Sao kê đơn giản, sao nghệ sĩ Việt phải đôi co

0
Sao kê đơn giản, sao nghệ sĩ Việt phải đôi co

Chia sẻ quan điểm về bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn cho rằng cần siết chặt công tác quản lý, thà muộn còn hơn không làm.

Những năm gần đây, đời sống văn nghệ trong nước phát triển đa dạng, nhiều màu sắc. Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng nhìn ở mặt trái của sự phát triển trên, “trăm hoa đua nở” cũng dẫn đến nhiều vấn đề, trong đó có những biểu hiện lệch lạc mà tôi nghĩ những người làm quản trị văn hóa cần xem xét chấn chỉnh.

Minh bạch là trách nhiệm, đừng làm “từ thiện mặc cả”

Luật, hay có thể chỉ là bộ quy tắc, sinh ra để ngăn chặn những nghệ sĩ lợi dụng ảnh hưởng của bản thân để trục lợi trên niềm tin của công chúng. Do đó, các quy tắc càng chi tiết, cụ thể, đưa ra càng nhiều trường hợp giả định càng tốt.

Một trường hợp cần đưa ra nhiều tình huống giả định để đặt ra quy tắc là việc làm từ thiện của nghệ sĩ.

Nghệ sĩ làm từ thiện vốn là việc tốt, nhưng những vụ lùm xùm thời gian qua khiến cho khán giả nảy sinh nghi ngờ. Và khi có hiềm nghi, nghệ sĩ chỉ cần đưa ra sao kê tài khoản, đó là việc rất đơn giản. Nhưng tại sao nghệ sĩ không thực hiện lập tức mà lại đôi co, đấu tố trên mạng?

Thậm chí, không cần ra ngân hàng sao kê, nghệ sĩ chỉ cần thuê một đơn vị kiểm toán uy tín và phần việc còn lại sẽ do họ giải quyết. Các đơn vị kiểm toán đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng sai của sự việc, chắc chắn sẽ không có hành vi bao che nào xảy ra khi kiểm tra nguồn tiền thu – chi.

quy tac ung xu nghe si viet anh 1

Ngày 7/9, Trấn Thành công khai 1.000 trang sao kê tài khoản từ thiện sau nhiều tranh luận. Ảnh: Hiền Max.

Thay vì làm rõ ràng, minh bạch, nghệ sĩ lại thách đố, đôi co trên mạng. Đây là hành động trẻ con và phi logic.

Trách nhiệm của nghệ sĩ nhận tiền từ khán giả là phải công bố rõ ràng, rành mạch toàn bộ dòng tiền ra và vào, tiền được dùng vào việc gì, chi tiêu bao nhiêu.

Hơn nữa, muốn chứng minh bản thân trong sạch, chẳng gì dễ hơn là minh bạch khoản tiền từ thiện nghệ sĩ đã nhận được. Đây là logic thông thường.

Nếu nghệ sĩ muốn duy trì công tác từ thiện, hãy luôn công bố rõ ràng khoản thu khoản chi, lập tài khoản riêng để nhận tiền, lập website đăng tải toàn bộ hoạt động, công việc thiện nguyện họ đã làm.

Hoặc đơn giản hơn, nghệ sĩ có thể kêu gọi khán giả chuyển tiền vào một quỹ từ thiện uy tín và được giám sát bởi pháp luật, hoặc tài khoản của nhà nước. Nếu đã có lòng nhân ái, thực tâm muốn làm từ thiện, sẽ chẳng ai nề hà, đặt nặng xem bản thân có được cầm tiền hay không.

Nếu vẫn có nghệ sĩ cho rằng nhất định phải là bản thân họ nhận được và giữ tiền ủng hộ của mạnh thường quân, tôi sẽ gọi đây là từ thiện mặc cả.

Và đương nhiên xã hội không cần những chuyến từ thiện đầy đôi co, mặc cả như thế.

Quay lại vấn đề bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng những cơ quan, ban ngành liên quan cần hình dung ra mọi trường hợp có thể xảy ra, kể cả là tình huống liên quan đến pháp lý, để đưa ra phương pháp quản trị, xử phạt.

Tôi duy trì quan điểm cần trừng phạt những nghệ sĩ có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hoặc những nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử chung. Chúng ta cần kiên quyết phạt nặng, thậm chí cấm hoạt động.

Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực nhạy cảm, chông chênh và dễ tổn thương. Tôi tạm coi lĩnh vực này như là một phần mềm (software) quan trọng trong bộ máy vận hành hàng ngày của đất nước. Và rõ ràng chúng ta không thể để phần mềm bị nhiễm virus độc hại, cũng chính là những nghệ sĩ có vết đen.

Theo quan điểm pháp trị của cá nhân, tôi tin pháp luật cần xuất hiện ở mọi ngõ ngách của cuộc sống. Trong nghệ thuật, khi phạm trù đạo đức không thể khiến nghệ sĩ tự giác, pháp luật phải ra tay.

So với cơ chế quản lý chặt chẽ của ngành giải trí các nước láng giềng, tôi cho rằng hiện nay Việt Nam mới rục rịch đưa ra bộ quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ là đã muộn. Nhưng thà muộn còn hơn không.

Khán giả đại chúng vẫn còn cần sống và nương tựa tinh thần vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giải trí. Do đó, muốn có nền nghệ thuật sạch cho đại chúng, cơ quan chính quyền cần gạn lọc, không thể vì muộn mà bỏ qua công cuộc chỉnh đốn, trừ bỏ cái xấu.

quy tac ung xu nghe si viet anh 2

Thủy Tiên thông báo sẽ công bố sao kê từ thiện sau đợt giãn cách. Ảnh: Bá Ngọc.

Không thể để nghệ sĩ muốn làm gì thì làm

Nhìn chung, chính sách cụ thể về đường lối phát triển văn hóa, nghệ thuật là điều đúng đắn và cần làm. Quy định, chính sách không phải là sản phẩm của tư duy chủ quan đến từ giới chức, rằng nghệ sĩ phải thế này, hoặc thế kia.

Nhưng mỗi cá nhân nên tưởng tượng xem trong tương lai, nền văn hóa của chúng ta sẽ đi đến đâu, có nằm trong dòng chảy văn minh của sự phát triển nhân loại hay không. Hay cơ quan quản lý sẽ bỏ mặc, để showbiz và ngành văn hóa nghệ thuật trong nước đi chệch khỏi dòng chảy chung, và bỏ quên những chuẩn mực cần có.

quy tac ung xu nghe si viet anh 3

Nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ là cộng đồng có tính đặc thù, và chúng ta tôn trọng quyền tự do sáng tạo cũng như hoạt động nghệ thuật của họ. Nhưng ở chiều ngược lại, nghệ sĩ cũng phải ý thức được sức ảnh hưởng và trách nhiệm của bản thân với xã hội. Mỗi lời nói của họ trước công chúng đều có tầm ảnh hưởng nhất định tới xã hội, và sẽ dẫn dắt cộng đồng fan nghe theo, làm theo.

Tham khảo bài học của Trung Quốc về việc làm sạch ngành giải trí, tôi cho rằng cơ quan quản lý ở Việt Nam không cần thiết mạnh tay như nước bạn, nhưng chắc chắn phải học và tìm ra cách dùng chính sách để quản lý, giáo dục lại những nghệ sĩ có vấn đề.

Từ những vụ việc đã xảy ra, vấn đề có thể nhận ra một cách rõ ràng rằng các cơ quan bộ ngành không thể để mặc nghệ sĩ muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói ở trên mạng xã hội.

Tự ý hành động, phát ngôn trên mạng còn liên quan tới vấn đề nhận quảng cáo. Thông thường, khán giả mặc định nghệ sĩ có uy tín và họ sẽ giới thiệu những sản phẩm chất lượng. Nhưng thực tế cho thấy nghệ sĩ không quan tâm rằng họ đang quảng cáo món hàng gì, chất lượng ra sao, và sau cùng, chỉ có khán giả phải lĩnh hậu quả.

Thật lòng mà nói, khó có thể trông chờ hoàn toàn vào sự tự giác của một cá nhân nào đó. Do đó, tôi ủng hộ việc đưa ra bộ quy tắc ứng xử, đồng thời cho rằng các nhà hoạch định văn hóa nên đứng ở góc độ tính tự giác còn yếu kém của nhiều cá nhân để đưa ra quy tắc chuẩn mực cho hành động, lời nói của nghệ sĩ.

Tôi tạm thời gọi bộ quy tắc ứng xử là luật đảm bảo về văn hóa. Luật sẽ dựa trên tiền đề nghệ sĩ là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và có ảnh hưởng đến xã hội, khán giả trẻ.

Khi đã có quy tắc, miễn nghệ sĩ còn ở trong vùng chuẩn mực, họ muốn làm gì cũng được. Nhưng một khi bước lên lằn ranh màu đỏ, chắc chắn họ sẽ bị “tuýt còi”.

Nguồn: News.zing.vn