruộng nương, gói ghém những ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc .Những hạt nếp đã được giã mịn và quyện vào nhau sẽ được gói lại bằng lá chuối theo hình tròn. Sau khi hoàn thành, người Mông bày 6 cặp bánh dày lên bàn thờ, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm với ý nghĩ dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.
Trong ngày đầu năm mới, đồng bào đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, khách đến nhà người Mông trong dịp Tết luôn được đón tiếp rất chu đáo, được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người Mông còn mừng tuổi cho khách những chiếc bánh dày do chính tay họ làm ra.
Nếu có dịp lên Sơn La dịp tết, chắc hẳn không khí ấm áp hay những trò chơi tết truyền thống ở nơi đây sẽ mãi in sâu trong tâm trí mỗi người. Đó không chỉ là một phong tục cổ truyền của dân tộc mà còn mang một ý nghĩa sâu sắc với niềm động viên tinh thần vô giá cho người dân nơi đây để họ có thêm sức mạnh bước vào một năm mới tốt lành, một mùa vụ bội thu, no ấm, cùng giúp nhau phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn