Sovico làm ăn ra sao trước khi tài trợ 4.810 tỷ cho Đại học Oxford?

0
43

Trước khi tài trợ 155 triệu bảng Anh cho trường Linacre College thuộc Viện ĐH Oxford, tập đoàn Sovico chỉ lãi 893 triệu đồng trong năm 2020, giảm tới 99,5% so với cùng kỳ 2019.

Ngày 1/11, Linacre College thuộc Viện Đại học Oxford (Anh) thông báo ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Sovico, do chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo đại diện, để nhận khoản tài trợ từ thiện với tổng giá trị lên đến 155 triệu bảng Anh (tương đương 4.810 tỷ đồng).

Trường này cho biết sau khi nhận 50 triệu bảng Anh đầu tiên trong gói tài trợ, sẽ đệ trình lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh để đổi tên từ “Linacre College” sang “Thao College” để ghi nhận nguồn tài trợ này.

Sovico lam an ra sao truoc khi tai tro 4.810 ty cho Dai hoc Linacre? anh 1

Chủ tịch Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo và giáo sư Nick Brown, Hiệu trưởng trường Linacre College, ký biên bản ghi nhớ hợp tác, tài trợ đầu tư phát triển nghiên cứu, giáo dục với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh. Ảnh: H.V.

Thực tế, trước khi hợp tác với Viện Đại học Oxford, tình hình tài chính của Sovico không mấy khả quan khi năm 2020, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 893 triệu đồng, giảm tới 99,5% so với năm trước đó (năm 2019 ghi nhận lãi 163 tỷ đồng).

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sovico năm 2020 chỉ đạt 2,9 tỷ đồng, tăng 69%. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn nhiều so với doanh thu (tăng gấp 13,2 lần, từ 189 triệu đồng lên 2,5 tỷ đồng), lợi nhuận gộp giảm 73%, còn 417 triệu. Biên lãi gộp cũng giảm từ mức 89% năm 2019 còn 14% trong năm 2020.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính công ty của Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 456%, lên 1.896 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc Sovico tăng đầu tư vào công ty con thêm 3.572 tỷ đồng, lên mức 10.016 tỷ trong năm 2020.

Song, chi phí tài chính (chủ yếu từ chi phí lãi vay) ghi nhận 1.829 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 63 tỷ khiến lợi nhuận thuần chỉ còn hơn 5 tỷ, giảm 97%.

Kết quả, doanh nghiệp lãi trước thuế 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 164 tỷ. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Sovico lãi vỏn vẹn 893 triệu đồng.

KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA SOVICO TRONG NĂM 2019 VÀ 2020
Nhãn Năm 2019 Năm 2020
Doanh thu triệu đồng 2911 1727
Lợi nhuận sau thuế tỷ đồng 164 0.9

Tại thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Sovico ghi nhận 33.710 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2019. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 10%, còn 368 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 65%, đạt 12.885 tỷ.

Bên phần nguồn vốn, nợ phải trả của Sovico tăng gấp gần 4 lần sau 12 tháng, từ 6.159 tỷ đồng lên 23.900 tỷ. Khoản mục vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 21.978 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nợ phải trả. Nợ vay quá cao đã gây áp lực lớn tới lợi nhuận của Sovico.

Ngoài ra, Sovico âm nặng dòng tiền. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của tập đoàn này cho thấy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn âm 1.308 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 13.132 tỷ.

Sovico do bà Nguyễn Thị Phương Thảo khởi nghiệp từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến nay, tập đoàn này tập trung phát triển cung cấp những sản phẩm – dịch vụ tài chính, ngân hàng, hàng không, bất động sản và công nghiệp.

Sovico hiện sở hữu 7,59% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, đồng thời Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (một doanh nghiệp thuộc Sovico) sở hữu 28,57%. Trong khi đó, Ngân hàng HDBank sở hữu 4,59%, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu 8,76% tại Vietjet. Còn tại HDBank, Tập đoàn Sovico đang sở hữu 14,48% cổ phần.

Mới nhất về Vietjet, hãng hàng không này và Safran – Tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới của Pháp – đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, trên cơ sở doanh số hợp tác trị giá 10 tỷ USD giữa hai bên.

Việc hợp tác bao gồm tăng cường doanh số cung cấp động cơ, đồng thời mở rộng nhiều lĩnh vực khác như ghế máy bay, nội thất buồng máy bay, dịch vụ đào tạo quản lý kỹ thuật động cơ cũng như cơ hội thành lập các tổ hợp sửa chữa bảo dưỡng công nghệ cao và đào tạo tại Việt Nam.

Safran sẽ cung cấp dịch vụ và chương trình đào tạo cho đội ngũ kỹ thuật của Vietjet và hỗ trợ hãng thành lập Tổ hợp đào tạo và sửa chữa bảo dưỡng động cơ máy bay của Vietjet tại Việt Nam. Đặc biệt, hai bên cam kết đẩy nhanh hợp tác và cung cấp cho Vietjet các giải pháp phân tích thông tin chuyến bay toàn diện và hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Cũng tại Pháp hồi cuối năm 2019, Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus từng ký kết hợp đồng đặt mua 20 máy bay thế hệ mới A321XLR.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn