Stylist, biên tập viên truyền hình ở TP.HCM đi chống dịch

0
48

Gác lại công việc thường ngày, Trần Đoàn Phúc (34 tuổi) và Đặng Thu Thủy (28 tuổi) khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, tham gia đội tiêm chủng cộng đồng với mong muốn góp sức chống dịch.

Nhận điện thoại từ bác sĩ phụ trách, tình nguyện viên Trần Đoàn Phúc (34 tuổi) lập tức có mặt ở Trung tâm Y tế Quận 3 (TP.HCM), cùng đồng đội chuẩn bị dụng cụ y tế, thùng chứa vaccine và lên xe tiêm chủng lưu động.

Không quản nắng mưa, chẳng ngại len lỏi ngõ hẻm, các bác sĩ và tình nguyện viên tới gõ cửa từng nhà, tiêm vaccine cho người dân.

“Dù công việc vất vả, chúng tôi vẫn nỗ lực hết mình. Ai cũng mong sớm phủ sóng vaccine cho cộng đồng”, Đoàn Phúc nói.

“Không ai bị bỏ lại phía sau”

Ngày 17/7, Đoàn Phúc đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch. Từ một stylist chuyên làm việc với trang phục, anh khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, đảm nhận nhiều vị trí khác nhau như trực chốt phong tỏa, đi chợ giúp dân.

“2 tháng nay, tôi chưa thể quay lại làm việc do dịch bệnh phức tạp. Do vậy, tôi muốn giúp sức cho tuyến đầu với hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh, dù gia đình và bạn bè can ngăn”, anh kể.

tinh nguyen vien toi tan nha tiem vaccine anh 1

Anh Đoàn Phúc gác lại công việc stylist, tham gia đội tiêm vaccine lưu động nhằm hỗ trợ công tác chống dịch.

Ngày 28/7, nam tình nguyện viên nhận nhiệm vụ hỗ trợ điểm tiêm chủng cộng động ở quận 1 và quận Gò Vấp. Mỗi buổi công tác, anh sẽ tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn người dân điền phiếu khám sàng lọc và điều phối di chuyển.

Sau một thời gian công tác, anh gia nhập đội tiêm chủng lưu động thuộc Trung tâm Y tế Quận 3 với nhiệm vụ điền phiếu sàng lọc và đo huyết áp.

Với tính chất “lưu động”, anh cho biết đội không có lịch công tác cố định. Vào cuối ngày, y bác sĩ phụ trách sẽ thông báo kế hoạch hoạt động ở từng phường theo danh sách do UBND cung cấp.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp thông báo đột xuất, yêu cầu các bác sĩ và tình nguyện viên có mặt trong vòng 30 phút sau khi nhận tin.

“Chúng tôi luôn ở trạng thái sẵn sàng, có lệnh liền chuẩn bị dụng cụ, vaccine lên đường. Nếu có trường hợp phát sinh ngoài danh sách, đội sẽ tới nhà khám sàng lọc và tiến hành tiêm cho bà con với mục đích: Không ai bị bỏ lại phía sau”, anh Phúc nói.

tinh nguyen vien toi tan nha tiem vaccine anh 2

Các thành viên đội tiêm chủng lưu động mang theo túi dụng cụ y tế, thùng đựng vaccine tới tận nhà tiêm chủng cho bà con trên địa bàn quận.

Chia sẻ với Zing, nam tình nguyện viên cho biết việc tiêm chủng lưu động có những khó khăn riêng. Cả đội phải di chuyển nhiều, vác túi thuốc nặng, thao tác nhanh để không chậm tiến độ công việc.

“Với những phường đông nhân khẩu, chúng tôi có thể mất vài ngày mới xong. Đoàn tôi nhiều khi phải làm việc liên tục bất chấp nắng mưa, tranh thủ ăn trưa trên xe cấp cứu để hoàn thành nhiệm vụ”, anh kể.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, Đoàn Phúc khó tránh khỏi cảm giác lo lắng mỗi lần tới các khu vực có nguy cơ cao. Dù vậy, các bác sĩ, tình nguyện viên đều tự nhủ bản thân phải thận trọng và nhắc nhở đồng đội bảo vệ sức khỏe lẫn nhau.

“Nguy cơ luôn hiện hữu xung quanh, hễ có sơ suất là có thể ảnh hưởng tới cả đội. Mỗi lần xét nghiệm nhanh định kỳ, đội tôi đều hồi hộp nhìn từng vạch hiện ra, thở phào nhẹ nhõm khi mọi người đều âm tính. Có khỏe mạnh, chúng tôi mới có thể góp sức chống dịch được”, anh kể.

Luôn sẵn sàng trong mọi tình huống

Giống như Đoàn Phúc, Đặng Thu Thủy (28 tuổi), biên tập viên truyền hình, cũng quyết đi tình nguyện từ cuối tháng 6 với mong muốn góp sức vào công tác chống dịch ở TP.HCM.

tinh nguyen vien toi tan nha tiem vaccine anh 3

Chị Thu Thủy cho biết công việc ở điểm tiêm chủng không quá phức tạp, song cần sức khỏe tốt và tinh thần tập trung.

Khi chính quyền thành phố mở rộng chiến dịch tiêm chủng, chị chuyến sang công tác tại điểm tiêm vaccine ở quận 1 với nhiệm vụ điều phối tiếp nhận, hỗ trợ bác sĩ khám sàng lọc, và nhập dữ liệu tiêm chủng.

Nữ tình nguyện viên chia sẻ rằng công việc tại điểm tiêm vaccine cộng đồng không quá phức tạp, song phải làm việc với nhịp độ hối hả để tránh tình trạng ùn ứ đông người.

“Sức người có hạn nên nhiều khi đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên làm không xuể vì bà con tới khá đông. Làm việc cả ngày trong bộ đồ bảo hộ cũng dễ gây mệt mỏi, mất nước. Lắm khi tôi phải dán salonpas cả hai tay, hai vai sau một buổi công tác”, chị cười, nói.

Với Thu Thủy, niềm vui lớn nhất với đội ngũ y bác sĩ và tình nguyện viên là không có ca mắc Covid-19.

“Dù có biện pháp sàng lọc, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng cho tình huống phát hiện F0 tại điểm tiêm chủng. Công việc căng thẳng, có nguy cơ lây nhiễm nên cả đội luôn cố gắng tự bảo vệ bản thân, giữ ‘tinh thần thép’ để xử lý mọi vấn đề”.

tinh nguyen vien toi tan nha tiem vaccine anh 4

Nữ tình nguyện viên cho biết chị học được từ đồng đội tinh thần vững vàng, chịu khó trong quá trình làm nhiệm vụ.

Ngoài làm tình nguyện viên, chị Thu Thủy vẫn phải đảm bảo công việc tại đài truyền hình. Để cân bằng 2 nhiệm vụ, chị tranh thủ làm việc vào các buổi tối, hay những ngày không phải đến điểm tiêm chủng.

“Vừa làm tình nguyện viên, vừa làm biên tập viên chẳng dễ dàng. Tôi vẫn cần hoàn thành sản phẩm phát sóng đúng kỳ hạn, ban ngày thì tập trung hỗ trợ y bác sĩ tiêm vaccine cho bà con”, chị nói.

Thu Thủy chia sẻ rằng trải nghiệm đi hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19 đem lại cho chị bài học đáng giá. Mặc cho những mệt mỏi, áp lực trước mắt, nữ tình nguyện viên không hối hận vì quyết định của mình.

“Ban đầu, gia đình và đồng nghiệp cũng khuyên can nhiều, song giờ ai cũng ủng hộ khi thấy được quyết tâm của tôi. Tôi thấy vui khi bà con đủ điều kiện sức khỏe để tiêm vaccine, mong rằng dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống trở lại bình thường”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn