Một chuỗi siêu thị chủ động gom hàng cho khách đến mua trực tiếp, trong khi hệ thống bán lẻ khác nhận đặt hàng từ các địa phương và khu vực bị phong tỏa.
Đến siêu thị Co.opmart Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) sáng 5/7, chị Thanh Lan (32 tuổi, nội trợ) bất ngờ khi được bố trí một chỗ ngồi cố định và chỉ cần lên danh sách mua hàng dựa trên danh mục hàng hóa được nhân viên cung cấp.
“Có nhân viên tư vấn và gom hàng hộ, tôi chỉ ngồi chờ khoảng 15 phút là nhận hàng và thanh toán. Như vậy cũng tốt, tôi không mất nhiều thời gian chờ đợi giao hàng như mua online, mà lại không phải lo tiếp xúc nhiều người khi đến mua trực tiếp”, chị Thanh Lan chia sẻ.
Theo đại diện Saigon Co.op, mô hình “Pick & Ship” này đang được thí điểm tại 7 siêu thị Co.opmart TP.HCM ở Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), Hùng Vương (quận 5), Đỗ Văn Dậy (Hóc Môn), Tô Ký (quận 12), Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) và Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp).
Người dân được bố trí chỗ ngồi giãn cách ở khu vực sảnh thoáng tại siêu thị. Ảnh: Saigon Co.op. |
Theo cách này, khách hàng đến mua sắm tại siêu thị không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau như khi mua sắm tự do trước đây, ước tính giảm 80-90% nguy cơ lây nhiễm chéo. Đồng thời khách hàng được siêu thị phục vụ tận nơi và hạn chế gần như tuyệt đối tụ tập đông người tại các quầy thu ngân.
Một nhân viên siêu thị cho biết khách hàng được bố trí ngồi tại các khu vực sảnh thoáng, có thể chờ nhận hàng ngay tại chỗ hoặc về nhà đợi hàng giao đến. Trong khi đó, nhân viên siêu thị được sắp xếp lịch làm việc chéo ca, nhân viên khu tự chọn và sảnh cũng không được tiếp xúc trực tiếp.
“Một số khách hàng đến siêu thị sáng 5/7 có chút bỡ ngỡ nhưng cũng nhanh chóng hợp tác để được siêu thị phục vụ. Sắp tới số lượng siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… tham gia mô hình này dự kiến tiếp tục tăng để nâng cao mức độ phòng chống dịch”, vị đại diện nhấn mạnh.
Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có điểm phong tỏa hoặc chợ chưa hoạt động lại chủ động liên hệ các hệ thống bán lẻ để triển khai bán hàng lưu động, bán hàng đồng giá hoặc bán hàng đăng ký trước.
Chia sẻ với Zing, bà Phạm Thị Vân, Trưởng Ban Bán lẻ Satra cho biết đã từng triển khai bán hàng lưu động ở một số ấp bị phong tỏa trên địa bàn huyện Hóc Môn thời điểm Chỉ thị 10 vừa được ban hành. Tuy nhiên, sau khi một số nhân viên bị lây nhiễm chéo, doanh nghiệp quyết định ngừng bán hàng lưu động và chuyển qua nhận đơn hàng báo trước.
Hiện tại, các địa phương có thể gom đơn hàng từ người dân và gửi về Satra trước 15h mỗi ngày. Sáng hôm sau, nhà bán lẻ này sẽ chuyển hàng đến điểm tập kết, người dân sau đó được chia khung giờ để đến lấy hàng.
Theo bà, hình thức này đảm bảo an toàn hơn cho cả người dân lẫn đội ngũ bán hàng. Bởi lẽ, nếu không có sự điều phối tốt mà để tập trung đông người ở các điểm bán hàng lưu động thì rủi ro sẽ rất lớn.
“Doanh số bán theo hình thức này cũng tùy thời điểm, có ngày đến 20-30 triệu đồng”, bà Vân nói thêm.
Như vậy, bên cạnh đẩy mạnh các hình thức bán hàng trực tuyến, kênh bán lẻ hiện đại đang nỗ lực tìm kiếm các mô hình mới để có thể đảm bảo cung ứng hàng hóa xuyên suốt và an toàn cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Trong khi đó, ở kênh truyền thống, tổng lượng hàng về các chợ đầu mối ở TP.HCM ngày 5/7 tiếp tục ở dưới mức 5.000 tấn. Tính đến 18h ngày 2/7, trên địa bàn có một chợ đầu mối và 104 chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động.
Ngày 4/7, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra tại các chợ truyền thống đã dừng hoạt động ở quận 1, 3 và Bình Thạnh để đánh giá tình hình. Cơ quan này cho biết qua kiểm tra, đa số chợ đều lúng túng trong việc xây dựng phương án khắc phục. Do đó, Sở đang xây dựng phương án mẫu để triển khai hướng dẫn cho các chợ thực hiện.
Nguồn: News.zing.vn