Sẽ không còn cái bắt tay chào hỏi khi Covid-19 qua đi?

0
69

Những hành vi từng là thói quen của con người, mà đơn giản nhất là việc bắt tay chào hỏi, có thể sẽ thay đổi hoặc biến mất khi cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch Covid-19.

cuoc song sau covid anh 1

Cover

Sau đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, cũng như Covid-19 hiện nay, cuộc sống của nhiều người bị chia làm hai nửa – trước và sau đại dịch.

Những thảm kịch trong đại dịch có ảnh hưởng đáng kể tới cách hành xử của mỗi người, về công việc, tương tác xã hội, hay hưởng thụ cuộc sống.

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 ập đến bất ngờ, khi đó có nhiều khía cạnh của dịch bệnh mà còn người không hiểu rõ, nên để lại một kết cục chết chóc.

Sự kiện đó để lại một tâm lý phòng ngừa, đồng thời mang lại những bài học mà con người nhìn vào đó để rút ra khi ứng phó với những đại dịch bùng phát sau này, như phương pháp cách ly, cô lập các ổ dịch.

cuoc song sau covid anh 2

Tương tự, khi Covid-19 qua đi, “một số xu thế trong thời đại dịch sẽ vẫn ở lại”, theo giáo sư Jacqueline Gollan, chuyên gia tâm thần học và khoa học hành vi từ Đại học Northwestern, Chicago.

Ví dụ, sự phát triển nở rộ của mua sắm trực tuyến, tư vấn sức khỏe từ xa, mô hình làm việc kết hợp trực tuyến và trực tiếp, ứng dụng công nghệ cho các buổi họp, sẽ còn tồn tại lâu dài.

“Với nhận thức về một cuộc khủng hoảng toàn cầu, con người nhiều khả năng sẽ giữ cho bản thân một kho nhu yếu phẩm vệ sinh và trang bị bảo hộ cá nhân. Chúng ta cũng sẽ thích ứng với những thói quen giúp nâng cao vệ sinh cá nhân và cộng đồng”, bà Gollan cho biết.

Trong bối cảnh cuộc sống dần trở lại trạng thái bình thường, con người sẽ đánh giá lại nhiều thói quen vốn có từ trước đại dịch.

Một số thói quen đã thay đổi trong thời gian đại dịch sẽ không trở lại như cũ, ít nhất trong một khoảng thời gian sau đại dịch.

Sẽ không còn bắt tay chào hỏi?

Theo nghiên cứu về đại dịch cúm Tây Ban Nha của Nancy Tomes, giáo sư Đại học Tony Brook, trong thời gian đại dịch bùng phát, các quan chức y tế khuyến cáo người dân không có những tiếp xúc cơ thể không cần thiết.

Nhưng khi dịch bệnh ở cao điểm, vẫn có những người vượt rào quy định. Điều ấy có nghĩa không phải tất cả sẽ luôn tuân thủ các quy tắc an toàn chống dịch về sau.

Khi các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 dần được dỡ bỏ, không ít người, trong đó có các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảm thấy có thể tiếp tục bắt tay chào hỏi nếu người đối diện đã tiêm vaccine.

Nhưng không phải tất cả đều ủng hộ thông lệ bắt tay chào hỏi, ngay cả từ khi đại dịch Covid-19 còn chưa xuất hiện.

Vì vậy, Covid-19 là cơ hội để những người phản đối thay đổi thói quen bắt tay này, theo giáo sư Leana Wen, chuyên gia về y tế công cộng tại Đại học George Washington.

“Tôi cũng hy vọng sẽ có những cách khác, có lẽ thay vì bắt tay, chúng ta có thể chạm khuỷu tay, hay chắp tay cúi chào, đặc biệt giữa những người lạ”, giáo sư Wen nói.

cuoc song sau covid anh 3

Thói quen bắt tay chào hỏi có thể sẽ thay đổi. Ảnh: AP.

Nghĩ kỹ trước khi đi du lịch

Trong đại dich cúm Tây Ban Nha, người dân vẫn tiếp tục di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng dịch bệnh khi đó cũng tạo ra mức độ cảnh giác nhất định về cách thức virus lây lan trên các phương tiện này.

Bác sĩ người Canada William Osler khi đó lưu ý giao thông càng hiện đại, virus cúm lây lan càng nhanh.

“Điều này có nghĩa chính cơ thể con người là nhân tố làm virus lây lan”, giáo sư Tomes nhận xét.

Trong một nghiên cứu năm 1925, nhà vi khuẩn học Edwin O. Jordan nhận xét, sau đại dịch cúm 1918, việc giữ cho đa phần người dân an toàn là nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên có thể giảm thiểu tiếp xúc giữa người bệnh và người khỏe mạnh bằng các biện pháp cách ly, cô lập.

“Phương pháp này mang lại cơ hội tốt nhất giúp chúng ta kiểm soát sự tàn phá của dịch cúm”, nghiên cứu của giáo sư Jordan ghi nhận.

Tùy thuộc vào mức độ lây lan của virus corona hiện nay, và bất cứ loại virus nào xuất hiện trong tương lai, con người sẽ bắt đầu phải cân nhắc mỗi khi lựa chọn địa điểm du lịch, điều chưa từng có trước đại dịch Covid-19, giáo sư Wen cho biết.

Việc người dân sử dụng phương tiện cá nhân, đi tới các điểm du lịch gần nhà, thay vì đáp máy bay tới những nơi xa xôi, có thể là dấu hiệu cho thấy lo lắng về nguy cơ mắc Covid-19 sẽ còn kéo dài.

“Trong vài năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến virus corona hoành hành ở một số nơi dịch bệnh không được kiểm soát tốt”, giáo sư Wen nhận xét.

Đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa

Trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, các biện pháp phòng ngừa như dùng vải che mặt, ho vào khăn tay, tránh tụ tập đông người, là các biện pháp được áp dụng nhằm ngăn virus lây lan.

Nhưng nhìn chung, chúng không tác động lâu dài tới thói quen của người dân sau khi đại dịch qua đi.

Vẫn có những bài học mà các tổ chức cũng như người dân rút ra và áp dụng trong ứng phó với các dịch bệnh sau này.

Khi dịch cúm bùng phát năm 1928, các trường đại học đã lập tức cách ly người mắc bệnh.

cuoc song sau covid anh 4

Sau đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918, trẻ em được dạy súc miệng thường xuyên. Ảnh: Getty.

“Nhờ hành động mau lẹ, nhà chức trách Đại học Oregon đã hạn chế số người mắc cúm ở mức 15% sinh viên toàn trường”, nghiên cứu của giáo sư Tomes cho biết.

Các cơ sở giáo dục, nhà chức trách y tế cũng quan tâm nhiều hơn tới nguy cơ từ các loại virus, vi khuẩn.

Những chương trình giáo dục sức khỏe vào đầu thập niên 1920 đã dạy về khăn tay cho học sinh mẫu giáo. Trong khi đó, học sinh tiểu học được dạy ho chính xác vào những chiếc khăn tay kiểu quân đội.

Một số quảng cáo thuốc ho, nước súc miệng sử dụng nỗi sợ về dịch cúm làm chiến thuật kinh doanh, với lời gợi nhắc cho người tiêu dùng “một trận cảm có thể trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều”.

Phụ nữ được khuyến khích tìm hiểu các triệu chứng ban đầu của bệnh truyền nhiễm, để họ có thể nhắc nhở chồng, con hắt hơi cẩn thận, và tới bác sĩ sớm nhất có thể.

Sau hơn 1 năm đeo khẩu trang đã là quy định phòng dịch bắt buộc nhằm ngăn Covid-19 lan rộng, một số chuyên gia dự đoán khẩu trang sẽ trở thành một trang bị cá nhân thường xuyên bảo vệ con người trước loại virus nguy hiểm.

“Nếu chỉ hắt xì một chút, thật khó để biết đó là dị ứng, cảm cúm, hay điều gì khác. Tôi nghĩ mọi người sẽ đeo khẩu trang trong những trường hợp như vậy, hoặc luôn đeo khẩu trang khi di chuyển”, giáo sư Wen nhận xét.

Học trực tuyến

Covid-19 đã khiến nhiều trẻ em không thể đến trường và phải chuyển sang học từ xa, học trực tuyến. Nhiều bậc phụ huynh thích thú với kiểu giáo dục tại gia này.

“Theo một khảo sát của EdChoice, 64% cha mẹ cho biết họ đã có cái nhìn thiện cảm hơn với hình thức học tại nhà”, Joshua Coleman, nhà tâm lý học tại Oakland, California, cho biết.

Ravi Gajendran, một quản lý tại Đại học Quốc tế Florida, cho biết ban đầu ông không có mấy thiện cảm với học trực tuyến.

“Tôi luôn cho rằng các lớp học luyện thanh, nghệ thuật nên được tổ chức trực tiếp, việc hướng dẫn từ xa sẽ không giúp tối ưu hóa bài giảng. Nhưng rồi tôi ngạc nhiên là các lớp học trực tuyến cũng không khác mấy các lớp trực tiếp, giờ thì tôi có cái nhìn cởi mở hơn”, ông Gajendran nói.

Nhưng mặt khác, nhiều bậc phụ huynh cho biết không có lựa chọn nào khác ngoài để con học từ xa, điều này khiến gia đình gặp nhiều khó khăn và họ không muốn lặp lại lần nữa, ông Coleman cho biết.

cuoc song sau covid anh 5

Học và làm việc trực tuyến sẽ ngày càng phổ biến sau đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty.

Làm việc từ xa

Covid-19 đã buộc nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoàn toàn hoặc chuyển sang làm việc trực tuyến. Làm việc từ xa, làm việc trực tuyến nhiều khả năng sẽ là thay đổi tồn tại lâu dài sau khi đại dịch qua đi, ông Gajendran nói.

“Các doanh nghiệp có thể coi làm việc từ xa là một cơ chế duy trì hoạt động liên tục mà họ có thể sử dụng nếu các biến chủng virus corona mới xuất hiện vô hiệu hóa vaccine”, ông Gajendran cho biết.

Chuyên gia của Đại học Quốc tế Florida cho rằng hình thức làm việc hỗn hợp sẽ tồn tại lâu dài bởi nó tạo ra sự linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh, cũng như có thể giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong các tình huống khẩn cấp khác như thảm họa tự nhiên, tấn công khủng bố.

Nhiều hoạt động khác trong cuộc sống như hội họp, đào tạo, các hoạt động trong nhà cũng như ngoài trời, cũng có thể tiến hành trực tuyến, ông Gajendran nói.

“Các công sở sẽ được thiết kế để phù hợp với thực tế là sẽ có nhiều hình thức tương tác trực tuyến hơn so với trước kia. Tôi nghĩ kiến trúc cũng có thể thay đổi, tập trung vào việc thông khí tự nhiên trong tòa nhà. Tôi hy vọng họ sẽ quay lại với lối kiến trúc cho phép mở cửa sổ”, ông Gajendran cho biết.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn