Solon – nhà lập pháp của Athens (phần 1)

0
290

Khác với Sparta, Athens là một trung tâm thương mại giàu có. Bản hiến pháp do Solon (638-558 TCN) soạn thảo đã làm dịu đi xung đột giữa người giàu và người nghèo, đồng thời tạo điều kiện cho những thể chế dân chủ phát triển.

Nhà thông thái Solon.

Nhà thông thái Solon.

Solon sinh ra trong một gia đình giàu có ở Athens. Là một nhà buôn, nhưng Solon tự cho mình là người khá nghèo và không tôn sùng tiền bạc. Hy Lạp cổ đại có bảy nhà thông thái rất nổi tiếng và Solon là một trong số này. Anacharsis, một trong bảy nhà thông thái đó, tới Athens để gặp Solon. Tận mắt chứng kiến sự hoạt động của nền dân chủ Athens, Anacharsis bình luận: “Thật kỳ lạ. Ở Athens, người khôn ngoan là người đề đạt ý kiến, còn những kẻ dốt nát lại nắm quyền quyết định”.

Solon rất ngưỡng mộ trí tuệ của nhà hiền triết này nên ông lưu Anacharsis lại làm tân khách trong một thời gian dài. Solon cho Anacharsis xem một số bộ luật ông đang soạn thảo. Anacharsis cười nhạo sự mơ tưởng hão huyền của ông rằng, những bộ luật đó có thể kiểm soát được tính trí trá và lòng tham của người Athens, rằng những bộ luật đó như mạng nhện vậy, chỉ bắt được người nghèo hèn chứ những kẻ giàu sẽ phá rách và lọt qua.

Khi đến thăm một nhà hiền triết khác là Thales của vùng Miletus, Solon hỏi tại sao Thales không lấy vợ và sinh con. Thales không trả lời ngay mà tìm một người đóng kịch. Vài ngày sau, người này vờ như mới từ Athens đến. Solon hỏi thăm những tin tức mới nhất. Theo hướng dẫn của Thales, người đó kể rằng, không có gì quan trọng ngoại trừ đám tang của một thanh niên nào đó chết khi người cha danh tiếng của anh ta vắng nhà. Solon nói: “Thật tội nghiệp, nhưng anh ta tên là gì vậy”. Các câu hỏi và câu trả lời càng làm Solon lo lắng hơn. Cuối cùng, ông nhắc đến tên mình. Người đóng kịch nói: “Chính là người đó”. Solon vô cùng đau buồn trong khi Thales thản nhiên đứng nhìn. Một lúc sau, Thales nói với Solon: “Ông hỏi tại sao tôi không lấy vợ và sinh con. Bây giờ ông biết lý do rồi đó. Mất mát đó quá lớn và không thể chịu đựng nổi dù can đảm đến mấy. Nhưng ông đừng lo, những điều đó chẳng có ý nghĩa gì với những lời nói dối”.

Suốt một thời gian dài, người Athens và người Megara tranh nhau đảo Salamis. Người Athens mệt mỏi vì cuộc chiến tranh này nên đã tuyên bố xử tử bất cứ ai đòi chiếm Salamis. Solon biết rằng hầu hết các chàng trai đều muốn tiếp tục cuộc chiến cho đến khi giành được hòn đảo này nhưng không dám nói ra. Vì vậy, Solon vờ phát điên. Tin đồn lan truyền rằng Solon đã sáng tác vài bài thơ điên rồ và ông đã hoàn toàn mất trí. Một ngày kia, ông xuất hiện giữa chợ và đứng lên phát biểu. Mọi người tập trung lắng nghe người điên này. Vẫn vờ vĩnh thể hiện những hành động mất trí, Solon hát một bài dài hàng trăm câu về hòn đảo Salamis. Bài thơ hay đến mức dân chúng hết thảy đều tha thứ cho ông tội vi phạm quy định. Chẳng bao lâu sau, quy định này được huỷ bỏ và người Athens lại tiếp tục cuộc chiến tranh với một sức mạnh lớn hơn bao giờ hết. Solon, tất nhiên lúc này đã bình phục, được chọn làm người chỉ huy cuộc tấn công.

Lúc đó, đảo Salamis đang bị người Megara chiếm giữ. Solon sai một tên gián điệp đến dụ dỗ người Megara rằng họ có thể bắt cóc được những người phụ nữ giàu có nhất Athens đang tham gia một lễ hội tại đền thờ nữ thần Venus. Lễ hội là có thực nhưng người Megara không biết đó là mưu kế của Solon. Khi những cánh buồm xuất hiện từ đảo Salamis, Solon thay những người phụ nữ bằng những người đàn ông cạo sạch râu và mặc đồ phụ nữ. Từ xa, người Megara không thể biết được sự giả mạo đó. Họ tiến vào bờ, thả neo và nhảy xuống nước, muốn mau chóng bắt được những người này. Họ bị bắt và bị giết. Sau đó, người Athens tiến sang Salamis trên chính những chiếc thuyền của người Megara rồi bất ngờ chiếm lấy hòn đảo.

Vào thời gian này, ở Athens có ba phe phái, dân sống ở đồi núi ủng hộ chế độ dân chủ, dân sống ở miền đồng bằng ủng hộ chế độ thiểu số quý tộc lãnh đạo, còn dân sống ven biển ủng hộ một chính quyền kết hợp và không cho hai phe phái kia giành quyền lực. Rối loạn trong chính quyền đã lên đến đỉnh điểm, tới mức cách duy nhất để thiết lập chính phủ là phải dựng lên một bạo chúa với mọi quyền lực tối cao.

Theo luật Athens lúc đó, nếu con nợ không thể trả được nợ, các chủ nợ có quyền bắt họ và gia đình, đem bán làm nô lệ để lấy tiền. Sự độc ác và ngạo mạn của bọn nhà giàu làm cho người nghèo tụ tập thành các nhóm tự bảo vệ mình và cứu những người bị bán làm nô lệ vì trò cho vay nặng lãi. Những công dân ưu tú nhất thành phố coi Solon là người công bằng đối với cả kẻ giàu người nghèo nên họ muốn ông trở thành người lãnh đạo. Người giàu đồng ý vì Solon cũng là người giàu, còn người nghèo tán thành ông là người trung thực.

Nhiệm vụ của Solon rất khó khăn và nguy hiểm vì lòng tham của người nghèo và sự kiêu ngạo của người giàu. Để xoa dịu cả hai phe, Solon nói: “Sự công bằng sẽ không gây ra xung đột”. Đối với người nghèo, “sự công bằng” nghĩa là của cải được chia đều. Còn với người giàu, “sự công bằng” có nghĩa là họ được sở hữu mọi tài sản của họ.

Bởi vậy, cả người giàu lẫn người nghèo đều tin rằng, Solon đứng về phía mình. Nhưng rồi người nghèo sớm căm ghét ông vì mãi không thấy ông dùng quyền lực tịch thu tài sản của người giàu. Bạn bè của Solon khuyên ông chớ ngờ nghệch nếu bỏ lỡ cơ hội được trở nên giàu có mà số phận đem lại. Họ nói rằng, giờ đây đã có quyền lực trong tay, Solon nên tự biến mình thành một nhà độc tài. Là một người khôn ngoan, Solon trả lời rằng, nền chuyên chế đó thực ra là đỉnh cao của thịnh vượng nhưng không có cách nào bước xuống được.

Cũng như Lycurgus, Solon không thể thay đổi chính quyền từ trên xuống, nên ông chỉ có thể cải cách được những gì có thể làm được mà không cần thực hiện một cuộc cách mạng triệt để. Ông chỉ cố gắng làm những điều mà ông có thể thuyết phục người Athens chấp nhận với một chút cưỡng ép. Solon thường sử dụng lối nói uyển ngữ, như gọi các khoản thuế là “sự đóng góp”. Kết hợp khôn ngoan giữa ngọt ngào và nghiêm khắc, công bằng và vũ lực, Solon đã đạt được một số thành công nhất định. Sau này, khi được hỏi liệu ông đã ban hành được những bộ luật tốt nhất cho Athens chưa, Solon trả lời: “Bộ luật tốt nhất là bộ luật dân chúng sẵn sàng đón nhận”.

Cải cách đầu tiên của Solon là cấm cầm cố tài sản, thậm chí dù con nợ có đồng ý thì chủ nợ cũng không được bắt họ và gia đình làm nô lệ. Những người bị bán làm nô lệ và những nô lệ bị bán cho người ngoại quốc khi trở lại Athens đều được trả tự do. Solon cũng ra lệnh xoá bỏ những món nợ quá lớn, từ đó xoá bỏ mọi hoạt động cầm cố đất đai.

Song những người bạn lại rất thất vọng về Solon. Trước khi công bố đạo luật xoá bỏ mọi việc cầm cố, Solon đã nói điều này với một vài người bạn tin cẩn nhất. Ngay lập tức, họ đã vay mượn tiền để mua ruộng đất rồi dùng những mảnh đất này để thế chấp cho các khoản vay nợ. Khi bộ luật xoá bỏ mọi khoản nợ được công bố, những người này hiển nhiên giành được những mảnh đất đó mà không mất một xu. Dân chúng nghi ngờ Solon. Nhưng khi mọi người biết chính ông cũng mất 15 talent (đơn vị đo tiền tệ và ruộng đất của người Hy Lạp cổ đại) vì quy định này thì ông vẫn được mọi người kính trọng.

Cả người giàu và người nghèo đều không nhận được mọi thứ họ muốn khi Solon tiến hành cải cách. Của cải không được phân phối lại triệt để như người nghèo khó đòi hỏi, còn người giàu cũng tức giận vì mất đi những tài sản họ từng sở hữu trước đây. Cả người giàu và người nghèo bây giờ đều căm ghét Solon vì ông không làm được điều họ ao ước. Ngay cả những người bạn thân thiết trước đây bây giờ cũng nhìn Solon với bộ mặt hung hăng và coi ông như kẻ thù. Nhưng thời gian qua đi, khi các thành công đạt được thì họ cũng tha thứ cho điều đó. Khi thấy việc xoá bỏ những món nợ mang lại những lợi ích tốt đẹp, người Athens liền cử Solon lãnh đạo việc cải cách pháp luật của thành bang.

Solon liền huỷ bỏ luật pháp của Dracon vì luật pháp này quá độc ác, áp dụng án hình cho cả những tội nhỏ nhất. Người ta nói rằng, luật Dracon (ban hành năm 621 TCN) được viết bằng máu chứ không phải bằng mực. Khi có người hỏi tại sao lại ban hành những đạo luật hà khắc như vậy, Dracon trả lời: “Chúng ta cần án tử hình để ngăn chặn những tội ác nhỏ, còn những tội lớn thì ta chưa nghĩ ra được hình phạt nào nặng hơn thế”. Còn Solon chỉ dành án tử hình cho tội giết người.

a

Solon cũng ban hành một đạo luật quy định rằng, nếu một cuộc cách mạng nổ ra, ai từ chối tham gia một trong hai bên thì sẽ mất mọi quyền công dân. Với quy định này, ông đảm bảo rằng người tốt sẽ ngăn chặn được kẻ xấu bằng cách thể hiện mong muốn tự cứu mình chứ không chờ cho đến khi họ thấy bên nào giành chiến thắng.

Khi người ta hỏi khi nào ông mới coi thành Athens là thịnh vượng, Solon trả lời: “Đó là khi những người không bị hại cũng đấu tranh như những người bị hại và tố cáo tội ác một cách trung thực như thể điều xấu đó xảy ra với chính họ”. Vì lý do này, ông cho phép bất kỳ ai cũng được khiếu kiện thay cho những người nghèo bị hại.

Solon cho phép người giàu tiếp tục giữ các chức vụ trong chính quyền, nhưng ông cũng muốn người nghèo tham gia việc điều hành đất nước. Bởi vậy, ông chia dân chúng thành các đẳng cấp khác nhau căn cứ theo thu nhập của họ. Lớp thấp nhất là thetes gồm những người bần nông, tá điền và không được nhận bất kỳ chức vụ nào. Tuy nhiên, đẳng cấp thetes được phép tham dự Đại hội dân chúng và được quyền xử kiện. Do luật pháp của Solon cố tình mập mờ nên toà án có nhiều quyền lực trong việc diễn giải. Điều tưởng chừng chỉ là sự nhượng bộ ít ỏi cho người nghèo này lại trở thành một đặc ân quan trọng.

Solon cũng lập ra một toà án tối cao với thành viên là những quan chấp chính (archons) của Athens đã hết nhiệm kỳ. Ông thấy rằng, sau khi xoá bỏ mọi khoản nợ, dân chúng trở nên ngang bướng và kiêu ngạo. Do vậy, Solon lập ra một cơ quan quyền lực mới là Hội đồng Bốn trăm. Mỗi bộ lạc trong bốn bộ lạc của Athens có quyền cử ra 100 đại biểu tham gia hội đồng này. Đây là một hội đồng lập pháp bổ sung quyền lực chỉ giới hạn trong việc tranh luận các vấn đề trước khi đưa ra để dân chúng bỏ phiếu quyết định. Không việc gì được đưa ra bỏ phiếu nếu chưa được Hội đồng Bốn trăm xem xét và thảo luận. Với việc toà án tối cao và Hội đồng Bốn trăm hoạt động như một chiếc mỏ neo, sự náo loạn của dân chúng được kiềm chế trong những giới hạn an toàn.

Solon cũng tuyên bố kết án tội phỉ báng. Những lời công kích cá nhân bị ngăn cấm trong những cuộc họp của hội đồng thành phố và tại một số lễ hội. Solon biết rằng, sự thù oán là bản chất của con người, nhưng ông quy định tại những nơi đó coi thể hiện bản chất này là phạm pháp. Còn loại bỏ triệt để thói xấu này là điều không thể đạt được.

Trừng phạt vừa phải một vài người để làm gương còn có ích hơn việc trừng phạt quá nghiêm khắc nhiều người mà chẳng vì mục đích gì. Người làm luật phải biết cách hạn chế pháp luật của mình theo những giới hạn về bản chất của con người chứ đừng cố gắng ban hành một pháp luật hoàn hảo.

Còn tiếp

(Theo sách Những anh hùng Hy Lạp cổ đại)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn