Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở đã phân bổ 100.000 liều vaccine cho các bệnh viện có khoa sản trên địa bàn để tiêm cho nhóm phụ nữ mang thai.
Tại buổi họp báo chiều 22/9, Zing đặt vấn đề về việc một số doanh nghiệp quản lý shipper phản ánh gặp khó khăn trong việc tự tổ chức xét nghiệm cho các shipper thay vì xét nghiệm tại trạm y tế như trước đây.
Doanh nghiệp quản lý shipper gặp khó trong tự xét nghiệm, Sở Công Thương nói gì?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết ngày 21/9, Sở Công Thương và Sở Y tế đã hướng dẫn cho 34 doanh nghiệp giao hàng công nghệ từ 14h đến 16h30 do bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) hướng dẫn. Cùng ngày, từ 19h đến 20h30, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) cùng FPT đã hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật dữ liệu lên phần mềm. Hôm nay, doanh nghiệp làm quen với việc sử dụng tài khoản, cập nhật thông tin trên phần mềm.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Chiều 22/9, Sở Công Thương đã nhận 63.000 kit test từ HCDC. Sáng 23/9, Sở sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp và 26/9 sẽ tổ chức xét nghiệm.
Theo ông Phương, vừa qua, số shipper đăng ký hoạt động tăng dẫn tới một số địa điểm xét nghiệm bị quá tải do cách thức phân bổ lượng xét nghiệm theo địa bàn. Một số địa bàn lượng shipper đông nên dẫn đến tập trung đông nhưng vẫn đảm bảo xếp hàng trật tự, không có tình trạng chen chúc.
Trước tình hình đó, các sở, ngành cũng đã tham mưu với lãnh đạo TP. Doanh nghiệp shipper cũng đề xuất và họ đã liên hệ một số bệnh viện để xét nghiệm riêng cho doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, sở đề xuất cho doanh nghiệp tự dùng kit để xét nghiệm trên cơ sở thành phố hỗ trợ công cụ.
Về một số khó khăn của doanh nghiệp, ông Phương cho biết ngày 23/9, khi thực hiện thực tế, sở có thể có đánh giá chính thức. Tuy nhiên, việc để doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm là xu hướng bắt buộc phải thực hiện khi tới đây từng bước mở cửa nền kinh tế. Việc này vừa nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo an toàn. Còn việc tổ chức xét nghiệm thông qua đơn vị y tế rất khó khăn và không đảm bảo an toàn theo yêu cầu.
Ông Phương nhận định cách làm mới này phát huy được tính chủ động của doanh nghiệp, phù hợp điều kiện thực tế của doanh nghiệp. “Nếu trong quá trình triển khai phát sinh khó khăn thì các đơn vị báo cáo để sở hỗ trợ. Còn không thể vì 1-2 ý kiến mà thay đổi chủ trương”, đại diện Sở Công Thương nói.
Công an TP.HCM chỉ đạo bố trí trạm kiểm soát ở phường, xã
Liên quan kế hoạch kiểm soát người lưu thông trong thời gian tiếp tới, tại buổi họp báo, thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP đã chỉ đạo công an quận, huyện chủ động bố trí các chốt trạm kiểm soát tại từng địa bàn, trên cơ sở kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo hoạt động của các nhóm được phép ra đường và các công tác phòng, chống dịch.
Theo thượng tá Tuyến, Công an TP chỉ đạo, quán triệt đến công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế ra đường. Bên cạnh việc kiểm soát tại cơ sở, Công an TP cũng chỉ đạo công an các địa phương tổ chức các tổ kiểm soát lưu động, xử lý người vi phạm, ra đường không có lý do chính đáng, tập trung đông người.
Công an TP.HCM cũng khuyến cáo người dân trong bối cảnh dịch vẫn còn phức tạp nên hạn chế ra đường khi không cần thiết, đồng thời chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch.
Phân bổ 100.000 liều vaccine để tiêm cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần
Chiều 22/9, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin về số lượng giường hồi sức cấp cứu (ICU) của TP.HCM. Bà Mai cho biết hiện thành phố có 90 cơ sở thu dung của 3 tầng điều trị. Tầng 1 có 12 cơ sở cách ly; tầng 2 có 68 bệnh viện thu dung, điều trị dã chiến và bệnh viện hạng 2, hạng 3 và hạng 1 (bệnh viện tách đôi); tầng 3 có 10 cơ sở điều trị – 5 bệnh viện hạng nhất (bệnh viện Trung ương tại TP.HCM) và trung tâm hồi sức cấp cứu Covid-19 do Bộ Y tế hỗ trợ thiết lập.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Hiện, theo thống kê, tại tầng 3 có 3.286 giường hồi sức, đảm bảo các thiết bị hiện đại để cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân, đầy đủ thiết bị hiện đại, gắn oxy. “Với số giường này có thể đủ sức cấp cứu, cứu chữa kịp thời cho bệnh nhận nặng trên địa bàn. Sau khi bệnh nhân tầng 3 có thể điều trị xuất viện hoặc nhẹ hơn thì sẽ chuyển xuống tầng 2 hoặc tầng 1. Qua kiểm tra, các bệnh viện làm việc rất nhuần nhuyễn, kịp thời để cứu sống các bệnh nhân”, bà Mai nói.
Bên cạnh đó, Chánh văn phòng Sở Y tế thông tin thêm về việc tiêm vaccine cho phụ nữ có thai. Trước đây, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng thận trọng khi tiếp ngừa. Do đó, trong đợt tiêm thứ 3 và thứ 4, nhóm phụ nữ mang thai chưa được tiêm bởi đây là đối tượng cần phải kiểm soát chặt chẽ theo Bộ Y tế hướng dẫn.
Ngày 21/9, Bộ Y tế có văn bản mới cho phép phụ nữ có thai hơn 13 tuần có thể chích ngừa. Đến nay, Sở Y tế đã phân bổ 100.000 liều vaccine cho các bệnh viện có khoa sản trên địa bàn để tiêm cho nhóm này.
Hơn 2.700 bệnh nhân xuất viện
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, trong ngày 21/9, TP.HCM có 3.435 bệnh nhân nhập viện và 2.726 bệnh nhân xuất viện, 181 trường hợp tử vong.
Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến ngày 21/9 là 8.927.763. Như vậy, trong ngày 21/9, TP.HCM chỉ tiêm 51.300 mũi vaccine. Con số này thấp hơn nhiều so với công suất tiêm đối đa của thành phố là 300.000 mũi vaccine một ngày.
Trong đó, tổng số mũi 1 là 6.781.748, mũi 2 là 2.146.015, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.041.621.
Từ 18h ngày 20/9 đến 18h ngày 21/9, ngành y tế đã lấy 516.716 mẫu, trong đó có 6.108 mẫu đơn và 8.669 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 446.371 mẫu.
Tổng nhu cầu đi chợ hộ trong ngày 21/9 là 49.381 hộ, giảm 2,35% (tương đương 1.186 hộ) so với ngày hôm trước.
Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Từ 0h ngày 16/9, TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến hết 30/9, nới lỏng một số hoạt động.
Shipper được chạy liên quận/huyện/TP từ 6h đến 21h hàng ngày. Bên cạnh đó, lực lượng giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng được hoạt động nội quận/huyện/TP.
TP.HCM tiếp tục mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần.
Riêng các địa bàn đã kiểm soát được dịch gồm quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên các quận, huyện này và khu công nghệ cao sẽ được thí điểm cơ chế riêng. Người dân khu vực này được đi chợ một lần/tuần. UBND các địa phương này quyết định bổ sung thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động.
Nguồn: News.zing.vn