(Dân trí) – Nằm ẩn sâu trong vùng sa mạc rộng lớn là dòng sông băng kỳ lạ. Nó được coi là một trong những bất ngờ về địa lý của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Sông băng bí ẩn kỳ lạ giữa sa mạc khô cằn
Tại dãy núi Zard-Kuh cao 4200m, nơi giáp với sườn phía tây của sa mạc trung tâm rộng lớn tại Iran, ẩn giấu một trong những bất ngờ địa lý của nước Cộng hòa Hồi giáo này: sông băng cận nhiệt đới nằm cạnh sa mạc nóng bỏng.
“Hầu hết khách nước ngoài tới Iran đều đến từ châu Âu – nơi có nhiều dãy núi cao. Bởi vậy, tôi rất khó khăn mới thuyết phục được để họ ghé thăm núi Zard-Kuh. Đến nay, tôi mới đưa được 3 đoàn khách tới đây, nhưng họ đều cho rằng đây chính là điểm nhấn của chuyến đi”, anh Farshid Zandi, nhân viên hãng lữ hành của Zandi Tours chia sẻ.
Phóng viên Lloyd Neubauer gặp Zandi ở Isfahan, nơi từng là thủ đô của Ba Tư cũ. Ban đầu, anh tới đây với mục đích muốn ngắm nhìn các thánh đường Hồi giáo, cung điện hay các khu vườn lấy cảm hứng từ thế kỷ thứ 17. Tại đây, anh rất ngạc nhiên khi hướng dẫn viên Zandi giới thiệu tới thăm núi Zard-Kuh trong lịch trình, tới tìm hiểu bộ lạc du mục Bakhtiari – những người sống gần khu vực sông băng.
Khởi hành từ 8 giờ sáng hôm sau, nửa đầu hành trình cả nhóm xuyên qua vùng sa mạc bán khô hạnbao quanh Isfahan. Tại đây, những dãy núi phủ đầy tuyết hiện lên trên nền trời và thảm cây xanh. Khi cả đoàn đi qua thành phố của Shar-e-Kord – nơi mệnh danh “Mái nhà của Iran” ở độ cao 2070m so với mực nước biển, phóng viên Lloyd thấy hàng loạt các biển in tấm chân dung đen trắng. Zandi giải thích đó là những người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh đẫm máu giữa Iran và Iraq năm 1980-1988.
Phần lớn mọi người đều không biết rằng Iran có rất nhiều tuyết và cả những đường trượt tuyết đẳng cấp thế giới. Dù nơi nhiều người trượt tuyết nhất là dãy núi Alborz nằm ở phía bắc Tehran, thì ngôi làng Chelgre lại trở thành nơi nghỉ dưỡng từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm.
Thác nước Sheikh Khan nằm sau làng Chelgre, là một trong vô số các thác nước ở gần dãy núi Zard-Kuh. Nước tại đây trong vắt đến mức có thể uống được trực tiếp. Sau khi đi một quãng ngắn khỏi thác nước, cả đoàn bắt gặp một gia đình dân du mục bộ lạc Bakhtiari đang chăn dê dọc đường.
Trước kia, người Bakhtiari vừa chăn nuôi, vừa là thợ săn bắn chó sói, cáo, chó rừng, linh cẩu và báo. Sau này, khi họ dùng các vũ khí hiện đại săn bắn, số lượng động vật hoang dã trong vùng giảm sút. Kể từ năm 1973, vùng này trở thành khu vực được bảo về và cấm săn bắt.
Người Bakhtiari dành 8 tháng trong năm sống ở Khuzestan – một tỉnh thuộc phía nam Iran. Họ di cư tới núi Zard-Kuh vào cuối tháng 4 hàng năm để tránh cái nóng mùa hè có thể lên tới 50 độ C, ở lại đây đến giữa tháng 9. Tại đây, họ sinh sống nhờ việc chăn nuôi trên những đồng cỏ xanh mướt.
Việc di cư kéo dài hàng tuần với hành trình mệt mỏi đi qua sa mạc và tuyết. Ngày nay, người Bakhtiari đi bằng xe, thậm chí có xe tải để vận chuyển động vật. Tuy nhiên, họ vẫn gìn giữ các truyền thống khác.
Đi qua thác nước Sheikh Khan chừng 20km, không khí đột nhiên mát mẻ lạ thường, khác hẳn với mùa hè thiêu đốt ở Iran. Tại đây, dòng sông ZayandehRood dài 400 km là một trong những dòng sông dài nhất Iran, cung cấp hàng tỷ lít nước cho các thành phố.
Sau hơn 3 tiếng trên đường, cả nhóm tới Chama Qar Yakhi, một trong những khu định cư lớn nhất ở núi Zard-Kuh, nơi có khoảng 100 người Bakhtiari đang sinh sống. Dù sở hữu phần đất này, nhưng người Bakhtiari vẫn được hưởng quyền tự do du mục. Họ không phải trả thuế, sống theo nguyên tắc riêng. Nhóm dân du mục ở đây sinh sống nhờ việc bán mật ong, hương liệu, thảm len thủ công cho du khách.
Sau bữa trưa, phóng viên Lloyd được đưa tới ngắm nhìn sông băng. Cái gần nhất nằm ở chân hang động với dòng nước trắng. Cái khác nằm sâu trong hang, dài chừng 100m. Giữa khung cảnh sa mạc xung quanh, người ta có cảm giác dòng sông này như ảo ảnh. Băng không cứng, khi đi lên trên rất rơi, còn dòng nước phía dưới lạnh thấu xương.
Được biết, vào tháng 8, một đường hầm đủ lớn được hình thành phía dưới ống băng. Cái tên Chama Qar Yakhi có nghĩa là “hang đá” trong tiếng địa phương Bakhtiari, được đặt sau khi hiện tượng này xuất hiện.
Hoàng Hà
Theo BBC
Nguồn: DANTRI.COM.VN