Scotland: Đất nước đẹp nhất thế giới

0
174

Mỗi thành phố, mỗi quốc gia đều mang trong mình những đặc điểm riêng biệt để khách du lịch chỉ muốn đến thôi, chẳng muốn về.

Không thu hút khách bởi những công trình nguy nga tráng lệ như Pháp hay những ngôi đền, chùa đẹp, thanh bình của xứ sở hoa anh đào, Scotland thu hút du khách bởi phong cảnh hoang vắng nhưng tuyệt đẹp với đàn gia súc trên cao nguyên, xa xa là những ngọn núi lãng mạn, những bãi biển hoang dã, những thung lũng sâu, những lâu đài hoang sơ, những vách đá cheo leo… cùng nền văn hóa đặc sắc, thú vị mà không nơi nào khác có được. Năm 2017, Scotland trở thành đất nước đẹp nhất thế giới hấp dẫn khách du lịch.

Xứ sở “đàn ông mặc váy”

Nhắc đến Scotland hầu như ai cũng hình dung ra những người đàn ông mặc váy. Những chiếc “kilt” (váy) truyền thống được làm bằng len rất dày, để giữ ấm. Theo những tài liệu lịch sử, chiếc váy đàn ông Scotland – “kilt” xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1538 và nhanh chóng trở thành trang phục chính thức của những trung đoàn cao nguyên. Sự dũng cảm của những đội quân mặc váy, đã từng được khắc họa rõ nét trong bộ phim sử thi nổi tiếng “Braveheart” có sự góp mặt của tài tử điện ảnh Mel Gibson.

Scotland: Đất nước đẹp nhất thế giới - 1

Trang phục truyền thống của đàn ông Scotland.

Thuở sơ khai, váy có phần tà dài quấn quanh thân và vắt qua vai giúp chống chọi lại thời tiết giá rét khắc nghiệt điển hình vùng cao nguyên, được gọi là “great kilt”. 

Những năm 1720, tức gần 200 năm sau khi ra đời, nó được lược bớt phần phía trên, giữ lại phần chân váy cho tiện vận động, được gọi là “small kilt” hay “walking kilt”, khá giống với “kilt” ngày nay. Hoa văn duy nhất của “kilt” là caro và mỗi dòng họ, bộ tộc lại sở hữu những mẫu ô vuông và màu sắc riêng. 

Một bộ đồ hoàn chỉnh ngoài chân váy còn có thắt lưng da, sơ mi bẻ nửa cổ, cà vạt, áo khoác, túi da đeo quanh hông, con dao găm dắt nửa ngập trong tất, thanh gươm claymore cài váy, giày da thuộc… có giá lên đến cả ngàn bảng Anh. 

Đàn ông Scotland ngày nay chỉ mặc vào những dịp rất đặc biệt như: đi lễ nhà thờ, cưới xin, lễ hội, diễu hành… nên nhiều người chỉ đi thuê khi cần. Mặc dù vậy trang phục này vẫn thể hiện sự trân trọng và là niềm kiêu hãnh của người Scotland.

Những lâu đài            

Ngoài nét văn hóa độc đáo kể trên, Scotland có nhiều lâu đài tráng lệ nằm trên những ngọn đồi khiến du khách ao ước được đặt chân đến dù chỉ một lần. Đầu tiên phải kể đến tòa lâu đài cổ kính Edinburgh. Đây là một tòa lâu đài điển hình, từng là pháo đài và là nơi sinh sống của Hoàng gia Scotland. 

Edinburgh tọa lạc trên Castle Rock, một vùng đá núi lửa rộng lớn vươn cao hùng vĩ, ấn tượng giữa thành phố Edinburgh. Lâu đài thu hút bởi vẻ đẹp nguy nga và những câu chuyện bí ẩn đã trở thành huyền thoại của Hoàng gia Scotland.

Scotland: Đất nước đẹp nhất thế giới - 2

Lâu đài Craigievar.

Khu phức hợp của tòa lâu đài bao gồm: nhà nguyện, các bức tường có lỗ châu mai, các tháp, nhà tù và các cung điện tích tụ từ nhiều giai đoạn lịch sử. Mỗi một dấu tích trong lâu đài đánh dấu từng giai đoạn lịch sử Scotland. Các tòa nhà đẹp nhất có niên đại từ thời kỳ trị vì của Vua James IV nước Anh cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. Tòa Đại sảnh, với một mái nguy nga có lẽ là công trình bật nhất. Ngày nay, lâu đài này mở cửa cho du khách tham quan với cảnh biểu diễn nhạc trống và đèn túi quân đội có đèn pha chiếu sáng, được gọi là Edinburgh Military Tattoo.

Nằm ở phía bắc Vương quốc Anh, lâu đài Ackergill được xếp hạng bảo tồn cao nhất cấp quốc gia và là một trong những tòa lâu đài đẹp nhất thế giới. Nhưng tại nơi đây có lời đồn rằng, Ackergill được cho là bị ám ảnh bởi hồn ma của một phụ nữ địa phương bị bắt cóc trong đêm tân hôn và giam giữ như tù nhân. Cô đã tự giải thoát bằng cách tự ném mình qua bức tường chắn răng cưa và có một mảng đá đánh dấu vị trí nơi cô đã chết.

Các lâu đài Craigievar, Fonab, Inverlochy, Glengorm, Dalhousie… cũng vô cùng tráng lệ và là điểm hấp dẫn với du khách thập phương.

Ngôi làng thời tiền sử Skara Brae

Skara Brae là tên gọi của ngôi làng nhỏ nằm trên vịnh Skaill, thuộc quần đảo Orkney, Scotland. Ngôi làng này là một trong những di tích lịch sử đáng chú ý nhất châu Âu. Không chỉ có kiến trúc vững chãi nhờ các khối đá mà Skara Brae còn được biết đến bởi sự kỳ lạ của những đồ nội thất trong các ngôi nhà mà người ta đã từng sinh sống cách đây hơn 5.000 năm.

Scotland: Đất nước đẹp nhất thế giới - 3

Ngôi làng thời tiền sử Skara Brae.

Trong thời gian khai quật ngôi làng Skara Brae, người ta tìm thấy 10 ngôi nhà được xây dựng bằng các loại đá phẳng xếp chồng lên nhau mà không có chất kết dính nào, với thiết kế khá đơn giản như những túp lều nhỏ vuông vắn được liên kết với nhau bằng các lối ra vào phức tạp. Các bức tường của mỗi ngôi nhà được làm bằng tấm đá sa thạch với vách và mái được rải sỏi, đôi khi là xương của động vật.

Giường tủ bằng đá cùng một số hiện vật trong các ngôi nhà được chạm khắc đầy bí ẩn. Không gian giữa của mỗi ngôi nhà được đặt một lò sưởi hình chữ nhật, dùng để sưởi ấm và nấu thức ăn. Dọc theo mỗi bên tường là một chiếc giường đá phủ bằng da động vật, bên cạnh được kê một chiếc tủ đựng thức ăn. Kích thước trung bình của mỗi ngôi nhà khoảng 40m2, với số lượng cư dân sinh sống thời kì đó không quá 50 người.

Tuy nhiên, có một ngôi nhà có thiết kế khác hoàn toàn với các căn còn lại. Ngôi nhà này không có bất kỳ đồ nội thất nào và trong đó còn có thêm một gian phòng khác. Khi ngôi nhà được khai quật, các mảnh vỡ của đá và xương động vật lần lượt lộ ra. Người ta cho rằng ngôi nhà này được dựng lên là để phục vụ mục đích sản xuất của người dân thời bấy giờ.

Ngôi làng được phát hiện vào năm 1850 sau khi một cơn bão dữ dội đã làm hiện ra những tàn tích bằng đá. Mặc dù bị bỏ hoang từ cách đây hàng nghìn năm, nhưng các tòa nhà ở Skara Brae vẫn trong tình trạng tốt có lẽ nhờ những đụn cát bao phủ hàng ngàn năm qua. Vào năm 1999, ngôi làng này đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Nguồn: 24H.COM.VN

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn