Sủi cảo – món ngon truyền thống của Trung Quốc

0
447

Sủi cảo (còn gọi là bánh chẻo) được coi là một phần trong nền văn hóa của Trung Quốc. Cả gia đình cùng ăn món ăn truyền thống sẽ tượng trưng cho sự đoàn tụ, mời khách ăn là tỏ ra quý trọng và nhiệt tình. Người nước ngoài sẽ bị coi là chưa từng đến Trung Quốc, nếu chưa thưởng thức món này.

Nói chung, đây là loại thức ăn vỏ bột mỳ gói nhân rồi nấu ăn. Trước kia, sủi cảo chủ yếu là món ăn trong ngày tết, nhất là trong đêm giao thừa. Dần dần nó mới trở thành món ăn thường nhật của người dân. Trong tập quán của Trung Quốc, từ quá trình làm nhân, hình dáng cho đến lúc ăn sủi cảo đều rất cầu kỳ.

Sủi cảo Trung Quốc.

Món sủi cảo của Trung Quốc.

Nhân sủi cảo có loại có thịt, có loại chỉ có rau, nhưng thường là thịt và rau trộn lẫn với nhau. Trong quá trình làm nhân, cầu kỳ nhất là băm thịt và rau. Cần chuẩn bị đầy đủ thịt, rau và các loại gia giảm, cho lên thớt băm. Khi băm nhân, dao và thớt chạm vào nhau phát ra tiếng rất rắn chắc, bởi vì luôn thay đổi dao to nhỏ khác nhau, khiến tiếng băm tiết tấu thay đổi lúc mạnh lúc nhẹ theo nhịp điệu, như một bản nhạc trầm bổng, truyền sang hàng xóm. Mọi người đều muốn tiếng băm của nhà mình vang vọng nhất, kéo dài nhất. Rau trộn với thịt làm nhân, trong tiếng Trung Quốc đồng âm với từ “có của”. Băm nhân tiếng to mà thời gian lại dài, có nghĩa là “lâu dài và dư thừa”. Băm nhân thời gian càng dài tức là gói sủi cảo càng nhiều, tức là cuộc sống đầm ấm, khá giả.

Sau khi làm xong nhân, gói sủi cảo theo hình thù gì cũng rất cầu kỳ. Phần lớn các khu vực đều gói hình bán nguyệt kiểu truyền thống. Gói theo hình này thì khi gói gấp đôi vỏ bánh hình tròn, dùng ngón tay cái và ngón trỏ của tay phải viền theo diềm bán nguyệt là được, phải viền cho đều gọi là “viền phúc”. Có gia đình kéo hai đầu của hình bán nguyệt nối liền với nhau như nén bạc, bầy trân nắp, tượng trưng cho tiền của để khắp mọi nơi, vàng bạc đầy nhà. Ở nông thôn, ngoài vỏ sủi cảo bà con in hình bông lúa mỳ, chẳng khác nào những bông lúa mỳ trĩu hạt, với ngụ ý là sang năm mới ngũ cốc được mùa.

Gói xong, bắt đầu nấu. Đợi khi nước trong nồi sôi, bỏ sủi cảo vào nồi có một cảm giác như bỏ những sản phẩm nghệ thuật vào nồi nước trong vắt. Sau đó, lấy vợt quấy đến đáy nồi để cho sủi cảo không bị dính nồi. Trong khi nấu, thường là phải cho thêm 3 lần nước lạnh, vì trong tiếng Trung, từ này đồng âm với “phúc đi rồi lại đến”. Khoảng 10-20 phút sau là xong.

Khi ăn sủi cảo, cũng phải biết cách ăn. Bát thứ nhất là để thờ cũng tổ tiên, tỏ lòng tôn kính cha ông quá cố. Bát thứ hai là để cúng thần thánh trong dân gian (như ông táo). Người cao tuổi trong gia đình còn lẩm nhẩm đọc những bài vè như:

Một chiếc sủi cảo hai đầu nhọn
Bỏ vào nồi thành trăm ngàn chiếc
Thìa vàng múc, bát bạc bưng
Đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên
Thần tiên nhìn thấy cũng vui lòng
Quanh năm bốn mùa được bình an.

Bát thứ 3 cả nhà mới bắt đầu ăn. Khi ăn phải nhớ rằng, nên ăn số chẵn, không được ăn số lẻ. Có những cụ già vừa ăn vừa lẩm bẩm những câu cổ xưa: “rau nhiều, rau nhiều”…, vì từ rau trong tiếng Hán đồng âm với tài cũng tức là tiền của. Ăn xong những đĩa, bát đựng sủi cảo cả nồi nấu cũng bày sủi cảo, và nhất định để thừa lại mấy cái (với số chẵn), ngụ ý “năm nào cũng dư thừa”.

Hằng năm vào đêm giao thừa, các gia đình nhất định phải ăn sủi cảo. Bất kể là đi công tác, học tập hay làm ăn xa nhà, đều trở về đoàn tụ với gia đình. Cả gia đình quây quần gói sủi cảo, ăn sủi cảo, chung vui, đầm ấm trong bầu không khí bình an của ngày tết.

Trong cuộc sống hiện đại, văn hoá sủi cảo đã có thay đổi rất lớn. Ở thành phố, người dân rất ít khi tự làm nhân sủi cảo, thậm chí không còn tự gói sủi cảo. Mỗi khi đến ngày lễ tết, họ đến siêu thị mua, hoặc cả gia đình đến ăn ở nhà hàng. Cho dù là ở nông thôn, nơi lưu giữ tập quán ăn sủi cảo, nay cũng ngày một ít đi.

(Theo China Broadcast)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn