Siêu mẫu Claudia Schiffer và nữ ca sĩ Shakira bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora với nghi vấn trốn thuế, che giấu tài sản riêng.
Ngày 3/10, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và hơn 150 hãng thông tấn, báo đài đồng loạt công bố 11,9 triệu tập tài liệu, hé lộ khối tài sản bí mật và những thỏa thuận tài chính của nhiều nhà lãnh đạo giàu có, quyền lực. Khối lượng tài liệu trên được gọi chung bằng cái tên “Hồ sơ Pandora”.
Danh sách khách hàng thuộc giới siêu giàu được tiết lộ trong Hồ sơ Pandora gồm các doanh nhân, chính trị gia, tổng thống, thủ tướng của các nước (cả về hưu và đương nhiệm). Những khách hàng được “chỉ mặt điểm tên” đang phải đối mặt với các cáo buộc cáo buộc từ tham nhũng đến rửa tiền và trốn thuế toàn cầu.
Trong danh sách khách hàng của Hồ sơ Pandora, ngoài 35 lãnh đạo các quốc gia, còn có sự xuất hiện của một số doanh nhân, vận động viên và nghệ sĩ.
Siêu mẫu, ca sĩ có tên trong Hồ sơ Pandora
Theo Daily Mail, siêu mẫu Claudia Schiffer được liệt kê trong danh sách khách hàng siêu giàu, dùng các công ty và tổ chức tài chính nước ngoài để rửa tiền và trốn thuế.
Claudia Schiffer bị cáo buộc trốn thuế và có tên trong Hồ sơ Pandora. Ảnh: A.P. |
Đáp lại cáo buộc trên, đại diện của siêu mẫu người Đức cho biết cô đang sống ở Anh và luôn thực hiện đúng quy định về thuế. Phía siêu mẫu 51 tuổi khẳng định cô không có hành vi bất chính nào trong việc đóng thuế.
Ngoài lời phản hồi đến từ đại diện truyền thông, Claudia Schiffer vẫn chưa lên tiếng thêm.
Ngoài siêu mẫu người Đức, nữ ca sĩ Shakira cũng được liệt kê trong danh sách khách hàng sử dụng các công ty nước ngoài để trốn thuế.
Thông tin rò rỉ trong Hồ sơ Pandora cho thấy Shakira đã thành lập nhiều tài sản offshore (hoạt động tài chính ngoại cảnh, ngoại biên) tại Quần đảo Virgin thuộc Anh – vùng lãnh thổ có ưu đãi thuế rất cao. Hành động trên nhằm tránh phải đóng thuế quá nhiều và che giấu tài sản.
Trước cáo buộc, luật sư của Shakira khẳng định cô đã khai báo toàn bộ tài sản ở nước ngoài, và cũng không nhận được bất kỳ lợi ích nào về thuế như bản báo cáo.
Ngoài nghi vấn trốn thuế trên, Shakira còn vướng vào một rắc rối về thuế khác tại Tây Ban Nha.
Shakira được cho là đang che giấu tài sản trái phép tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Ảnh: Reuters. |
Nữ ca sĩ được cho là mua hòn đảo Bond’s Cay ở Bahamas với giá 15 triệu USD từ năm 2011. Giọng ca Hip Don’t Lie hợp tác với huyền thoại âm nhạc Roger Waters để cùng đầu tư vào hòn đảo thuộc vùng Caribbean.
Vì sở hữu hòn đảo thuộc Bahamas, giọng ca Hips Don’t Lie được coi như trở thành công dân của nước này. Việc này dẫn đến cáo buộc trốn thuế của Shakira, khi giới chức Tây Ban Nha cho rằng nữ ca sĩ không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế dù đã sống ở Barcelona trong suốt 4 năm.
Shakira phải hầu tòa vì trốn thuế
Theo Tribune, vào năm 2019, một thẩm phán người Tây Ban Nha đã chuẩn bị hồ sơ đưa nữ ca sĩ ra tòa vì tội danh trốn thuế trong bốn năm, từ 2011-2014.
Trải qua phiên điều trần kéo dài khoảng 90 phút Esplugues de Llobregat (Barcelona, Tây Ban Nha), Shakira vẫn khẳng định cô vô tội, không có hành vi trốn thuế.
Daily Mail cho biết luật sư của nữ ca sĩ đưa ra lý do trong giai đoạn 2011-2014, cô thường đi lưu diễn khắp thế giới hoặc dành thời gian cư trú ở Bahamas.
Do đó, dù đã chuyển đến Tây Ban Nha vào năm 2011 sau khi kết hôn với cầu thủ Gerard Pique, Shakira vẫn không sống ở Tây Ban Nha quá 6 tháng mỗi năm. Luật sư biện hộ rằng mức thời gian dưới 6 tháng mỗi năm không đủ để buộc Shakira phải đóng thuế cư dân theo luật pháp nước này.
Giọng ca người Colombia phải hầu tòa vì bị cáo buộc trốn thuế trong 4 năm sống tại Tây Ban Nha. Ảnh: Pinterest. |
Trong khi đó, theo lập luận của luật sư, Shakira vẫn đóng thuế cư trú ở Bahamas tới tận năm 2015. Đại diện truyền thông của Shakira một lần nữa tuyên bố với báo giới rằng cô vô tội. “Hiện tại cô ấy không có bất kỳ khoản nợ (thuế) nào”, Daily Mail trích lời đại diện của Shakira.
Ngoài ra, ngôi sao gốc Colombia khẳng định cô không làm gì sai trái, và sẽ đưa ra lập trường riêng nếu vẫn không đạt được thỏa thuận với các công tố viên.
Hiện, hồ sơ Pandora đang được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử, tập hợp dữ liệu từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính hàng đầu. Các chính trị gia, tỷ phú trao cho 14 đơn vị trên quyền tạo lập tài sản và quỹ tín thác ở các thiên đường thuế như Thụy Điển, Panama, Cyprus, Dubai, quần đảo British Virgin (Anh)…
Nguồn: News.zing.vn