SSI: Gần 130.000 tỷ đã được bơm qua kênh đáo hạn ngoại tệ

0
SSI: Gần 130.000 tỷ đã được bơm qua kênh đáo hạn ngoại tệ

Với tổng giá trị thực hiện ước tính 5,5 tỷ USD, NHNN đã bơm ra thị trường xấp xỉ 130.000 tỷ đồng trong tháng 7-8 từ việc thực hiện các hợp đồng mua ngoại tệ 6 tháng đầu năm.

Đây là số liệu được Trung tâm Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI – SSI Research ghi nhận trong bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 23-27/8.

Cụ thể, SSI Research cho biết trong tuần cuối cùng của tháng 8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát sinh giao dịch mới trên thị trường mở (OMO). Trong khi đó, việc thực hiện các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng giai đoạn tháng 1-2 đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD, thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị hủy ngang.

Tiền trong ngân hàng vẫn dồi dào

Đây là số ngoại tệ kỳ hạn được NHNN mua từ các ngân hàng thương mại hồi đầu năm với giá trị ban đầu gần 7 tỷ USD, ở tỷ giá 23.125 đồng/USD. Tính theo tỷ giá mua, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ra thị trường trên 127.000 tỷ đồng trong giai đoạn tháng 7-8, thấp hơn mức dự kiến ban đầu là gần 162.000 tỷ.

Tuy vậy, việc được bổ sung hơn trăm nghìn tỷ qua kênh đáo hạn ngoại tệ cũng khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào.

Trong tuần qua, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm 0,06-0,1 điểm %, kết tuần ở 0,75%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,9%/năm cho kỳ hạn 1 tuần. Như vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm khoảng 0,15 điểm % trong tháng 8, với nguyên nhân chính là thanh khoản hệ thống dồi dào nhờ nguồn cung tiền Đồng từ hợp đồng bán ngoại tệ.

Trong khi đó, NHNN cho biết lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng đến ngày 27/8 chỉ ở mức 0,64%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,68%/năm với kỳ hạn 1 tuần, thấp hơn 0,02-0,06 điểm % so với cuối tuần liền trước.

LÃI SUẤT CHO VAY BÌNH QUÂN LIÊN NGÂN HÀNG
Nguồn: SBV, SSI Research, Tổng hợp
Nhãn 4-7/5 10-14/5 17-21/5 24-28/5 31/5-4/6 7-11/6 14-18/6 21-25/6 28/6-2/7 5-9/7 12-16/7 19-23/7 26-30/7 2-6/8 9-13/8 16-20/8 23-27/8
Kỳ hạn qua đêm %/năm 1.13 1.23 1.22 1.39 1.45 1.06 0.97 1.15 1.11 0.95 0.93 0.95 0.97 0.92 0.77 0.66 0.64
Kỳ hạn 1 tuần 1.23 1.43 1.39 1.5 1.55 1.29 1.2 1.37 1.36 1.13 1.14 1.24 1.29 1.1 0.85 0.74 0.68

Ngoài ra, doanh số giao dịch qua kênh liên ngân hàng cũng ghi nhận xu hướng giảm với tổng giá trị hơn 133.000 tỷ, trong đó trên 85% là doanh số giao dịch qua đêm.

Theo thống kê từ SSI Research, sau đợt giảm lãi suất vào giữa tháng 7, nhiều ngân hàng thương mại đã tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nay đến cuối năm. Các gói này bao gồm cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội.

Ngoài Vietcombank và BIDV đã thông báo giảm lãi suất cho vay vào tuần trước, VietinBank cũng triển khai thêm gói tín dụng lãi suất từ 4%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Lãi suất cho vay giảm

Các ngân hàng thương mại tư nhân cũng giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ khách hàng như MBBank, ACB, Sacombank… với mức giảm 0,5-1,5 điểm %/năm.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tăng nhẹ 0,1-0,25 điểm % tuần qua, ghi nhận ở một số ngân hàng như BIDV, VIB, VPBank.

Tuy vậy, các chuyên gia tại SSI Research cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp thời gian tới, trong khi lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng nhẹ bởi thông tư quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ có hiệu lực vào tháng 10 tới.

Gan 130.000 ty dong duoc bom ra thi truong qua kenh dao han ngoai te anh 1

Lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng đã giảm tiếp trong tháng 8 sau đợt giảm lãi suất đồng loạt hồi giữa tháng 7. Ảnh: Việt Linh.

Ngoài lãi suất cho vay có xu hướng giảm kể trên, tỷ giá USD/VND trong nước cũng ghi nhận giảm tuần qua.

Trong đó, xu hướng giảm giá của đồng bạc xanh ghi nhận trên cả 2 thị trường ngân hàng thương mại và tự do.

Cụ thể, tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại đã giảm 35 đồng/USD ở cả 2 chiều tuần qua, xuống mức 22.650 – 22.880 đồng/USD (mua vào – bán ra).

Trong khi đó, tỷ giá tự do giảm 10 đồng/USD ở chiều mua vào và 30 đồng/USD chiều bán ra, giao dịch ở 23.040 – 23.140 đồng/USD.

Đến nay, VND đã tăng giá tới 1,4% so với cuối năm 2020 và là một trong những đồng tiền có diễn biến tốt nhất trong khu vực. Theo số liệu từ cơ quan quản lý, cán cân hàng hóa nhập siêu đã được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI giải ngân và kiều hối, giúp tỷ giá duy trì mức thấp như hiện nay.

Tuy nhiên, áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể đã tăng dần khi số liệu về cán cân thương mại hàng hóa và giải ngân FDI trong tháng 8 không ghi nhận tích cực.

Cụ thể, theo ước tính từ Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 tiếp tục nhập siêu 1,3 tỷ USD trong khi đó giải ngân FDI cũng giảm 12% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,1 tỷ USD trong tháng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, diễn biến của VND trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Đây được xem là tín hiệu quan trọng để có thể thu hút dòng vốn FDI giải ngân mới từ nay đến cuối năm.

Nguồn: News.zing.vn