Ban công thiếu an toàn là nỗi lo với các hộ gia đình có con nhỏ, vật nuôi trong chung cư. Từng có thú nuôi nhảy xuống từ ban công vì thói quen lâu ngày không được chủ để ý.
Ngày 23/11, nghệ sĩ Trấn Thành thông báo trên Fanpage chính thức về tin buồn mèo cưng qua đời. Anh nghi ngờ nguyên nhân đến từ việc đơn vị thi công chung cư lắp rào ban công thiếu chất lượng, thú cưng dùng lực nên đã rơi từ trên cao xuống, gãy tay và thổ huyết.
Nam MC quyết định chia sẻ thông tin này để gửi lời nhắc nhở đến những hộ dân chung cư cảnh giác trước rủi ro đến từ ban công.
Chưa thể khẳng định nguyên nhân con mèo của Trấn Thành rơi là do ban công chung cư thiếu chắc chắn. Tuy nhiên, từ câu chuyện này, nhiều cư dân ở các chung cư khác cũng tìm thấy sự đồng cảm với những trường hợp tương tự.
Nên xem xét khả năng an toàn của ban công
Anh Triết Hồ (cư dân chung cư Riva Park, quận 4) chia sẻ từng rơi vào hoàn cảnh giống Trấn Thành khi chăm một bé mèo Munchkin (giống mèo chân ngắn).
Tại thời điểm đó, anh Hồ Anh Triết sống tại chung cư Lotus Garden (quận Tân Phú). Vì không muốn làm phiền hàng xóm nên anh chọn nuôi loại mèo Munchkin để đảm bảo sạch sẽ, không để lại mùi. Anh Triết đi làm mỗi ngày nhưng không muốn nhốt vật nuôi nên cho chú mèo chạy nhảy khắp nhà.
Ban đầu, anh sợ không cho mèo ra khu vực này. Nhưng qua vài lần quan sát, người đàn ông này thấy thú cưng leo ra leo vào chuyên nghiệp nên sinh tâm lý ỷ y.
“Nuôi cả năm trời, tôi thấy nó leo ra ban công cả trăm lần không có vấn đề gì. Đến một ngày không tìm thấy bạn ấy đâu…”, anh Triết kể lại.
Chú mèo một tuổi của anh Triết lúc còn sống. Ảnh: NVCC. |
Một buổi sáng, anh dậy vào lúc 6h để kêu mèo lại ăn. Cứ nghĩ nó núp ở chỗ nào để giỡn, sau một giờ gọi không thấy, anh Triết bắt đầu lo. Anh chạy xuống hỏi đội bảo vệ xem có bắt gặp con gì rớt thì được chỉ chỗ mèo cưng đang nằm thoi thóp, hấp hối.
“Quay lại vấn đề vì sao mèo chết thì nói thẳng ra là do tôi chủ quan. Qua đây, tôi rút ra bài học cho các gia đình ở tầng cao, thậm chí không phải nuôi thú cưng mà có em bé dưới 10 tuổi là nên tính toán tất cả khả năng an toàn ở ban công”, anh Triết rút kinh nghiệm.
Ngoài nuôi mèo, gia đình anh còn có một bé trai hiện 5 tuổi. Sau sự việc trên, anh căn dặn con khá kỹ về vấn đề nguy hiểm khi đến gần ban công.
“Mua chung cư tầng cao giá trị khác nhà phố ở chỗ view đẹp và ban công rộng. Nếu phải bắt lưới an toàn sẽ làm mất gió, khuất tầm nhìn”, anh nói lên điểm cập rập.
Đăng tải trên group cư dân, anh Minh Luân (cư dân quận 10) hy vọng nhận được sự giúp đỡ khi mèo cưng bỗng mất tích.
“Tôi ở tháp A, trước khi ra khỏi nhà đã kiểm tra ban công đóng kỹ. Không hiểu sao tối về lại thấy ban công hé ra khe rất nhỏ. Mèo trong nhà không thấy đâu, đã tìm khắp nơi cũng không ra”, anh chia sẻ trên Facebook.
Anh lo ngại rằng thú cưng rơi xuống dưới nên đã tìm xung quanh khuôn viên chung cư. Thậm chí, Luân còn hỏi bộ phận bảo vệ, vệ sinh trong tòa nhà nhưng cũng không có gì khả quan.
Rất may cho Minh Luân khi một cư dân trong cùng tháp A vô tình bắt gặp bé ở khu vực bể bơi và trông nom hộ. Sau đó, người này nhìn thấy tin nhắn của Luân trên Facebook, liên hệ anh để trả lại mèo.
“Sự việc này khiến tôi nghi ngờ chất lượng của ban công chung cư. Ngay hôm sau, tôi đã thay chốt khóa cửa ra ban công bằng loại tốt hơn. Hy vọng không ai phải rơi vào trường hợp đáng tiếc”, Minh Luân đúc kết.
Chặn hết các chỗ nguy hiểm
Những ban công thiếu an toàn không những nguy hiểm cho vật nuôi, mà với các gia đình có trẻ nhỏ, điều này thật sự phải được chú tâm.
Trẻ em ở độ tuổi mới lớn thường khá hiếu động, nghịch ngợm. Như trong câu chuyện của mình, con gái của chị Uyên Nguyễn (cư dân Sunrise City, quận 7) dù mới 15 tháng đã biết đẩy bàn ghế để trèo lên, lấy vật trên cao.
“Lớn hơn nữa chắc không có gì làm khó được bé, nhà tôi hiện đã chặn hết các chỗ nguy hiểm”, bà mẹ một con cho hay.
Tình huống xấu nhất từng xảy ra là con gái chị Uyên dùng ghế hay xe đạp để đứng dựa vào ban công, cực kỳ nguy hiểm nếu không có người lớn ở kế bên. Vì vậy, chị Uyên tin rằng mình cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Có nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, chị chia sẻ: “Tôi từng thấy bên Hàn Quốc các chung cư lớn thường có hai cửa sổ ở ban công. Một cửa lưới được khoá lại, vừa chống côn trùng vừa phòng trường hợp rơi rớt nhưng vẫn đảm bảo không khí lưu thông trong nhà. Một cửa kiếng khác dùng để kéo mở ra vào, tôi thấy tại Việt Nam rất thông dụng loại này”.
Góc ban công của gia đình chị Uyên tại chung cư Sunrise City. Ảnh: NVCC. |
Nhận thấy những rủi ro tiềm ẩn, chị Uyên đặt câu hỏi về chủ đề này lên nhóm dân cư trên Facebook và nhận được nhiều bình luận đồng cảm. Họ cùng nhau chia sẻ các dịch vụ lắp lưới kẽm, dàn phơi thông minh để đảm bảo an toàn.
Anh Hoàng Nam chỉ mới dời về chung cư Tropic Garden (TP Thủ Đức) được một năm. Trước đây, anh cùng bà xã sinh sống tại chung cư Khánh Hội (quận 4). Nhiều lần, gia đình anh bị rơi đồ từ ban công tầng 9.
“Ở trên cao nên gió nhiều lắm, ban đầu tôi cân nhắc chưa lắp lưới an toàn vì cảm giác hơi mất thẩm mỹ và có phần tù túng. Tuy nhiên sau nhiều lần rơi mất đồ từ khăn, áo… đến cả tấm đệm lớn lẫn thú cưng cũng bị rơi mất thì tôi và vợ thống nhất phải lắp lưới”, anh Nam nói.
Trước đó, gia đình anh có nuôi một con rồng Nam Mỹ Iguana và thường để nó ở ban công phơi nắng. Chú rồng này từng bị rơi từ tầng 9 xuống đất vì gió quá mạnh.
Tuy chỉ bị thương nhẹ nhưng chính vì cả thú cưng cũng gặp nguy hiểm khi ở ban công nên anh Nam đã quyết định lắp lưới an toàn
Thời gian gần đây, gia đình Hoàng Nam có thêm thành viên mới. Ngay khi dọn vào chung cư mới, anh thuê người lắp lưới khu vực ban công và cửa sổ để phòng tránh rủi ro.
Lưới anh Nam chọn là loại cáp có lõi là inox được bọc nhựa HDPE hoặc PE chống ăn mòn, rất bền và có khả năng chịu lực tốt. Người đàn ông này chia sẻ thêm vì nhà vừa có con nhỏ lại nuôi mèo, nên vợ chồng anh khá có kinh nghiệm và thận trọng trong việc đảm bảo an toàn cho các khu vực này.
Nguồn: News.zing.vn