Steve Jobs qua đời 10 năm trước vì căn bệnh ung thư tuyến tụy. Cuộc sống của ông có thể đã được kéo dài nếu nhà đồng sáng lập Apple chọn cách điều trị khác.
Ngày 5/10/2011, Steve Jobs qua đời ở tuổi 56 sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tụy.
Đây là sự mất mát đáng tiếc của giới công nghệ, khi Apple đang ngày càng có ảnh hưởng với dòng sản phẩm iPhone. Trước đó, bản thân Steve Jobs thừa nhận với nhà báo Walter Isaacson, người viết cuốn tự truyện của ông rằng mình đã không làm theo lời khuyên của bác sĩ.
Căn bệnh ung thư có thể chữa được
Khi đi khám sỏi thận vào năm 2003, Steve Jobs được phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, loại ung thư của ông nằm trong số 5% trường hợp phát triển chậm, có thể chữa trị nếu phẫu thuật. Do vậy, các bác sĩ đã khuyên ông đi phẫu thuật càng sớm càng tốt.
iPhone 4 là thiết bị cuối cùng mà Steve Jobs giới thiệu. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Người thân và gia đình cũng khuyên CEO Apple phẫu thuật và hóa trị. Dù vậy, Jobs đã trì hoãn việc phẫu thuật trong 9 tháng và cố gắng tìm cách điều trị khác. Quyết định này đã khiến Steve Jobs qua đời trong khi căn bệnh có thể chữa được.
“Tôi không muốn cơ thể bị mổ phanh ra. Tôi không muốn mình bị xâm phạm kiểu đấy”, Jobs kể lại với Isaacson.
Trong 9 tháng đó, Jobs sử dụng những phương cách như ăn chay, châm cứu, thảo dược, thông đại tràng và nhiều hình thức chữa bệnh không theo tây y. Có thời điểm ông còn tìm đến những người chữa trị bằng thôi miên.
Tôi nói với anh ta rằng anh điên rồi
Andrew Grove, cố CEO Intel, bạn thân của Steve Jobs
“Tôi nói với anh ta rằng anh điên rồi”, Andrew Grove, cố CEO Intel, cũng là một người bạn của Steve Jobs kể lại. Bản thân ông Grove từng vượt qua ung thư tuyến tiền liệt.
Phải đến năm 2004, Jobs mới chấp nhận phẫu thuật để bỏ khối u. Sau đó, ông chia sẻ thông tin tới toàn bộ nhân viên Apple.
“Tôi có một thông tin cá nhân muốn chia sẻ, và tôi muốn các bạn nghe từ chính tôi. Tôi mắc phải một dạng ung thư tụy rất hiếm, nằm trong số 1% số ca có thể chữa khỏi nếu phẫu thuật sau khi phát hiện kịp thời, như trường hợp của tôi”, Jobs viết trong email.
Sức khỏe ngày càng tệ đi
Dù Jobs tỏ ra lạc quan, sức khỏe của ông không hoàn toàn bình thường. Năm 2006, ngoại hình gầy gò khác thường của Jobs tại hội nghị nhà phát triển khiến nhiều người nghi ngờ về sức khỏe của ông. Thời điểm đó, đại diện Apple cho biết Jobs vẫn rất khỏe.
Năm 2008, Jobs trông còn gầy hơn. Một năm sau, ông vắng mặt trong sự kiện công bố sản phẩm của Apple. Jobs cho rằng ông gầy đi vì một vấn đề liên quan đến hormone. Dù vậy, đến đầu năm 2009 ông không thể làm việc tiếp và phải nghỉ một thời gian.
Tháng 6/2009, Wall Street Journal tiết lộ Jobs vừa ghép gan tại Tennessee. Sau khi phủ nhận, bệnh viện cuối cùng thừa nhận Jobs đã được ghép tạng, và còn cho biết ông “là bệnh nhân nặng nhất trong danh sách chờ”.
Nhiều người nhận ra Steve Jobs gầy đi khi phát biểu tại hội nghị WWDC, tháng 8/2006. Ảnh: Getty Images. |
Đến lúc đó, Jobs chọn cách chữa trị ngược hẳn với thời gian đầu. Ông đã được giải mã toàn bộ gene để tìm ra cách chữa hiệu quả nhất, đến Thụy Sĩ để được can thiệp bằng phương pháp xạ trị. Tuy nhiên, 9 tháng là thời gian dài với bệnh ung thư, và khi Jobs chấp nhận phẫu thuật thì tế bào ung thư đã di căn.
Jobs quay lại làm việc sau 6 tháng, nhưng đến tháng 1/2011 ông lại phải nghỉ phép. Tháng 8 năm đó, ông nhường vị trí CEO cho Tim Cook.
“Tôi luôn nói rằng khi không thể làm trọn nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu ở vị trí CEO Apple, tôi sẽ tự mình nói ra. Đáng tiếc là ngày đó đã đến”, Jobs viết trong email thông báo cho nhân viên.
Theo cuốn tự truyện, Jobs vẫn rất khó tính vào giai đoạn cuối đời. Ông phải chọn lựa tới 67 y tá mới tìm ra được 3 người ưng ý. Tuy nhiên, đến lúc đó ông đã quá yếu.
Steve Jobs qua đời vào ngày 5/10/2011 tại căn nhà của mình ở Palo Alto, California. Khi qua đời, ông chỉ 56 tuổi nhưng căn bệnh đã khiến ông trở nên gây gò và già hơn so với tuổi thực của mình, khác xa hình ảnh người đàn ông cường tráng trước đây.
“Ông ấy đã tự sát”
Trong cuộc sống, Steve Jobs nổi tiếng là người có tư duy khác biệt. Tại Apple, ông là người tạo ra các sản phẩm thay đổi thế giới như máy tính Macintosh, iPhone và iPad. Thiên tài của Steve Jobs đến từ bản chất chính xác, đòi hỏi cao và khả năng tư tuy kì lạ. Nhưng bi kịch là ông lại sử dụng chính những suy nghĩ đó để đối đầu với căn bệnh ung thư của mình.
Khi liên quan đến sức khỏe của chính mình, Jobs đã dựa vào bản năng thay vì lời khuyên của các bác sĩ. Ông đã để căn bệnh ung thư di căn trong 9 tháng trước khi quyết định phẫu thuật.
Nhiều người tưởng nhớ Steve Jobs tại một cửa hàng Apple ở London. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Walter Isaacson cho rằng Jobs đã quá phụ thuộc vào ý chí, tin tưởng bản thân khi đối đầu với căn bệnh ung thư.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy cảm nhận nếu ta cứ từ chối một điều gì đó, không muốn nó tồn tại thì mình có thể tạo ra loại suy nghĩ ma thuật. Cách nghĩ đó từng giúp ông ấy thành công trong quá khứ”, tác giả cuốn tự truyện nói trong một cuộc phỏng vấn với CBS.
Căn bệnh của Steve Jobs có thể chữa khỏi. Về cơ bản, ông ấy đã tự sát
Bác sĩ ung thư Barrie Cassileth
Một số bác sĩ cho rằng sự chậm trễ phẫu thuật là lý do tại sao Steve Jobs qua đời.
“Ông ấy mắc một loại ung thư tuyến tụy có thể điều trị và chữa khỏi được. Về cơ bản ông ấy đã tự sát”, Barrie Cassileth, bác sĩ ung thư tại bệnh viện Memorial Sloan-Kettering cho biết trong một bài viết năm 2013.
Vào năm 2010, Jobs biết rằng cuộc đời mình đã gần kết thúc. Khi cái chết đến gần, tâm trí của ông hướng về thế giới bên kia.
“Đôi lúc tôi phân vân liệu có Chúa hay không. Đó là bí ẩn mà chúng ta không bao giờ biết rõ. Dù vậy, tôi muốn tin rằng có kiếp sau. Tôi muốn tin rằng trí tuệ tích góp không mất đi ngay sau khi chết, mà nó sẽ còn ở lại.
Dù vậy, cũng có thể có một cái công tắc trên đời, và click một cái, bạn ra đi. Có lẽ đó là lý do tôi không để nút bật/tắt trên các sản phẩm Apple”, Jobs chia sẻ với Isaacson ở một trong những cuộc trò chuyện cuối cùng giữa hai người.
Nguồn: News.zing.vn