Solon – Nhà lập pháp của Athens (phần cuối)

0
227

Nhà thông thái này cho rằng, chỉ nên đánh giá con người sau khi cuộc đời kết thúc, chứ đừng khoác lác với những ảo tưởng giàu sang vì không ai được coi là hạnh phúc cho tới khi được chết bình yên.

Tượng nhà thông thái Solon.

Tượng nhà thông thái Solon.

Nhiều người đến Athens tìm cuộc sống mới vì họ không chịu nổi cuộc đời khổ cực trên mảnh đất cằn cỗi Attica (vùng đất đồi núi ở phía Nam bán đảo Hy Lạp). Nhưng nếu không có hàng hoá để bán thì người dân Athens không thể tự nuôi sống bản thân mình. Vì vậy, những người thợ thủ công rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của thành phố. Solon ban hành một đạo luật quy định rằng, người con trai không được bỏ nghề của cha trừ khi cha dạy con học nghề khác. Ông cũng quy định hằng năm, mọi người đều phải báo cáo xem họ kiếm sống như thế nào. Bất cứ ai vô công rồi nghề đều bị trừng phạt.

Những đạo luật do Solon công bố đều được viết trên những tấm bảng lớn. Mọi công dân hàng đầu của đất nước phải công khai thề nguyền trung thành với các đạo luật này. Nhưng đến lúc này, suốt ngày Solon bị dân chúng bao vây đòi giải thích một điều khoản nào đó, hoặc than phiền quy định gây hại cho họ. Solon quyết định rời khỏi Athens một thời gian để không bị quấy rầy và để dân chúng quen với việc chấp hành luật. Ông vượt biển sang Ai Cập năm 590 TCN.

Những thầy tế của Ai Cập kể cho Solon câu chuyện cổ về lục địa Atlantic từng biến mất. Solon dịch câu chuyện này thành bài thơ tiếng Hy Lạp, nghĩ rằng câu chuyện này rất hữu ích với người dân quê ông.

Vua Croesus vùng Sardis, người giàu nhất thế giới khi đó, mời Solon đến thăm lâu đài của mình. Khi Solon đến, trên bậc thềm vào lâu đài, ông nhìn thấy một người đàn ông ăn mặc vô cùng sang trọng và được một đoàn nô lệ và chiến binh hộ tống. Ông tưởng đó là Croesus nhưng thực ra chỉ là một viên quan nhỏ trong triều. Khi đi qua lâu đài, Solon nhìn thấy nhiều viên quan khác cũng ăn mặc sang trọng như vậy. Cuối cùng, Solon được đưa vào phòng của nhà vua. Tại đó, Croesus ăn mặc những bộ quần áo xa hoa, lộng lẫy nhất và đeo trang sức vô cùng quý giá.

Cảnh nguy nga, lộng lẫy này từng làm nhiều người sợ hãi nhưng không làm Solon loá mắt. Vua Croesus ra lệnh mở mọi kho báu cho Solon biết nhà vua có nhiều lụa là, châu báu đến thế nào. Solon lịch sự xem mọi thứ rồi quay lại gặp nhà vua. Croesus nói: “Solon, ngươi đã bao giờ nhìn thấy người nào giàu có hơn Croesus chưa?”.

Solon trả lời: “Có, thưa ngài. Tôi đã thấy. Đó là Tellus, công dân của Athens. Ông là người trung thực và tốt bụng nhất, người đã để lại những đứa con được chăm sóc và giáo dục chu đáo với một bản di chúc cao thượng. Ông đã sống để nhìn thấy đứa cháu nội của mình rồi chết vinh quang trong cuộc đấu tranh cho tổ quốc”.

Câu trả lời này làm Croesus tức giận. Nhưng Solon xoa dịu nhà vua: “Thưa nhà vua vĩ đại xứ Lydia, những vị thần chỉ ban cho người Hy Lạp chúng tôi vài ân huệ nhỏ bé. Sự khôn ngoan của chúng tôi chẳng đáng kể gì so với với một người vĩ đại như ngài. Chúng tôi coi cuộc đời con người có quá nhiều thay đổi, với nhiều tai hoạ bất ngờ có thể xảy ra. Vì vậy, chúng tôi không thể coi bất kỳ ai là thành công khi chưa thấy ông ta chết một cách thanh thản và hạnh phúc. Mọi tài sản của ông ta không bị đụng đến. Mặt khác, chúng tôi buộc phải nói người này là thành công trong khi nhiều điều vẫn có thể xảy ra thì chẳng khác gì những chiến binh ăn mừng chiến thắng trước khi trận đánh kết thúc”. Solon đã cứu được tính mạng mình nhờ chính lời nói đó.

Tình cờ Solon gặp Aesop, tác giả của những câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng, người cũng từng được mời tới lâu đài của Croesus. Aesop nói: “Ta không nên gặp những kẻ kiêu ngạo. Nhưng nếu gặp, ta phải cố làm chúng vui lòng”. Nhưng Solon đáp: “Ta không nên gặp những kẻ kiêu ngạo. Nhưng nếu gặp, ta phải nói cho chúng nghe sự thật”.

Về sau, vua Croesus bị vua Cyrus của Ba Tư đánh bại. Croesus mất vương quốc, bị bắt làm tù binh rồi bị trói vào cọc chuẩn bị đem thiêu sống. Khi đó, Croesus gọi tên Solon ba lần. Vua Cyrus rất ngạc nhiên nên yêu cầu ngừng thiêu và hỏi Croesus rằng, Solon là người hay thần. Croesus trả lời: “Ông ta là một trong những người khôn ngoan nhất Hy Lạp, người từng được tôi mời tới lâu đài, không phải vì tôi muốn học điều gì, mà để ông ta thấy của cải khổng lồ của tôi. Solon nhận ra sự giàu có ngu dốt và biết trước nỗi bất hạnh này của tôi. Ông ta đã cảnh báo rằng, chỉ nên đánh giá con người sau khi cuộc đời kết thúc, chứ đừng khoác lác với những ảo tưởng giàu sang vì không ai được coi là hạnh phúc cho tới khi được chết bình yên”. Cyrus thấy chuyện này thể hiện trí tuệ của Solon nên tha cho Croesus và giữ lại làm cố vấn. Như thế, lời nói của Solon đã cứu được một vị vua và dạy bảo một vị vua khác.

Khi Solon đi vắng, ba phe phái (Núi Đồi, Đồng Bằng, Bờ Biển) bắt đầu xung đột. Mặc dầu họ tuân theo luật pháp của Solon nhưng mỗi phe lại mưu cầu lợi ích riêng. Khi trở về Athens, Solon đã quá già để giữ một chức vụ quan trọng, nhưng ông gặp riêng các nhà lãnh đạo và cố gắng hoà giải những thù oán bè phái.

Pisistratus, lãnh tụ của người nghèo, cầm đầu phe Núi Đồi, được hầu hết mọi người ủng hộ. Pisistratus nói năng rất khôn khéo và đầy mưu mô. Ông ta lừa dối người nghèo và cả Solon già nua. Thậm chí, Solon từng nói rằng, ông sẽ phát hiện ra ngay nếu trong đầu Pisistratus xuất hiện một chút tham vọng và không có người công dân nào tốt hơn ông ta.

Một ngày nọ, Pisistratus dính đầy máu chạy tới quảng trường trong bộ dạng vô cùng thảm hại. Ông ta nói với dân chúng rằng, kẻ thù của họ – người giàu – đã đánh đập ông chỉ vì ông muốn cứu giúp người nghèo. Một trong những kẻ ủng hộ ông ta đề nghị cử ngay 50 chiến binh bảo vệ con người nghĩa hiệp đã đấu tranh bảo vệ nhân dân này. Solon biết rõ mánh khoé của người đó, nhưng người nghèo kiên quyết ban thưởng cho Pisistratus, còn người giàu sợ hãi không dám chống lại.

Solon nói với người Athens rằng, về cá nhân, họ là những người khôn ngoan. Nhưng về tập thể, họ chỉ là một đám đông ngốc nghếch. Với lời từ biệt đó, Solon bỏ đi và nói rằng, ông khôn ngoan hơn một vài người và dũng cảm hơn những người khác, những kẻ hiểu rõ chuyện này mà không dám công khai chống lại tiên bạo chúa đang âm mưu giành quyền lực.

Không ai nghi ngờ Pisistratus khi hắn tập hợp hơn 50 chiến binh quanh mình. Không ai hiểu âm mưu của Pisistratus cho tới ngày hắn chiếm giữ mọi pháo đài rồi tự phong vua (năm 561 TCN). Những người giàu phải trốn khỏi Athens. Solon lúc này đã rất già và rất yếu. Dù không ai dám ủng hộ nhưng ông đi tới chợ, trách mắng người Athens quá khiếp sợ Pisistratus và băng đảng của hắn nên đang đánh mất tự do của mình. Ông nói: “Trước đây, các bạn có thể dễ dàng chặn đứng nền độc tài này. Nhưng bây giờ, các bạn cũng sẽ giành được vinh quang cao cả hơn nhiều nếu diệt trừ mọi gốc rễ của nó”.

Nhưng người Athens chẳng nghe theo nên Solon trở về nhà, viết những bài thơ cay đắng. Bạn bè khuyên ông nên rời khỏi Athens, hay ít nhất là đừng công khai chỉ trích làm Pisistratus tức giận. Họ hỏi, vì sao ông nghĩ mình an toàn để dũng cảm nói ra chuyện của tên bạo chúa. Solon trả lời: “Vì tuổi già của ta”.

Tuy nhiên, Pisistratus vẫn rất kính trọng Solon và tiếp tục nhờ ông chỉ bảo. Pisistratus giữ lại hầu hết các bộ luật của Solon, thậm chí bản thân ông ta cũng tuân theo những quy tắc này.

Phần 1

(Theo sách Những anh hùng Hy Lạp cổ đại)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn