Saigon Talk: ‘Thấy bác còn khỏe, con mừng quá’

0
85

Người chủ trọ đáng yêu, bác giữ xe chu đáo ở tiệm cà phê, ông Tây phụ bán hủ tiếu là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

saigon talk anh 1

Người chủ trọ đáng yêu, bác giữ xe chu đáo ở tiệm cà phê, ông Tây phụ bán hủ tiếu là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

saigon talk anh 2saigon talk anh 3

“Chú Công chia sẻ”

Tôi ở trong một căn phòng trọ 30 m2 ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Hơn 1 năm chuyển tới đây, tôi gặp chú chủ trọ tên Công được khoảng 3 lần. Còn lại, tất cả mọi việc phát sinh đều được giải quyết qua tin nhắn, điện thoại.

Thi thoảng, nếu phòng bị vấn đề về điện, nước thì tôi sẽ nhắn chú để chú gọi thợ tới. “Chiều chú sẽ cho người qua”, “ok cháu, sẽ có người tới sửa ngay”,… chú luôn đón nhận tất cả những phản ánh của tôi một cách vui vẻ, thiện chí.

Từ tháng 6, khi dịch bệnh phức tạp, tôi làm việc tại nhà. Chú Công đã chủ động giảm 800.000 đồng, tháng tiếp theo giảm 1 triệu. Cứ thế chú duy trì việc chia sẻ, giảm bớt phần nào gánh nặng dịch bệnh cho những người thuê nhà như tôi.

Hóa đơn luôn được viết ra giấy rồi chụp lại, có dòng chữ “tổng tiền” kèm theo dòng “chú Công chia sẻ”.

Bước qua tháng 10, khi thành phố trở lại bình thường hơn, tôi cũng quay lại công việc. Cứ tưởng việc giảm giá phòng đã chấm dứt, nhưng mà chú Công vẫn cứ chia sẻ.

Số tiền 1 triệu đồng không quá nhiều, nhưng nó chứa đựng tình cảm của chú, mà không phải nơi nào cũng may mắn có được.

– Di Lạc

saigon talk anh 4saigon talk anh 5

Bác giữ xe chu đáo

Quán cà phê quen của tôi có một bác giữ xe khoảng gần 60 tuổi. Tuổi lớn nhưng thao tác của bác luôn nhanh nhẹn và cẩn thận.

Mỗi khi khách chạy xe tới, bác sẽ đứng ngay dậy hướng dẫn chỗ cho khách đậu xe. Với khách nữ, bác còn ra tận nơi để phụ dắt xe vào. Tôi biết bác còn có sẵn một cái khăn để dành lau yên xe cho khách mỗi khi trời mưa. Nhiều khi tôi nghĩ là quán này may mắn tìm đâu được người nhân viên dễ thương quá.

Bẵng mấy tháng không được đi cà phê vì quán xá đóng cửa, đến ngày mở lại, tôi lên lịch dành hẳn một sáng mát mẻ để tới quán quen thuộc đó.

Vừa tới nơi, tôi thấy một cô bé trẻ tuổi đang đứng trò chuyện với bác giữ xe. “Trời ơi, qua dịch thấy bác còn ở đây, còn khỏe, con mừng quá đi”. Giọng cô gái nhỏ đó nghe mừng rỡ như gặp lại một người thân sau thời gian xa cách.

Hóa ra không chỉ mình tôi thấy quý bác. Nhiều người khách xa lạ khác cũng cứ thế, nhìn vào sự tử tế của người nhân viên này, mà quý mà thương thế thôi.

– Bình Yên

saigon talk anh 6saigon talk anh 7

Phụ bán hủ tiếu

Tôi sống ở đường Hoàng Quốc Việt, quận 7. Gần nhà tôi có một tiệm bán hủ tiếu buổi sáng. Mùi nước lèo tôi có thể “nghe” thấy từ xa bằng mũi trước khi nó đi vào dạ dày.

Mỗi lần đi qua chỗ hàng xóm bán hủ tiếu thì tôi sẽ đi nhanh bởi nếu không sẽ bị “bắt” ăn hay “bắt” làm việc.

“Jesse, giúp anh chút đi, chỉ 30 phút nhé”, anh Bình chủ tiệm luôn năn nỉ.

Mỗi ngày tôi thường phải dậy đi làm sớm hơn 30 phút để phòng trong trường hợp tôi bị anh Bình năn nỉ tôi phụ bán hủ tiếu.

Hầu như ngày nào cũng vậy, tôi đến phụ bưng bê đầu giờ khi khách đông. Khách hàng thường hỏi anh Bình: “Có ông Tây làm đây hả? Chắc lương mấy chục triệu mỗi tháng?”, rồi họ cười rổn rảng.

“Ông Tây biết tiếng Việt đấy!”, anh Bình trả lời

Nhưng tôi giả vờ là mình nghe không hiểu tiếng Việt. Vì tôi chỉ có 30 phút phụ bán hủ tiếu, sau đấy là 3 phút ăn tô hủ tiếu cho bữa sáng, rồi phải nhanh đến chỗ làm bằng xe đạp.

Những vòng xe thường hối hả hơn, gấp gáp hơn cho kịp giờ sau những phút giây bên tô hủ tiếu bốc khói. Nhưng chính những bình dị ấy giúp tôi luôn vui và gắn bó hơn với nơi này.

– Jesse Peterson

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn