Trận đấu giữa Ukraine và Anh ở tứ kết Euro 2020 là cơ hội hoàn hảo để Andriy Shevchenko nhắc lại với xứ sở sương mù rằng mình là ai.
Chân dung
Năm 2018, Daily Mail nhấn mạnh Andriy Shevchenko là hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Premier League nếu được chuyển nhượng với định giá của thời điểm đó. Khoản tiền 30 triệu bảng mà Chelsea bỏ ra để đưa Sheva về từ AC Milan vào mùa hè 2006 sẽ có giá 144,4 triệu bảng vào mùa hè 2018.
Song chữ ký đình đám ngày đó mang tên Sheva không mang tới những hứng khởi ở xứ sở sương mù. Shevchenko không bao giờ trở lại là chính mình trên đất Anh và luôn là nhân vật đứng hàng đầu trong danh sách những hợp đồng thất bại nhất lịch sử giải đấu này.
Bởi vậy khi Shevchenko dẫn dắt Ukraine chạm trán Anh ở tứ kết Euro 2020, giới mộ điệu có quyền hồi tưởng về mối lương duyên kỳ lạ ngày đó giữa Sheva và Chelsea.
Đến Anh vì vợ
Mối lương duyên giữa nước Anh và Shevchenko có thể gói gọn trong mối quan hệ của hai người: Roman Abramovich và tiền đạo người Ukraine. Abramovich là ông chủ của Chelsea, còn Sheva là người mà tỷ phú Nga ngưỡng mộ từ lâu.
Mọi thứ bắt đầu từ tận tháng 8/2003, 3 năm trước khi phi vụ đình đám kích nổ. Abramovich khi đó mới thành ông chủ Chelsea. Người đàn ông quyền lực này tới Milan để gặp BLĐ Inter nhằm bàn việc chuyển nhượng.
Khách sạn nơi phái đoàn của Chelsea làm việc với Inter tình cờ có sự xuất hiện của Sheva. Kể lại với Guardian sau này, chân sút sinh năm 1976 tiết lộ Abramovich đã hỏi thẳng mình có muốn tới Chelsea không. “Tôi nhẹ nhàng từ chối. Tôi vừa vô địch Champions League cùng Milan và hạnh phúc tại đây. Sau 5 phút nói chuyện, tôi từ biệt”, Sheva kể lại.
Hình ảnh này không bao giờ được thể hiện trọn vẹn trên sân cỏ Premier League. Ảnh: Reuters. |
Mọi chuyện dĩ nhiên không kết thúc như vậy. Là doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn ở Đông Âu, Abramovich thiết lập mối quan hệ thân tình với Sheva. Tới năm 2005, họ nói chuyện với nhau thường xuyên và trở thành bạn thân. Xuyên suốt thời gian đó, Chelsea luôn tìm cách hỏi mua Sheva nhưng Milan luôn từ chối.
Tấm băng đội trưởng Milan được “quy hoạch” cho Sheva sau khi Paolo Maldini giải nghệ. Chân sút người Ukraine vì thế là bất khả xâm phạm ở San Siro. Song vết nứt lớn đã tới vào ngày 25/5/2005 khi Milan thua Liverpool ở trận chung kết Champions League dù dẫn 3-0 sau hiệp một. Sheva bỏ lỡ cơ hội ở khoảng cách chỉ 4 m trong hiệp phụ và tự sút hỏng quả luân lưu quyết định.
Andrea Pirlo sau này kể lại trong cuốn tự truyện rằng mình “muốn chết” sau trận chung kết ấy. Nhiều cầu thủ khác của Milan như Gennaro Gattuso, Clarence Seedorf mô tả đó là trải nghiệm kiệt sức và là cơn ác mộng theo nghĩa đen với họ. Với Sheva, anh nói rằng mình từng gào thét nhiều đêm vì gặp ác mộng bởi trận cầu tại Istanbul.
Lần đầu tiên kể từ khi tới Milan vào năm 1999, Sheva tính đến việc rời khỏi kinh đô thời trang. Và Chelsea của Abramovich vào cuộc. Phó chủ tịch và cũng là trùm chuyển nhượng của Milan, Adriano Galliani, luôn cứng rắn trước vấn đề này. Ông nói không trước mọi lời đề nghị nhắm tới Sheva.
Song Galliani hay Milan không ngờ lá bài tẩy của Chelsea trong phi vụ lại chẳng liên quan tới bóng đá. Đó là vợ của Shevchenko.
Siêu mẫu Kristen Pazik liên tục tỉ tê với Shevchenko về sự tuyệt vời của London. Cô lúc này đang mang bầu đứa con thứ hai của hai người. Kristen mong muốn các con mình được học trong môi trường sử dụng tiếng Anh.
Lý do “cho con học tiếng Anh” này sau đó lan truyền khắp Italy và khiến nhiều CĐV phẫn nộ. Milan biết không thể giữ chân được Sheva và đành bán anh sang Chelsea với giá 30 triệu bảng. Galliani gọi đây là “sự thất bại của tiếng Italy trước tiếng Anh”.
Silvio Berlusconi, Chủ tịch AC Milan và Thủ tướng Italy lúc ấy, quay ngược thái độ với Sheva chỉ vài tháng sau khi anh rời sân San Siro. “Không người đàn ông đích thực hay Milanista chân chính nào hành xử như thế. Ở trong nhà, tôi là người quyết định. Nhưng Sheva lại để cho vợ cậu ta át vía. Khi vợ la hét, cậu ta chui xuống gầm giường như chó con. Cô ta muốn đến London, để bọn trẻ con hít sương mù cho phổi khỏe mạnh và Sheva nghe theo. Vậy đấy”.
Shevchenko chỉ có 22 bàn cho Chelsea. Ảnh: Reuters. |
Vị khách ở Chelsea
Sheva khởi đầu như mơ tại Chelsea khi ghi bàn ngay trong trận tranh Community Shield với Liverpool. Song hành động hôn lên logo Chelsea của chân sút người Ukraine mới là tâm điểm. Từ Italy, những Milanista phẫn uất vì thần tượng lớn của họ quay mặt nhanh như chớp.
Còn Sheva thì tin rằng đó sẽ là khởi đầu cho hành trình chinh phục xứ sở sương mù. Sự thật không như Sheva kỳ vọng. Anh chỉ ghi vỏn vẹn 2 bàn trong 4 tháng đầu tại Chelsea. Không ai nhận ra chân sút từng khủng bố những hàng phòng ngự khắp châu Âu trong màu áo đỏ đen.
Mối quan hệ với Jose Mourinho có thể là nguyên nhân lý giải phong độ sa sút của Sheva. Quay trở lại mùa hè 2006, Mourinho yêu cầu Abramovich mua thêm tiền đạo để chơi sơ đồ 2 trung phong sau khi Chelsea thể hiện sự yếm thế rõ rệt ở châu Âu trước những đội bóng giàu kỹ thuật như Barca.
Abramovich cho phép Mourinho điền 4 cái tên vào danh sách. Theo Athletic, Samuel Eto’o là một trong 4 người Mourinho muốn. Người cuối cùng trong danh sách là Sheva, vốn chỉ là cái tên được cho vào vì yếu tố chính trị.
Mourinho không ngờ Abramovich mang Sheva về và bắt ông sử dụng. Chưa bàn tới việc Mourinho dùng Sheva thế nào, chỉ riêng việc hòa nhập với môi trường tại Anh cũng quá khó khăn với Quả bóng Vàng châu Âu 2004.
John Obi Mikel kể lại với Athletic: “Sheva là cầu thủ trầm lặng nhất mà tôi từng biết. Anh ấy không nói trên sân, không nói trong phòng tập và cũng chẳng nói ngoài sân. Đừng bao giờ mong Sheva mở lời”.
Sheva không nói tiếng Anh và không kết nối được với các đồng đội. Người hiếm hoi nói chuyện được với chân sút sinh năm 1976 là thủ thành Carlo Cudicini, người biết tiếng Italy, và một nhân viên hậu cần.
Sheva cực kỳ chuyên nghiệp khi luôn đến tập sớm, ra về muộn, không bao giờ than phiền, trách móc hay chỉ trích ai, và càng không bày tỏ thái độ bất mãn. Nhưng phong độ không tốt trên sân của Sheva nhanh chóng tạo ra vấn đề.
Báo chí Anh liên tục phao tin giữa Sheva và Mourinho tồn tại mâu thuẫn. Họ tin rằng Mourinho không hài lòng với bất kỳ cầu thủ nào có mối quan hệ cá nhân cùng Abramovich. Từ một hợp đồng bom tấn, Sheva bỗng trở thành người đứng giữa mối quan hệ ngày càng không thể cứu vãn giữa Mourinho và tỷ phú người Nga.
Trên sân cỏ, Sheva được kỳ vọng sẽ phối hợp ăn ý với Didier Drogba nhưng mọi chuyện nhanh chóng phát sinh vấn đề.
Shevchenko cùng Ukraine đang làm nên lịch sử tại Euro 2020. Ảnh: Reuters. |
Drogba chấp nhận hỗ trợ Sheva nhưng tin rằng mình không nhận được thiện chí tương tự từ chân sút người Ukraine. Tiền đạo người Bờ Biển Ngà nhanh chóng biến mâu thuẫn tiềm tàng này thành động lực để phấn đấu hơn nữa và ghi bàn liên tục để khẳng định vị thế ở sân Stamford Bridge.
Điều này càng khiến áp lực đặt lên vai Sheva ngày một tăng. Tháng 3/2007, Sheva lập một siêu phẩm vào lưới Tottenham tại FA Cup. Toàn đội Chelsea khấp khởi từ Lampard, Ballack đến cả Drogba. “Cuối cùng thì Sheva cũng trở lại”, Mikel kể. Nhưng không ăn thua, Sheva lại mờ nhạt cho đến cuối mùa.
Anh bắt đầu chơi golf và tìm thấy niềm vui ở môn thể thao ít phải bày tỏ cảm xúc này. Bên ngoài sân cỏ, Sheva được Abramovich trọng vọng hết mình khi luôn là khách mời quan trọng trong các bữa tiệc ở London.
Nhưng Sheva không bao giờ trở lại với hình ảnh linh dương Đông Âu như ở Milan được nữa. Anh xin trở lại Milan vào tháng 7/2008 theo dạng cho mượn và khoác áo số 76. Sheva nói rằng trở lại Milan là cách duy nhất để anh lấy lại phong độ.
Nhưng điều đó cũng chẳng thành. Sheva chỉ ghi 2 bàn trong cả mùa giải 2008/09 cho Milan, và tịt ngòi sau 18 trận tại Serie A. Quả bóng Vàng châu Âu thuở nào chỉ còn là cái bóng của chính mình sau 2 năm trên đất Anh.
Cuối mùa năm đó, Sheva xin Abramovich rời Chelsea. Tỷ phú người Nga nhanh chóng chấp thuận. 13 năm sau, Sheva vẫn giữ căn nhà ở Anh. Cậu con trai thứ hai của chân sút khét tiếng một thời đang là học viên ở đội trẻ Chelsea.
Quan hệ giữa anh và đội bóng cũ vẫn cực tốt. Song với Sheva, Italy vẫn là nơi đặc biệt hơn tất cả. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh MilanTV, Sheva nhấn mạnh đất nước hình chiếc ủng là ngôi nhà thứ hai của mình, nơi cho anh mọi thứ trong sự nghiệp.
Bởi vậy khi Ukraine với Sheva là HLV trưởng đối đầu người Anh tại Rome ở tứ kết Euro 2020, người ta có quyền tin rằng Sheva đang có lợi thế sân nhà trước cơ hội làm nên lịch sử cùng đội tuyển Đông Âu.
Những CĐV Anh sẽ không thể tới Rome để cổ vũ cho “Tam sư” vì hạn chế của dịch Covid-19. Phần lớn khán đài của sân Olimpico vào rạng sáng ngày 4/7 (giờ Hà Nội) tới sẽ là những người từng chứng kiến Sheva tung hoành.
Đó cũng là cơ hội để Sheva chứng minh với người Anh rằng khi Italy ở dưới chân mình, anh sẽ đáng sợ như thế nào dù không còn là cầu thủ.
Nguồn: News.zing.vn