Bà Tám hàng xóm ra đi vì dịch bệnh, lời xin lỗi từ người giữ xe tử tế là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này
Bà Tám hàng xóm ra đi vì dịch bệnh, lời xin lỗi từ người giữ xe tử tế là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này .
Bà Tám
Khi TP.HCM trở về bình thường mới, tôi trở lại với công việc thường ngày của mình. Sáng sớm dắt xe đi làm, khi với tay khóa cánh cổng, rồi quay ra đưa mắt nhìn về con hẻm hun hút trước nhà mình, lòng thấy nhớ bà Tám.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trước con hẻm ấy, bà Tám có gánh cà phê bé xíu, chật hẹp, chừng 5 viên gạch để mưu sinh. Bà Tám người gầy, lưng hơi còng, cười rất tươi và lúc nào cũng hỏi tôi: “Con đi làm hả?”.
Bà chẳng biết tôi là ai, ngoại trừ gương mặt quen thuộc, mỗi sáng đi làm đều chào bà, thỉnh thoảng tôi mua trái cây hay cái bánh, tôi đem qua cho bà, bà nằm đó, đu đưa trên chiếc võng màu xanh kê sát vách tường chỗ lành chỗ vá.
Tôi đặt đồ trên mạng, mỗi lần có người giao hàng thì bà Tám chìa tay ra nhận giúp, bà bảo: “Đưa tui nhận, tui ký cho, tui biết nhỏ đó”. Mấy anh shipper gọi điện lại cho tôi nói: “Giao cho bà Tám rồi, bà Tám nhận rồi”…
Thế nhưng, Covid-19 khốc liệt đã đưa bà Tám đi rồi, nó khiến sự chia ly nhanh như chớp mắt. Covid-19 cũng khiến những mảnh ghép không chỉ của riêng tôi mà của cả những ai sống, hiện diện ở Sài Gòn không còn nguyên vẹn.
Bà Tám chính là một mảnh ghép đẹp đẽ như thế!
– Dương Trang
Lời xin lỗi lịch thiệp
Tấp vào quán café ở góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Tự Trọng, tôi tháo vội chiếc váy chống nắng, theo thói quen máng lên đầu xe rồi chạy vào hội bạn đang ngồi chờ bên trong.
Hàn huyên với nhóm bạn được khoảng 30 phút thì rời đổ mưa to. Ngồi mải ngắm mưa mà tôi quên mất chiếc nón bảo hiểm treo bên ngoài xe và chiếc váy chống nắng.
Bước ra khỏi quán, tôi thấy chiếc nón bảo hiểm được úp lại đặt trên yên xe, còn váy chống nắng thì bị ướt. Nhưng đó là lỗi của tôi, tôi vui vẻ vắt bớt nước rồi cho vào chiếc túi nylon.
Chú bảo vệ giữ xe khoảng ngoài 50 tuổi vội bước tới, dắt xe giúp tôi rồi nói: “Nãy chú kịp úp cái nón, rồi không biết sao lại không để ý thấy cái này của con treo trên xe. Chú xin lỗi con”.
Tôi thấy lỗi không phải do chú nên nói không sao. Chú vẫn tiếp tục tiếp lời: “Chú quên mất mà giờ nó ướt. Xin lỗi con nha con”.
Khoảnh khắc đó, tôi thấy chú đáng yêu quá đỗi, và lòng mình thì thì lâng lâng niềm vui. Lời xin lỗi nhiều khi được nói ra như một sự tử tế, chứ không nhất thiết phải đại diện cho lỗi lầm nào đó.
– Hiểu Minh
Nguồn: News.zing.vn