Số phận nào cho nhà ga xe lửa Nha Trang trong tương lai?

0
88

Ga Nha Trang được người Pháp xây dựng và khánh thành vào năm 1936 được mệnh danh đẹp thứ hai tai Đông Dương sau gia xe lửa Đà Lạt. Nhà ga xe lửa được xem như một trong những chứng nhân lịch sử với bao thăng trầm đi qua 2 cuộc khánh chiến chống quân xâm lược, cho đến thời điểm hiện tại thì ga vẫn giữ được kiến trúc cổ thời Pháp và đảm nhiệm chức năng vận chuyển xuyên suốt trong tuyến đường sắt  hành trình Bắc Nam.

Số phận nào cho nhà ga xe lửa Nha Trang trong tương lai? - 1

Nhà ga xe lửa Nha Trang ngày xưa

Người Pháp ở Nha Trang

Trở về lịch sử hình thành Nha Trang, một trong những người Pháp ghi đậm dấu ấn là bác sĩ Alexandre Yersin. Năm 1890, ông đến Đông Dương và chuyến đi định mệnh này đã đưa ông đến Việt Nam, để viết ra những trang sử mới trong cuộc đời mình ở hai vùng đất Nha Trang và Đà Lạt. Lần đầu tiên, mặc dù thấy Nha Trang ở đằng xa, Alexandre Yersin đã bị chinh phục. Lần đầu tiên nhìn thấy Nha Trang, dù không thể lên bờ du ngoạn, ông ghi trong sổ nhật ký ngày 06/5/1891: “Rời Sài Gòn phải mất 28 tiếng đồng hồ mới tới Nha Trang, tầu phải neo cách bờ một dặm, và chỉ đậu lại một giờ, vì thế không lên được bờ. Thật đáng tiếc vì vùng này có nhiều núi non và phong cảnh rất ngoạn mục. Trong rừng đầy cọp…”. Hai tháng sau ông quyết định quay trở lại vùng đất này và chọn đây là nơi sẽ sống, làm việc và an nghỉ vĩnh viễn.

Số phận nào cho nhà ga xe lửa Nha Trang trong tương lai? - 2

Vị trí nhà ga xe lửa Nha Trang nằm trong vùng “lõi” trung tâm thành phố

Cùng với sự chọn lựa vùng đất này là nơi làm việc, bác sĩ Alexandre Yersin – người nổi tiếng đã tìm ra vi trùng dịch hạch và thuốc điều trị – đã tạo ra nhiều kỳ tích cho vùng đất Nha Trang. Trong thời gian sống tại Nha Trang và Đà Lạt, ông đã đưa cây cao su về trồng ở Việt Nam, cây Canhkyna trồng ở Hòn Bà để bào chế thuốc chữa bệnh sốt rét rất hiệu quả. Ông còn nuôi các loại gia súc đặc biệt là ngựa để lấy nguyên liệu sản xuất Vacxin phòng bệnh dịch hạch.

Chính ông Năm Yersin (tên thân mật người địa phương thường gọi) đã gây chú ý cho toàn thế giới về sự xuất hiện của ông ở Nha Trang và Đà Lạt. Ông liên tục viết thư mời bạn bè, quan chức, chính khách, các nhà tài phiệt và giới quý tộc các nơi đến Nha Trang nghỉ dưỡng. Có thể nói, vùng đất Nha Trang có tên trên bản đồ du lịch thế giới nhờ bác sĩ Alexandre Yersin, đặc biệt việc lựa chọn vị trí những khách sạn trên cung đường biển Trần Phú ngày nay đã được giới quý tộc Pháp chấm chọn từ hơn 100 năm trước.

Đi cùng với sự xuất hiện nhộn nhịp của giới quý tộc người Pháp là hệ thống khách sạn cao cấp như Grand Hôtel Beau Rivage đối diện bãi biển trung tâm thành phố đã đi vào hoạt động từ năm 1926 (nay là số 40 đường Trần Phú).

Đặt chân đến Việt Nam, người Pháp chú trọng đến việc xây dựng các khách sạn nhằm chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn ở – giải trí của bộ phận quan chức chứ chưa quảng bá rộng rãi hay mời gọi khách nước ngoài. Năm 1880, Continental là khách sạn đầu tiên của Việt Nam được xây dựng hoàn thành tại Sài Gòn. Tiếp đến, năm 1925 – khách sạn Majestic, năm 1926 đưa vào sử dụng Grand Hotel Beau Rivage ( nay là số 40 đường Trần Phú – thành phố Nha Trang), năm 1930 – khách sạn Grand Sài Gòn… Tại Hà Nội, vào năm 1901, Sofitel Metropole là khách sạn 5 sao đầu tiên được xây dựng bởi 2 nhà đầu tư người Pháp. Năm 1918 người Pháp xây dựng khách sạn Le Coq d’Or (Gà Trống vàng) với 56 phòng, trong đó có 12 phòng hạng sang…

Phát triển cùng với hệ thống khách sạn phục vụ cho giới quan chức và quý tộc Pháp chính là hệ thống đường sắt và các nhà ga được xây dựng theo kiến trúc Pháp.

Nhà ga Nha Trang và hành trình nào cho tương lai?

Số phận nào cho nhà ga xe lửa Nha Trang trong tương lai? - 3

Ga Nha Trang ngày nay

Ga Nha Trang được người Pháp xây dựng và khánh thành vào năm 1936 và vẫn hoạt động đến ngày nay. Nhà ga xe lửa được xem như một trong những chứng nhân lịch sử với bao thăng trầm đi qua 2 cuộc khánh chiến chống quân xâm lược, cho đến thời điểm hiện tại thì ga vẫn giữ được kiến trúc cổ thời Pháp và đảm nhiệm chức năng vận chuyển xuyên suốt trong tuyến đường sắt  hành trình Bắc Nam.

Sự hài hòa về mặt không gian, khoáng đạt độc đáo của cảnh quan thiết kế, nhà ga Nha Trang từng được coi là nhà ga đẹp thứ nhì Đông Dương, sau nhà ga Đà Lạt nay chỉ còn phục vụ khách du lịch với quãng đường ngắn lên trại Mát.

Nhà Ga Nha Trang tọa lạc tại phường Phước Tân, Thành phố Nha Trang. Công trình nhà ga bao gồm ga kỹ thuật hỗn hợp khách, ga hàng, với thiết kế đường vòng bóng đèn – tàu vào, ra cùng một lối sau khi đi vòng theo hình bóng đèn. Đây là kiểu thiết kế nhà ga duy nhất trên cả nước. Bình quân mỗi ngày có 34 chuyến tàu ra vào ga Nha Trang, trong đó hơn một nửa là tàu khách. Dịp lễ, Tết có 46 đến 50 chuyến tàu qua ga mỗi ngày.

Có thể nói đây là một vị trí trung tâm “lõi” trong nội đô thành phố. Số dân của phường Phước Tân lên đến 15.000 người, chủ yếu sống xung quanh đường tàu. Nguy cơ mất an toàn đường sắt vì thế rất lớn. Chính vì vậy, cùng với việc gia tăng dân số, thiết kế độc đáo của ga Nha Trang gây áp lực lớn cho giao thông nội đô. Tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần đề nghị được di dời công trình lịch sử này.

Ngày 12/2/2020, Sở GTVT Khánh Hòa gửi văn bản đến UBND tỉnh này báo cáo về 2 phương án đề xuất di dời Ga Nha Trang (đường Thái Nguyên, TP Nha Trang) của Công ty Tuấn Dung. Tại phương án 1, công ty này đề xuất cải tạo Ga Nha Trang thành ga hành khách, xây dựng mới cầu quay đầu máy để bỏ đường vòng.

Xây dựng Ga Vĩnh Trung mới (xã Vĩnh Trung, ngoại thành TP Nha Trang) là ga hàng hóa; xây dựng đường vòng, tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố. Quy hoạch sử dụng 36.450 m2 đất khu vực Ga Nha Trang trở thành chung cư 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Phương án 2, công ty đề xuất cải tạo Ga Nha Trang hiện hữu thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ Ga Nha Trang và khu vực bên trong đường vòng hình bóng đèn hiện tại, tuyến đường sắt chính đi thẳng ra Ga Vĩnh Trung. Phương án này sẽ quy hoạch sử dụng đất khu vực Ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.287 m2, bố trí gồm: bảo tàng ga, chung cư 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ…

Thông báo kết luận ngày 23/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Báo cáo của Công ty Tuấn Dung và các đơn vị tư vấn tại cuộc họp mới chỉ là phương án đề xuất ban đầu, chưa phải là hồ sơ đề xuất thực hiện dự án chính thức theo quy định.

Báo cáo nhấn mạnh đến Công trình kiến trúc Ga Nha Trang thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh, do đó phải được giữ nguyên trạng để tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan gắn kết với Công viên Võ Văn Ký phục vụ công cộng. UBND tỉnh sẽ có ý kiến chính thức về lựa chọn phương án đầu tư sau khi Bộ GTVT xem xét hồ sơ đề xuất thực hiện dự án và có đề nghị làm việc với tỉnh Khánh Hòa.

Như vậy, trong tương lai hướng tới 100 năm, nhà ga lịch sử này sẽ vẫn tồn tại như chứng nhân lịch sử của thành phố nói riêng và của ngành đường sắt Việt Nam nói chung.

Nguồn: http://danviet.vn/so-phan-nao-cho-nha-ga-xe-lua-nha-trang-trong-tuong-lai-50202030614511809.htmNguồn: http://danviet.vn/so-phan-nao-cho-nha-ga-xe-lua-nha-trang-trong-tuong-lai-50202030614511809.htm

Nguồn: 24H.COM.VN

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn