Giữa thời điểm đất nước sục sôi khí thế chiến đấu, sẵn sàng cho cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ, Sầm Sơn vinh dự đón Bác về thăm. Đền Cô Tiên nơi Người từng dừng chân vãn cảnh, nay vẫn vẹn nguyên màu xanh của mênh mang trời nước và ngút ngàn phi lao. Tấm bia đặt ngay dưới chân đền vẫn nhắc nhở người dân Sầm Sơn và du khách hàng ngày lại qua về kỷ niệm nơi Bác đã ngồi nghỉ, trò chuyện cùng bà con làng chài.
Diện mạo đô thị du lịch biển Sầm Sơn đang có nhiều khởi sắc
Từ điểm nhìn ấy có thể bao quát cả một khoảng trời biển rộng dài và gợi lại kỷ niệm Bác cùng ngư dân Vinh Sơn kéo lưới. Những ngày lưu lại Sầm Sơn là những ngày Bác thân tình thăm hỏi, động viên, trò chuyện cùng nhân dân, thương binh, các cụ miền Nam tại trại an dưỡng và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 57 bảo vệ bờ biển. Đặc biệt, nhận thấy tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, Bác đã căn dặn “…Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình để phát triển du lịch mà thu lấy tiền”! Niềm tự hào quá đỗi lớn lao ấy vẫn luôn là nguồn động lực thôi thúc, động viên, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Sầm Sơn quyết tâm ra sức cùng nhân dân Thanh Hóa và đồng bào cả nước đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do, kiến thiết quê hương, đất nước, vươn lên chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp.
Khắc ghi lời dạy của Người, hơn nửa thế kỷ qua, Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn đã không ngừng nỗ lực, vượt mọi khó khăn, phát huy tiềm năng lợi thế, tập trung cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (17,3%) và thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, Sầm Sơn đang trở thành một trong những đầu tàu phát triển của Thanh Hóa. Trong sự phát triển ấy, có phần đóng góp quan trọng, mang tính quyết định của kinh tế du lịch. Và, Sầm Sơn đã và đang làm theo lời Bác căn dặn, khi xác định mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2016 có thể xem là năm đột phá của du lịch nghỉ dưỡng biển khi Sầm Sơn đón tới 4,1 triệu lượt khách (tăng 15% so với năm 2015) và thu về 2.855 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2015). Thành quả ấy có thể ví như một sự tri ân sâu sắc mà Sầm Sơn gửi đến Bác và vì những tình cảm cùng sự quan tâm Người đã dành cho mảnh đất này.
Những thành quả phát triển du lịch mà hôm nay Sầm Sơn tự hào, cũng chính là thành quả của cả một hành trình dài tìm hướng đi cho du lịch. Không thể kể hết những khó khăn, thách thức, thậm chí có những thời điểm mọi sự tưởng chừng bế tắc, khi du lịch đóng khung trong “mùa vụ”, văn hóa du lịch là văn hóa tiểu nông ngắn hạn, chộp giật và chất lượng dịch vụ du lịch vẫn mãi là bài toán chưa có lời giải… Thế nhưng, Sầm Sơn nay đã khác. Nói về sự đổi thay kỳ diệu của Sầm Sơn những năm gần đây, đồng chí Vũ Thị Thủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy, nhấn mạnh: Đó là kết quả từ sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền thị xã trong việc thay đổi hình ảnh du lịch Sầm Sơn trong mắt du khách và bạn bè. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp và hiệu quả trong đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, văn hóa giao tiếp ứng xử, thiết lập trật tự kỷ cương trong kinh doanh dịch vụ… đến nay, Sầm Sơn đã tạo dựng được niềm tin và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Có thể nói, Sầm Sơn đang có cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như sinh thời Bác Hồ từng mong muốn.
Quyết tâm đổi mới và nâng cao chất lượng du lịch là phương châm hành động xuyên suốt của Sầm Sơn hiện nay, cũng là cơ sở để cả hệ thống chính trị cùng bắt nhịp và chuyển động. Nhờ bởi những bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội và kiến tạo đô thị, hiện Sầm Sơn đã được quy hoạch là 1 trong 12 đô thị du lịch trọng điểm quốc gia. Đồng thời, thị xã luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội quy mô lớn, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng du lịch, mà điển hình là đại dự án FLC. Có thể nói, sự hiện diện của FLC đang trở thành một trong những đòn bẩy phát triển của du lịch Sầm Sơn, khi không chỉ góp phần đổi mới diện mạo đô thị, phá vỡ thế “mùa vụ” của du lịch, mà còn thu hút phân khúc khách hạng sang về với Sầm Sơn quanh năm.
Năm 2017 đô thị du lịch Sầm Sơn tròn 110 tuổi và đang sẵn sàng đón chào vận hội phát triển mới với tư cách một thành phố trẻ – đầy năng động và tràn sức sống. Với lợi thế về vị trí chiến lược trọng yếu và là cửa ngõ để tỉnh Thanh Hóa phát triển kinh tế biển, trong đó du lịch nghỉ dưỡng biển là khâu đột phá chiến lược; đồng thời, với quyết tâm tạo dựng bản sắc và thương hiệu đẳng cấp quốc gia, quốc tế cho du lịch, Sầm Sơn – sẽ còn tỏa sáng hơn nữa để xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Bác Hồ!
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn