Trước ngày thi tốt nghiệp THPT, nhiều sĩ tử và các bậc phụ huynh đứng vái vọng ngay tại bia “Hạ mã” tại cổng Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) cầu mong đạt điểm thi cao.
Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) hiện đóng cửa để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều sĩ tử và các bậc phụ huynh vẫn tìm đến dâng hương, đặt lễ ngay trước cổng.
Vì không được vào trong, nhiều người chọn vị trí vái vọng ngay tại bia “Hạ mã” (xuống ngựa). Theo ghi nhận của Zing, những lễ vật cầu may khác nhau từ hoa quả, bánh kẹo cho tới máy tính, giấy báo dự thi, sách, bút được sĩ tử, phụ huynh chuẩn bị sẵn. Mong muốn của nhiều phụ huynh, học sinh là đạt kết quả tốt trong kỳ thi.
Trên mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi băn khoăn, liệu vái vọng ở vị trí này có đúng?
Sĩ tử và người thân tìm đến trước cổng Văn Miếu – Quốc Tử Giám để vái vọng, cầu xin. Ảnh: Đức Anh. |
TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ với Zing: “Bia ‘Hạ mã’ thường được được dựng trước cổng công trình lớn hoặc mang tính tâm linh nhằm nhắc nhở những người đi qua đây, dù là bậc công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, đều phải xuống ngựa đi bộ ngang qua để biểu thị lòng tôn kính với các bậc tiền nhân”.
Trang thông tin chính thức của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có ghi rõ: “Bia Hạ mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám cần được gìn giữ, bảo vệ”.
Song trên thực tế, các sĩ tử và phụ huynh không chỉ đến vái vọng mà còn đặt hoa, đồ lễ xung quanh bia “Hạ mã”. Thậm chí, sau khi cầu may, nhiều người hóa vàng ngay tại các bồn cây và vệ tường xung quanh khu di tích.
Trong khi đó, PGS TS Hà Minh Hồng, khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định người phương Đông thường có tâm lý tìm kiếm chỗ dựa tinh thần. Phụ huynh và thí sinh trước ngày thi đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám vái vọng tạo cho các thí sinh cảm giác an tâm. Tuy nhiên, kết quả thi cử vẫn phải dựa vào sức lực, kiến thức của bản thân.
“Nếu sĩ tử muốn cầu xin thì mong cầu trong tâm tưởng của mình và ngay tại bàn thờ tổ tiên của gia đình, đó vừa là truyền thống dân tộc, vừa là tín ngưỡng dân gian. Quan trọng là mỗi cá nhân phải nỗ lực, chỉ mang tâm lý cầu may thì không có ý nghĩa”, PGS TS Hà Minh Hồng nói thêm.
Nguồn: News.zing.vn