“Snake Eyes” không phải phần nối tiếp của “G.I.Joe” ra mắt năm 2009 và 2013. Đây là phần phim mở màn trong kế hoạch tái khởi động toàn bộ thương hiệu “G.I.Joe” trên màn ảnh rộng.
Đạo diễn: Robert Schwentke
Thể loại: Hành động/giả tưởng
Diễn viên: Henry Golding, Andrew Koji, Úrsula Corberó, Samara Weaving, Haruka Abe, Takehiro Hira, Iko Uwais…
Sau hàng loạt cái tên như The Tomorrow War, Outside the Wire, The Marksman, Peter Rabbit 2, Without Remorse, Spiral: From the Book of Saw, Chaos Walking, Space Jam: A New Legacy… Snake Eyes (Nhãn Xà) tiếp tục nối dài danh sách “phim dở” của Hollywood năm 2021.
Khác với kỳ vọng của nhiều khán giả, Snake Eyes không phải là phần phim nối tiếp của hai phim G.I.Joe ra mắt năm 2009 và 2013. Đây là phần phim mở màn trong kế hoạch tái khởi động toàn bộ thương hiệu G.I.Joe trên màn ảnh rộng.
Trong hai phần phim trước, Snake Eyes bất ngờ được khán giả yêu thích nhất bởi sự bí ẩn trong quá khứ khiến nhân vật này không bao giờ nói chuyện.
Snake Eyes tái khởi động thương hiệu G.I.Joe trên màn ảnh rộng. Ảnh: Toy News. |
Phiên bản Snake Eyes mới đã thay đổi hoàn toàn quá khứ đã được kể trong hai phần phim trước đó, thay vì là đứa trẻ da trắng được một sư phụ ở Nhật Bản nhận nuôi và dạy dỗ, phim bắt đầu với cảnh Nhãn Xà (Henry Golding) lúc nhỏ chứng kiến cha mình bị một kẻ sát hại.
Cậu bé nuôi ý nguyện báo thù và tham gia băng đảng yakuza của Kento (Takehiro Hira) bởi lời hứa rằng hắn sẽ giúp anh tìm ra kẻ đã giết cha mình. Trong một lần tình cờ, Snake giải cứu Tommy (Andrew Koji) – hậu vệ của gia tộc Arashikage quyền lực nhất Nhật Bản. Cảm kích trước ơn cứu mạng, Tommy đưa Snake về dinh thự của gia đình tại Tokyo và một lòng đào tạo Snake thành cánh tay đắc lực của mình.
Kịch bản sơ sài dẫn đến sự phí phạm dàn diễn viên thực lực
Điểm hấp dẫn nhất trong hành trình của Snake Eyes chính là tình bạn giữa anh và Storm Shadow (biệt hiệu sau này của Tommy). Tuy nhiên, kịch bản của phim quá tham lam và ôm đồm nhiều tuyến truyện khiến cả bộ phim chỉ nhằm mục đích giới thiệu cho đủ đầy, chứ không hề tập trung khai thác bất kỳ chi tiết chủ đạo nào.
Đầu tiên, mối thù của Snake Eyes được dùng để làm chất xúc tác khiến anh phải gia nhập yakuza nhưng xuyên suốt phim, chi tiết này xuất hiện cực kỳ trống vắng và đến khi gặp kẻ thù, bằng một vài câu nói tầm phào mà hắn đã khiến Snake tha mạng cho mình.
Chưa kể, phần quan trọng nhất của phim chính là mối quan hệ giữa Snake và Tommy diễn ra cực kỳ nhanh gọn theo tiến trình quen thuộc là “gặp gỡ – có cảm tình – tin tưởng – mất niềm tin rồi kết thúc là kẻ thù”. Mối quan hệ không hề được xây dựng đến nơi đến chốn, diễn ra nhanh đến nỗi khi đến hết phim khán giả khó có thể tin rằng hai nhân vật là đôi bạn tri kỷ, thân đến mức có thể hy sinh tính mạng cho nhau và hoàn toàn không có kết nối nào chặt chẽ giữa cả hai.
Điểm hấp dẫn nhất trong câu chuyện của Snake Eyes chính là tình bạn và mối thù với Storm Shadow. Ảnh: Mirror. |
Trong phim, để trở thành một phần của gia tộc Arashikage, Snake phải vượt qua ba thử thách cực khó mà không phải ai cũng làm được và tổng thời lượng cho cả ba thử thách này diễn ra chỉ trong vòng 5 đến 7 phút.
Là phần phim mở đầu nên việc cài cắm để giới thiệu về G.I.Joe và kẻ thù truyền kiếp băng Cobra (Mãng Xà) là một điều hợp lý. Nhưng phần giới thiệu cũng rất đơn điệu khi chỉ cần có sự xuất hiện của Scarlett (Samara Weaving) – đại diện cho đội Joes kèm câu dẫn “một đơn vị tinh nhuệ chống khủng bố toàn cầu”. Baroness (Úrsula Corberó) cũng cùng câu “một mạng lưới nhiều nhóm khủng bố nguy hiểm tinh vi”, không khác gì một phần quảng cáo vài giây xen giữa các chương trình truyền hình trên TV.
Ở các bom tấn điện ảnh, trận đánh cuối luôn được xem là vũ khí mạnh nhất để đẩy cảm xúc khán giả lên cao trào, Snake Eyes cũng không thể thiếu nhưng lại hụt hẫng khi chỉ diễn ra cho vui và mang tính kết thúc phim.
Nhân vật chuyển phe chớp nhoáng, thành trì kiên cố của gia tộc lớn nhất Nhật Bản với đội quân chỉ vỏn vẹn 2 lính canh cùng một bà già, cộng hai sư phụ và bị quân địch đột nhập rồi tràn vào trong thời gian chưa đến một phút.
Dĩ nhiên, sau tất cả là màn “phe ta cùng bước đi hoành tráng” theo phong cách “siêu anh hùng tập hợp”. Một phân đoạn không hề mang đến sự dâng tràn cảm xúc mà chỉ có tác dụng củng cố cho người xem về độ “nghèo nàn” của phim.
Sự nghèo nàn trong kịch bản phim đã khiến dàn diễn viên thực lực trở nên hoang phí. Ảnh: Daily Sabah. |
Ngoài ra, phim vẫn phạm phải các lỗi nhỏ phổ biến về logic như việc cả gia đình người Nhật sống tại Tokyo nhưng luôn cố gắng nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh ngay cả khi không có người ngoài. Hay chuyện buôn lậu vũ khí ở thế kỷ 21 lại rất dễ dàng khi chỉ cần nhét những khẩu súng vào trong bụng cá đông lạnh.
Tóm lại, cả bộ phim dài hai tiếng giống tập mở đầu giới thiệu các nhân vật của một series hoạt hình vào thập niên 1990 của thế kỷ trước và thậm chí còn nhạt nhẽo hơn. Câu chuyện phim được kể theo lối “xuôi dòng”, từ điểm đầu đến đoạn kết một cách trôi tuột. Điều này khiến công sức tuyển mộ dàn diễn viên thực lực của ê-kíp sản xuất và diễn xuất của họ trở nên phí phạm.
Nếu Henry Golding là ngôi sao nổi lên từ bộ phim đình đám Crazy Rich Asians, Andrew Koji cũng không kém cạnh khi thành danh sau vai chính của show truyền hình ăn khách Warrior trên kênh HBO.
Cả hai hoàn toàn có thể trở thành cặp nhân vật ăn ý gây ấn tượng với khán giả nếu kịch bản phim được đầu tư kỹ càng. Chưa kể các diễn viên còn lại đều thuộc hàng ngôi sao triển vọng như Úrsula Corberó (vai Tokyo trong series Money Heist), Samara Weaving (phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri), Haruka Abe (phim truyền hình Kiss Me First), diễn viên kỳ cựu Nhật Bản Takehiro Hira và ngôi sao võ thuật người Indonesia nổi danh với hai phần phim The Raid Iko Uwais… Tuy nhiên, họ xuất hiện trong phim chỉ với vai trò làm nền lấp đầy hệ thống nhân vật.
Quay phim và hành động mãn nhãn
Điểm sáng duy nhất của Snake Eyes nằm ở phần hành động và quay phim.
Những bài đánh võ thuật cận chiến hay các tuyệt kỹ khác đều được dàn diễn viên thể hiện rất tốt, kết hợp phần quay phim chuyên nghiệp, càng phát huy sự tối ưu trong trải nghiệm thưởng thức phần nhìn của khán giả.
Đặc biệt, phân cảnh rượt đuổi và đấu kiếm trên xa lộ lấy lòng người xem khi mang đến sự bắt mắt lẫn phấn khích.
Dù vậy, ở đa phần các cảnh hành động trong phim được trau chuốt gọn gàng quá mức đến thiếu tinh tế, dẫn tới tổng quan về hình ảnh của phim mang cảm giác chưa thật thoả mãn.
Điểm sáng của phim là những pha hành động. Ảnh: Variety. |
Với kinh phí 88 triệu USD, cho đến nay, phim chỉ thu về con số khiêm tốn 35,5 triệu USD, có thể thấy tương lai cho phần kế tiếp của G.I.Joe sẽ rất khó được thực hiện.
Nhìn chung, nếu là khán giả không khó tính, Snake Eyes có thể là lựa chọn giải trí khá thích hợp vào thời gian rảnh ở nhà. Còn nếu khán giả tìm đến bộ phim với hy vọng có được sự đồng cảm trong cảm xúc hay tinh tế trong cách thể hiện, thì phim hoàn toàn không đạt tiêu chuẩn.
Nguồn: News.zing.vn