Sara Duterte-Carpio, con gái Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, quyết định đi ngược ý cha để tranh cử phó tổng thống và thành lập liên minh với con trai nhà độc tài quá cố.
Sau màn phân định vị trí trước bầu cử đầy kịch tính, “trận đấu thay người” ở Philippines cuối cùng cũng kết thúc. Hôm 16/11, Sara Duterte-Carpio, 43 tuổi, ứng viên phó tổng thống, thông báo ý định trở thành đối tác tranh cử của ông Ferdinand Marcos Jr., ứng viên tổng thống mà cha bà phản đối.
Cô con gái từng cạo trọc đầu để cầu xin cha mình ra tranh cử tổng thống Philippines, giờ đây đang từng bước tiến sâu lên vũ đài chính trị lớn của quốc gia này.
Quyết định tranh cử chức phó tổng thống của bà Sara gây bất ngờ, vì bà đã dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận trong suốt năm nay với tư cách là ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ tổng thống.
Tuyên bố này cũng đi ngược lại với kỳ vọng của Tổng thống Rodrigo Duterte, người từng ra sức ủng hộ con gái mình “kế vị” sau tuyên bố sẽ rút khỏi chính trường.
“Tổng thống cho biết Thị trưởng Sara không hỏi ý kiến ông về các kế hoạch chính trị của bà vào năm 2022. Tất nhiên, ông ấy giận dỗi vì không được hỏi ý, nhưng bạn biết đấy, bà Sara là đứa con ông ấy yêu quý”, phát ngôn viên của tổng thống Harry Roque nói.
Ông cho biết gia đình Duterte cũng giống như bất kỳ gia đình nào khác, thỉnh thoảng có tranh chấp nhưng vẫn yêu thương nhau.
Dù vậy, Jean Franco, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, nhận định những động thái mới đây cho thấy chính trị Philippines chủ yếu là “một bộ phim gia đình” – nghĩa là chỉ những người trong cuộc mới biết những gì diễn ra đằng sau hậu trường.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và con gái, bà Sara Duterte-Carpio. Ảnh: Reuters. |
Ảnh hưởng lớn từ gia đình
Sara Duterte-Carpio là con thứ hai của Tổng thống Rodrigo Duterte với vợ Elizabeth Zimmerman, một nữ tiếp viên hàng không.
Bà sinh ra trong một gia tộc chính trị với ông nội là một luật sư và lãnh đạo tỉnh. Cha bà, ông Rodrigo Duterte, cũng từng là luật sư, đồng thời là thị trưởng của Davao – thành phố đông dân thứ ba Philippines, trước khi trở thành tổng thống vào năm 2016.
Tiếp bước thế hệ trước, bà theo học ngành luật, sau đó gia nhập chính trường vào năm 2007 khi giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu lựa chọn chức phó thị trưởng Davao.
Vào năm 2010, bà kế nhiệm ông Duterte trở thành thị trưởng thành phố Davao. Khi đó, bà Sara là phụ nữ đầu tiên giữ chức thị trưởng của thành phố trên 1,6 triệu dân và cách thủ đô Manila 1.000 km. Bà đồng thời là sĩ quan dự bị trong Lực lượng Vũ trang Philippines với cấp bậc đại tá.
Giống với người cha cứng rắn với biệt danh “kẻ trừng phạt”, bà Sara cực kỳ nổi tiếng. Tài khoản Instagram cho thấy bà thường chạy xe môtô phân khối lớn và chăm sóc ba đứa con có biệt danh lần lượt là Sharky, Stingray và Stonefish.
Tháng 7/2011, khi còn giữ chức thị trưởng, bà từng đấm một lãnh đạo cảnh sát Davao vì không tuân theo lệnh trong một cuộc phá dỡ.
Sau khi cảnh sát ra quyết định cưỡng chế để phá hủy một khu nhà ổ chuột, bà Sara yêu cầu hoãn việc này lại trong hai giờ để thương lượng với người dân. Tuy nhiên, cảnh sát bỏ qua yêu cầu của bà, tiếp tục thực hiện kế hoạch cưỡng chế, khiến người dân khu vực phản đối bằng một cuộc bạo động – điều mà bà muốn ngăn chặn từ đầu.
Tại hiện trường, bà Sara rất tức giận và bất ngờ đấm liên tục vào mặt viên cảnh sát chỉ huy. Khi người này cố gắng chạy đi, các vệ sĩ của bà kéo ông lại, tiếp tục lao vào giật tóc người này.
Vụ việc sau đó làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong công chúng, trong khi các khách sạn tạo ra một loại cocktail có tên The Davao Punch (Cú đấm Davao).
Thế nhưng, bất chấp những lời chỉ trích vào thời điểm đó, bà vẫn không xin lỗi, thậm chí còn đe dọa tòa án sau khi đưa ra những tuyên bố mà bà cho là khinh thường mình.
Dẫu vậy, theo Economist, ngôn ngữ và cách cư xử của con gái ông Duterte dường như vẫn kém “hiếu chiến” hơn một chút so với cha mình. Trong khi tổng thống Philippines được cho là bật đèn xanh để lực lượng an ninh xuống tay không cần qua xét xử với những kẻ buôn bán ma túy, bà Sara lại nói nhiều về việc cải tạo.
Bà không quá thẳng thắn về cuộc chiến chống ma túy vốn là trọng tâm của chính quyền Duterte, nhưng cho rằng phòng ngừa và phục hồi chức năng phải là một phần của chính sách chống ma túy và “việc thực thi pháp luật nên nhanh chóng có kết quả”.
Bà Sara Duterte-Carpio bên ngoài tòa thị chính ở thành phố Davao, miền Nam Philippines. Ảnh: AP. |
Theo Washington Post, Sara Duterte-Carpio từ lâu đã tìm cách phân biệt phong cách chính trị của bà và cha, nhưng các nhà phân tích cho rằng chúng sẽ ít cạnh tranh với nhau.
Bà không thân thiết với Trung Quốc như cha mình – người có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh và đã làm rạn nứt quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ.
Năm 2020, bà Sara đã đến thăm Mỹ để tham gia khóa đào tạo lãnh đạo do Bộ Ngoại giao tài trợ.
“Philippines nên đứng ngoài cuộc trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ”, bà chia sẻ. “Chúng ta nên mở rộng quan hệ thân thiết với nhiều nước khác bên cạnh hai quốc gia này”.
Bộ phim gia đình
Các nhà phân tích cho rằng ông Duterte đang tìm kiếm một người trung thành trong cuộc bầu cử để giúp ông tránh khỏi các vụ kiện tiềm năng sau khi hết nhiệm kỳ, liên quan đến cuộc chiến chống ma túy đẫm máu kể từ năm 2016.
Đối với Carlos Conde, nhà nghiên cứu về Philippines tại New York, không ai có thể bảo vệ Duterte tốt hơn con gái của ông.
Nhưng bà Sara đã cho thấy sự độc lập của mình cách đây 3 năm, khi bà thống nhất các phe phái chính trị lại với nhau trong vụ hạ bệ đồng minh của ông Duterte – Pantaleon Alvarez – khỏi ghế chủ tịch hạ viên.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa bà và Tổng thống Rodrigo Duterte không mấy hòa hợp. Từ khi còn trẻ, bà Sara đã có một tính cách mạnh mẽ và độc lập, dẫn đến “mối quan hệ yêu – ghét” với cha khi còn là sinh viên do bà không tán thành xu hướng đào hoa của cha mình.
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Rappler vào năm 2012, con gái ông Duterte đã nói về người cha mà bà “hầu như không biết”. Sara ở với mẹ sau khi ông Duterte bỏ vợ và thừa nhận thường xuyên bất hòa với cha mình.
Năm 2016, tổng thống Philippines từng dội một gáo nước lạnh vào con gái khi gọi bà là “nữ hoàng kịch tính truyền hình”, sau khi bà tuyên bố đã bị cưỡng hiếp.
Trước đó, ông Duterte gây bão dư luận khi đùa cợt về vụ cưỡng hiếp và sát hại một nhà truyền giáo người Australia tên Jacqueline Hamill vào năm 1989 tại Davao, giữa lúc ông còn là thị trưởng.
Bà Sara sau đó thừa nhận câu đùa của cha mình có thế khiến nhiều người nổi giận, đồng thời tiết lộ mình từng bị hãm hiếp rất lâu về trước nhưng không nói với ai về chuyện này.
Bà Sara Duterte-Caprio trong một sự kiện tại thành phố Davao. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù ông Rodrigo Duterte từng thông báo con gái ông sẽ tranh cử nguyên thủ quốc gia trong cuộc bầu cử năm 2022, Sara chia sẻ rằng bà đã suy nghĩ cẩn thận và quyết định không cố gắng kéo dài triều đại chính trị của gia đình.
“Không phải ai cũng muốn trở thành tổng thống”, bà cho biết.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mặc dù có mối quan hệ căng thẳng và sự khác biệt trong phong cách lãnh đạo, nếu đắc cử với tư cách là phó tổng thống, bà Sara Duterte-Carpio vẫn sẽ có vị trí thuận lợi để bảo vệ cha mình trước những chỉ trích bắt nguồn từ cuộc chiến chống ma túy đẫm máu.
Dẫu vậy, sự rạn nứt rõ ràng giữa cha và con gái có thể tạo cơ hội cho những người đang khao khát trong cuộc đua bầu cử.
“Đây là một tin tốt cho phe đối lập và những ứng cử viên khác”, nhà phân tích chính trị Antonio La Viña cho biết.
Nguồn: News.zing.vn