Tính mạng của đấu sĩ phụ thuộc nhiều vào quyết định của đám đông trên khán đài, nếu họ quay ngón tay xuống đất đồng nghĩa với việc phải chết.
Khi ghé thăm Đấu trường La mã (Colosseum), điểm tham quan nổi tiếng hàng đầu ở Rome, Italy, du khách thường tò mò về một trận chiến đấu thực sự trong quá khứ của các võ sĩ giác đấu. Rất nhiều câu hỏi được khách tham quan đặt ra như: đấu sĩ đã chiến đấu thực thế nào? Liệu có phải chỉ cần thắng là có thể tự do hay nếu thua, họ sẽ chết?
Một võ sĩ giác đấu khi chiến thắng trong trận chiến sinh tử sẽ nhận được vinh quang, sự tán thưởng và tự do (nếu trước đó họ là nô lệ, tù binh). Ảnh: Hollywoodreporter. |
Trang Thoughtco đã giải thích phần lớn thắc mắc của du khách ngày nay đối với một trong những trò giải trí nổi tiếng nhưng cũng tàn bạo nhất thời cổ đại.
Võ sĩ giác đấu là ai?
Võ sĩ giác đấu (đấu sĩ), tiếng La tinh là gladiator, đều là những chiến binh được đào tạo để mua vui cho tầng lớp quý tộc La Mã cổ đại. Họ được trang bị đầy đủ vũ khí và tham gia vào các cuộc chiến đấu sinh tử với các đấu sĩ khác hay dã thú.
Đấu sĩ phần lớn là đàn ông, nhưng cũng có thể là phụ nữ. Họ thường là những kẻ phạm tội, bị kết án hay tù binh. Số còn lại là những kẻ nghèo khó, thèm khát danh tiếng và của cải. Tuy nhiên, cũng có một số đấu sĩ xuất thân từ tầng lớp cao quý. Một số võ sĩ giác đấu nổi tiếng nhất trong lịch sử là hoàng đế La Mã Commodus, Mark Anthony (người tình của nữ hoàng Cleopatra). Vào cuối thời kỳ La Mã, một nửa số đấu sĩ là những người tình nguyện.
Những võ sĩ chiến thắng sẽ được trả tự do. Ngoài ra, họ cũng sẽ nhận được tiền thưởng từ hàng nghìn khán giả trên khán đài. Các đấu sĩ tay nghề cao được phép có gia đình và sống cuộc đời giàu có nhờ số tiền kiếm được từ việc bán mạng trong các trận đấu.
Đối thủ của các võ sĩ giác đấu có thể là các con mãnh thú. Nếu những con vật này thua, chúng sẽ bị banh xác ngay trên võ đài. Ảnh: Hollywoodreporter. |
Những người chiến thắng trong nhiều trận đấu sẽ được tặng một thanh kiếm gỗ. Với biểu tượng này, họ có thể giải nghệ và trở thành người đào tạo những kẻ muốn trở thành võ sĩ.
Kết quả một cuộc khảo cổ học ở nghĩa trang đấu sĩ La mã tại Ephesus, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra, tuổi thọ trung bình của một đấu sĩ là 25. Tuy nhiên, họ có sức khỏe tốt, được chữa trị y tế chu đáo. Bằng chứng là những vết gãy xương của họ đều được chữa lành hoàn toàn.
‘Morituri Te Salutant’ – Những kẻ sắp chết kính chào Người
Cái chết là kết quả không thể tránh khỏi trong các trận chiến. Câu nói nổi tiếng nhất khi miêu tả về tình huống này là “Morituri te salutant” (Những kẻ sắp chết kính chào Người). Nguồn gốc câu nói này là từ các binh lính hải quân chào hoàng đế Claudius trước mỗi trận chiến.
Danh dự rất quan trọng đối với các đấu sĩ. Khán giả mong đợi người thua sẽ dũng cảm cho đến phút cuối cùng. Cách chết được kính trọng nhất là đấu sĩ thua cuộc ôm lấy đùi người chiến thắng. Người này sẽ giữ đầu kẻ thua và đâm một thanh kiếm vào cổ anh ta.
Để đảm bảo không có chuyện giả chết xảy ra, một người sẽ tiến vào, dùng thanh sắt nóng dí vào người thua cuộc. Tiếp đến, một người khác sẽ đến và dùng vồ đánh vào người này.
Tuy nhiên, không phải cứ đấu sĩ nào thua trong trận đấu cũng sẽ phải chết. Người chiến thắng sẽ chĩa vũ khí vào cổ họng đối phương đang nằm dưới đất và chờ đợi sự phán quyết từ khán giả.
Ban đầu, quyết định kẻ đó phải chết hay được sống, phụ thuộc vào người quyền uy cao nhất có mặt tại trận đấu đó, thường là hoàng đế hay các nhân vật quyền lực. Tuy nhiên, sau này để trò chơi thu hút được đông đảo công chúng, quy định được nới rộng và phải quan tâm tới mong muốn của đám đông.
Ví dụ khi khán giả yêu cầu các võ sĩ giác đấu dừng lại, người điều khiển trận đấu sẽ quyết định nên chiều theo ý khán giả, hay vẫn để họ phân thắng – bại, nếu trước đó người này không đưa ra quy tắc cho trận chiến.
Một trong hai đấu sĩ nếu bị mất vũ khí trong trận đấu, họ có thể quỳ xuống và giơ ngón trỏ lên trên. Đây là dấu hiệu của việc cầu xin sự thương xót.
Khán giả, cũng sẽ dùng ngón tay để đáp lại lời cầu xin đó. Nếu họ không đồng ý, ngón tay cái sẽ được đưa lên hoặc quay xuống, hoặc quay ngón trỏ hướng về phía tim. Nếu họ đồng ý tha mạng cho kẻ thua cuộc, họ sẽ chạm ngón trỏ và ngón cái lại với nhau.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tài liệu khác, việc quay ngón cái lên trên là thể hiện sự tha mạng. Còn quay xuống dưới mới thể hiện hành động: giết.
Ngoài ra, khán giả cũng có thể vẫy khăn – một hành động bày tỏ sự thương xót, muốn tha mạng cho đấu sĩ. Người điều khiển trận đấu sẽ dựa vào thái độ của đám đông mà quyết định số phận từng người.
Đấu trường La Mã (Colosseum) là một đấu trường lớn ở thành phố Rome, Italy. Lúc mới xây dựng, nó có sức chứa 50.000 khán giả. Sau nhiều thế kỷ được dùng với mục đích là đấu trường, nơi này cũng được trưng dụng làm nhà ở, cửa hàng, nhà thờ, pháp trường…
Ngày nay, di tích nổi tiếng này đã xuống cấp, một phần do thời gian, một phần do động đất và nạn cướp đá. Đây là điểm tham quan hấp dẫn của Rome. Hàng năm vào thứ sáu Tuần Thánh, giáo hoàng vẫn chủ sự nghi lễ Đàng Thánh Giá tại đây.
Nếu bạn muốn đi theo tour, giá tour gồm hướng dẫn viên và kéo dài 1 tiếng tại đấu trường La Mã có giá từ 30 euro. Giá vé vào cửa (khách không cần xếp hàng mua vé) là 16 euro, theo Fastpasstours.
Anh Minh
Mời độc giả theo dõi loạt bài về Du lịch châu Âu trên mục Cẩm nang do VnExpress và Tugo phối hợp thực hiện.
Công ty du lịch Tugo được thành lập từ năm 2015, chuyên tổ chức tour du lịch hướng đến các thị trường cao cấp như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Australia, Pháp, Mỹ, châu Âu.
Nguồn: Vnexpress.net