Giữa không gian núi rừng, tiếng đàn đá, tiếng mã la vang lên những thanh âm độc đáo như muốn níu giữ bước chân du khách đến với Công viên du lịch Yang Bay.
Cách TP. Nha Trang khoảng 40km về phía Tây, Công viên du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) thừa hưởng vẻ đẹp của cánh rừng nguyên sinh với thác nước hùng vĩ. Đến đây, du khách được hòa mình vào không gian thiên nhiên rợp mát bóng cây và tiếng chim rừng ríu rít. Để tô điểm cho cảnh sắc núi rừng, những người làm du lịch ở Yang Bay đã khéo léo khai thác những sắc màu văn hóa độc đáo. Bước chân vào cổng khu du lịch, du khách bắt gặp ngay hình ảnh cây Mộc thần sừng sững. Mộc thần gồm 3 cây: 2 cây cổ thụ Da và Sanh đan xen, một cây rừng nhỏ mọc trong hộc cây của cây Da. Dân gian truyền miệng rằng đây là nơi cư ngụ của thần Rừng Yang Bay. Ba cây là ba thành viên của gia đình Thần rừng. Đặc biệt Mộc thần có 8 bành rất lớn tượng trưng cho 8 mặt của Thần rừng để trông coi 8 hướng của trời đất. Mộc thần rất linh thiêng nên bà con Raglai hàng ngày trước khi ra vào rừng đều dừng lại thắp hương và cầu khấn. Bà con truyền miệng rằng: Mộc thần 8 mặt (8 bành) ban phúc 8 vấn đề quan trọng trong đời, cụ thể là: sức khỏe, tình duyên, sự nghiệp, học hành, gia đình, tiền bạc, cầu tự, tâm an. Trước kia, mỗi lần đồng bào đi rừng đều đến bên gốc cây này xin thần linh ban cho những điều may mắn. Còn bây giờ, cây Mộc thần trở thành nơi để du khách gửi những dải lụa cầu may cho bản thân, gia đình.
Ấn tượng nhất ở Yang Bay là nét văn hóa bản địa luôn được lưu giữ. “Với mong muốn du khách gần xa biết được những nét đẹp văn hóa của người dân địa phương, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã thành lập và duy trì đội văn nghệ người Raglai biểu diễn phục vụ du khách”, ông Nguyễn Phi Trường – Phó Giám đốc Công viên du lịch Yang Bay cho biết. Đội văn nghệ hiện có 11 người chuyên biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc mang màu sắc truyền thống dân tộc Raglai: từ những vũ điệu Raglai uyển chuyển, đến câu hát giao duyên mượt mà; từ thanh âm trầm ấm của dàn mã la, đến tiếng réo rắt của bộ đàn đá. Cùng với đó là âm thanh quyện hòa của những loại nhạc cụ được làm bằng tre như: Đàn Chapi, đàn Tơ rưng, đàn Krong put, sáo Ta Cung, sáo Tale Piloy… Những nhạc cụ đơn sơ, mộc mạc đã chuyển tải đến du khách nhiều cảm xúc. “Anh chị em trong đội văn nghệ đều rất yêu thích ca múa, nhất là được biểu diễn những lời ca, điệu múa, tiếng đàn của dân tộc mình. Tại đây, chúng tôi có cơ hội giao lưu, giới thiệu cho mọi người vẻ đẹp trong tâm hồn người Raglai thông qua những lời ca tiếng hát mang âm hưởng núi rừng”, anh Cao Dy – Đội trưởng đội văn nghệ Yang Bay chia sẻ.
Điểm nhấn của văn hóa bản địa ở Yang Bay chính là lễ hội “Huyền thoại Yang Bay” được tổ chức vào trung tuần tháng 7 hàng năm. Yang Bay trong tiếng Raglai có nghĩa là “thác trời” và nó gắn chặt với truyền thuyết kể về mối tình của chàng Cau Sơn – chàng trai hiền lành, chất phác người Raglai với nàng Tiên Út. Trong lễ hội, thông qua hình thức sân khấu hóa, các diễn viên đã tái hiện vẻ đẹp của đồng bào Raglai trong lao động, vui chơi…
Để du khách hiểu rõ hơn về đời sống, sinh hoạt của đồng bào Raglai, trong Công viên du lịch Yang Bay có không gian tái hiện ngôi nhà sàn truyền thống của người dân nơi đây. Tại đây, du khách được xem những công cụ lao động, sản xuất, những bộ trang phục dân tộc, dàn nhạc cụ của người Raglai. Du khách có dịp trò chuyện với những thiếu nữ Raglai để biết thêm những điều thú vị về cuộc sống của người dân địa phương. “Nét đẹp văn hóa nơi đây thực sự tạo cho chúng tôi những ấn tượng đẹp”, chị Nguyễn Phương Nguyên – du khách đến từ Bình Dương chia sẻ. Còn với du khách nước ngoài, họ luôn bị thu hút bởi những điều mới lạ ở Yang Bay. “Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời. Công viên có nhiều hoạt động văn hóa, biểu diễn văn nghệ mang màu sắc truyền thống, điều này khiến tôi thực sự nhớ mãi”, chị Eremina Yuliya – du khách Nga tâm sự.
Để hướng tới một điểm đến thân thiện dành cho du khách, đồng thời duy trì nét độc đáo của riêng mình, những người làm du lịch ở Yang Bay đang không ngừng nỗ lực để khai thác hiệu quả nét đẹp văn hóa bản địa của đồng bào Raglai. “Hướng tới cộng đồng dân cư ở địa phương, giúp họ có điều kiện cải thiện thu nhập, đồng thời bảo tồn được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống được chúng tôi xem là một hướng đi mang tính bền vững”, ông Nguyễn Phi Trường cho biết.
Trong bối cảnh du lịch văn hóa đang trở thành xu hướng phổ biến, có thể nói, những hoạt động ở Công viên du lịch Yang Bay đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở Khánh Hòa.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn