Sau thời Trump, Mỹ cố xích lại gần Đông Nam Á

0
35

Sau nhiệm kỳ Trump, Mỹ đang cố xây dựng lại quan hệ với Đông Nam Á. Nỗ lực mới nhất của chính quyền Biden là chuyến công du của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới khu vực này.

Dong Nam A anh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang có chuyến công du Đông Nam Á gồm 3 nước Singapore, Việt Nam và Philippines.

Trao đổi với Zing, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) và cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim (2001-2004) đều cho rằng chuyến công du diễn ra ngay khoảng giữa năm đầu tiên của chính quyền Biden là dịp để Bộ trưởng Austin tạo dựng quan hệ với lãnh đạo các nước, đồng thời là cơ hội cho Mỹ tái khẳng định cam kết với Đông Nam Á.

Tái cam kết với khu vực sau chính quyền tiền nhiệm

Theo Foreign Policy, quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á không mấy tốt đẹp dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy khẳng định muốn gắn kết với các đối tác trong khu vực, ông Trump 2 lần không dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong năm 2018 và 2019, Foreign Policy chỉ ra.

Vì thế, khi ông Biden hứa hẹn khôi phục sự hợp tác với cộng đồng quốc tế, một số nước ASEAN bắt đầu đặt kỳ vọng.

Dong Nam A anh 2

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin là thành viên nội các đầu tiên của chính quyền Biden tới khu vực. Ảnh: AP.

Nhưng trục trặc đã xảy ra tại cuộc họp chính thức đầu tiên theo hình thức trực tuyến vào ngày 25/5 giữa bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Sau 45 phút không thể kết nối với phía Mỹ, cuộc họp bị lùi lại.

“Một số bộ trưởng không hài lòng vì ông Blinken khi đó đang bay tới Trung Đông”, giáo sư Thayer nói với Zing, và cho rằng “Mỹ đang phải cố bắt kịp trên phương diện quan hệ với Đông Nam Á”.

Sau đó, trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 14/7, Ngoại trưởng Blinken nhắc lại cam kết của chính quyền Biden đối với “vai trò trung tâm của ASEAN và nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Dong Nam A anh 3

Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia). Ảnh: AFP.

Đặt trong bối cảnh này, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Austin chứa đựng ý nghĩa quan trọng với khu vực Đông Nam Á.

“Như người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby đã chỉ ra, chuyến thăm của Bộ trưởng Austin nhằm thể hiện Mỹ có ‘cam kết lâu dài’ đối với Đông Nam Á. Chuyến đi cũng để cho thấy ASEAN là ‘một phần thiết yếu của cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’”, giáo sư Thayer nhận định.

Cựu Thứ trưởng Dov Zakheim nói thêm: “Đông Nam Á là khu vực tối quan trọng với Mỹ vì số lượng lớn đồng minh, đối tác, và bạn bè mà Mỹ có tại đây, cũng như khối lượng giao thương đi qua những vùng biển và eo biển then chốt trong khu vực”.

Kỳ vọng của các bên

Một điểm đến của ông Austin trong chuyến công tác này là Singapore, một người bạn quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á vì cho phép lực lượng Mỹ có thể triển khai trong khu vực trong nhiều năm qua.

Vào tháng 3, chính quyền Biden công bố Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời, trong đó nhắc đích danh Singapore là một trong những nước mà Mỹ sẽ “cùng sát cánh” để thúc đẩy các mục tiêu chung.

“Chúng tôi (Mỹ) có mối quan hệ tuyệt vời với Singapore – nước cung cấp hỗ trợ cho Hải quân Mỹ”, cựu Thứ trưởng Zakheim nói.

Lịch trình chuyến thăm của Bộ trưởng Austin tới Đông Nam Á còn bao gồm Philippines. “Đương nhiên là việc Bộ trưởng Austin tới Philippines có liên quan tới căng thẳng ngày một gia tăng trên vùng biển của nước này”, giáo sư Thayer cho biết.

Vị trí địa lý của Philippines khiến nước này trở thành một phần thiết yếu trong chiến thuật phòng thủ bằng cách phân tán lực lượng khắp khu vực của Mỹ.

Dong Nam A anh 4

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim khi còn đương nhiệm. Ảnh: U.S. Department of Defense.

Theo giáo sư Thayer, Bộ trưởng Austin sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bằng việc đảm bảo rằng Mỹ sẽ hỗ trợ theo Hiệp ước Phòng thủ chung 1951 giữa 2 nước. Đây là tiền đề trong việc thuyết phục ông Duterte hoàn toàn hủy quyết định rút khỏi Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA).

Thỏa thuận VFA có hiệu lực từ năm 199, cho phép hàng nghìn lính Mỹ luân phiên ra vào Philippines nhằm mục đích tập trận và luyện tập.

Giáo sư Thayer cho rằng ông Duterte đã tạo ra ẩn số trong quan hệ với Mỹ, thông qua động thái ra quyết định hủy VFA, rồi hoãn quyết định ấy 3 lần.

Triển vọng nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược

Bên cạnh Singapore, Việt Nam cũng được bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời của Mỹ nhắc đến như một đối tác ưu tiên trong thời gian tới, giáo sư Thayer chỉ ra.

“Chúng ta (Mỹ) sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, phối hợp cùng New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam, và các nước thành viên ASEAN khác để thúc đẩy các mục tiêu chung”, văn kiện này viết.

Theo giáo sư Thayer, Bộ trưởng Austin lẽ ra đã thăm Việt Nam vào đầu tháng 6, nhân dịp ông đến Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La. Nhưng do Covid-19, chuyến đi này đã bị dời lại.

“Vì thế, chuyến thăm lần này sẽ là cơ hội để ông Austin giới thiệu mình với người đồng cấp Việt Nam cùng các nhà lãnh đạo cấp cao khác, cũng như thể hiện cam kết của Mỹ trong quan hệ song phương”, giáo sư Thayer nói.

Còn theo ông Zakheim, chuyến thăm của ông Austin sẽ nhấn mạnh việc Mỹ và Việt Nam chia sẻ chung mối quan tâm về tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như việc 2 nước có mối quan hệ ngày một ấm áp.

Ông Thayer chỉ ra rằng khi xuất hiện trước Thượng viện Mỹ ngày 13/7, Marc Knapper, ứng viên đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết “lúc này, chúng ta (Mỹ) có quan hệ đối tác toàn diện (với Việt Nam). Chúng ta hy vọng có thể nâng quan hệ này thành quan hệ đối tác chiến lược. Tôi sẽ từng bước thực hiện điều đó bằng cách củng cố hơn nữa quan hệ an ninh với Việt Nam”.

Dong Nam A anh 5

Tàu sân bay Mỹ từng cập cảng Đà Nẵng vào năm 2020. Ảnh: Thuận Thắng.

Vì thế, theo giáo sư Thayer, Bộ trưởng Austin nhiều khả năng sẽ tìm hiểu ý kiến của các lãnh đạo Việt Nam về triển vọng nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược.

Ông Austin cũng sẽ tìm hiểu quan điểm về việc 2 bên nên theo đuổi ưu tiên gì trong quan hệ hợp tác quốc phòng và trên phương diện Biển Đông, giáo sư Thayer nói.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/7, Mỹ thông báo rút lại cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ để đạt ưu thế thương mại bất công với Mỹ. Điều này sẽ tháo gỡ một vướng mắc tiềm tàng trong quan hệ 2 nước, giáo sư Thayer nhận định.

“Hy vọng chuyến thăm (của ông Austin) sẽ dẫn tới nhiều sự hợp tác và phối hợp giữa 2 nước hơn nữa”, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Zakheim nói với Zing.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn