Rừng ngập mặn ở Hạ Long

0
Rừng ngập mặn ở Hạ Long

Vừa qua, cùng chuyến công tác với cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ra ngoài Vịnh, tôi có dịp trở lại khu vực vụng Ba Cửa, hang Đầu Gỗ. Lâu lâu mới trở lại, tôi thấy thật mừng khi tận mắt chứng kiến quần thể rừng ngập mặn ở vụng Ba Cửa và trước cửa hang Đầu Gỗ đang phát triển xanh tốt.

Đây là hai địa điểm có quần thể rừng ngập mặn lớn nhất ven các đảo trong lòng Vịnh Hạ Long (không kể ven bờ). Những cây vẹt, sú, mắm… có cây cao trên dưới 2,5m khá nhiều.

Tại vụng Ba Cửa, quần thể rừng ngập mặn đã phát triển ven đảo dài hàng trăm mét, còn trước cửa hang Đầu Gỗ, rừng ngập mặn cũng đang ngày một phân bố rộng ra.

 

Quần thể rừng ngập mặn trước cửa hang Đầu Gỗ

 

Được biết, có kết quả trên là nhờ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long quan tâm đến công tác quản lý, bảo tồn. Tại vụng Ba Cửa, Ban nghiêm cấm việc đánh bắt hải sản. Nhờ vậy, không chỉ rừng ngập mặn mà các loài hải sản có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó là sự phối hợp, nỗ lực của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Tỉnh Đoàn từ mấy năm trước đã tổ chức các đợt trồng rừng ngập mặn tại hai địa điểm trên. Một nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long làm việc tại hang Đầu Gỗ cho biết, rừng ngập mặn sinh sôi, gần đây ngư dân đã bắt được cua, ngán ngay trong rừng ngập mặn trước cửa hang – điều mà trước đây không bao giờ có được.

 

Chúng ta đã biết, bờ biển Quảng Ninh dài trên 250km với nhiều đoạn chia cắt, xen kẽ với các cửa sông là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các cây ngập mặn nói riêng, thực vật ngập nước nói chung. Rừng ngập mặn Quảng Ninh trải dài từ cửa sông Bạch Đằng (Quảng Yên) đến Trà Cổ (Móng Cái), với nhiều giống, loài cây ngập nước phong phú như vẹt, dù, mắm, sú, trang… Với Vịnh Hạ Long, rừng ngập mặn tập trung chủ yếu ở khu vực đảo Tuần Châu, Cửa Lục, đảo Đầu Gỗ, Chân Voi, vụng Cái Lân, khu vực giáp ranh Cát Bà và rải rác ven bờ.

 

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng cửa sông ven biển, hạn chế tác động của gió bão; là “tấm lá chắn thiên nhiên” bảo vệ cuộc sống và sản xuất của ngư dân ven biển. Rừng ngập mặn là nơi cung cấp thức ăn dồi dào cho sự sinh trưởng và phát triển nhiều loài động, thực vật; nơi tránh trú, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật… Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn đóng vai trò tích cực trong việc xử lý môi trường, làm giảm hàm lượng kim loại nặng có trong nước thải nội địa đổ ra cửa sông ven biển, góp phần làm sạch môi trường. Các nhà khoa học đã xếp rừng ngập mặn là một trong 7 hệ sinh thái điển hình của hệ sinh thái đất ướt ở Vịnh Hạ Long; đã thống kê được rừng ngập mặn ở Hạ Long và vùng phụ cận là nơi sinh trưởng của 19 loài thực vật ngập mặn, gần 500 loài sinh vật, trong đó có 306 loài động vật đáy, 90 loài cá biển, 37 loài chim, 16 loài rong biển, 12 loài động vật có vú, 5 loài bò sát, 4 loài cỏ biển.

 

Trong những năm qua, với sự nỗ lực, chung tay của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, các tổ chức quốc tế và người dân, việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn đã được triển khai ở nhiều địa phương như TX Quảng Yên, TP Hạ Long, huyện Tiên Yên, TP Móng Cái… mang lại những kết quả tích cực. Qua đó đã góp phần tuyên truyền cho cộng đồng hiểu về ý nghĩa, vai trò của rừng ngập mặn để mà có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn môi trường bền vững. Tuy vậy, quá trình mở rộng đô thị, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng nhà máy xi măng… đã khiến cho không ít quần thể rừng ngập mặn bị mất đi. Tiêu biểu như vùng ven bờ ở Hoàng Tân (Quảng Yên), Đại Yên, Cửa Lục (TP Hạ Long)…

 

Hãy cùng chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn, đó là một trong những hành động hữu ích để chúng ta ứng xử với Di sản – kỳ quan thế giới Vịnh Hạ Long, giữ cho Hạ Long mãi xanh.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn