Sự yếu kém của YouTube giúp BH Media ‘đánh bản quyền’ bản ghi Quốc ca

0
Sự yếu kém của YouTube giúp BH Media ‘đánh bản quyền’ bản ghi Quốc ca

Sử dụng chính sách Content ID của YouTube, BH Media đánh bản quyền những nội dung mà công ty không sở hữu.

Content ID là hệ thống để xác định và quản lý nội dung bản quyền trên YouTube. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong cơ chế hoạt động của hệ thống trên tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đánh bản quyền nội dung mà họ không sở hữu.

Ngày 4/11, VTV thông tin BH Media “nhận vơ” loạt tác phẩm thuộc quyền sở hữu của đơn công ty này. Bản tin lấy ví dụ ca khúc Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng bị BH Media xác nhận bản quyền trên nền tảng số.

Vấn đề trong chính sách của YouTube

Content ID cua YouTube giup BH Media danh ban quyen Quoc ca anh 1

VTV thông tin BH Media sở hữu bản quyền Tiến quân ca. Ảnh: VTV.

Trao đổi với Zing, ông Quan Tiến Dũng, quản trị viên cộng đồng làm YouTube lớn nhất tại Việt Nam cho biết nền tảng phân ra nhiều loại bản quyền bao gồm bản quyền hình ảnh, bản quyền ghi âm, bản quyền tác giả… Mỗi nội dung này sẽ được gắn một mã gọi là Content ID.

Theo YouTube, Content ID là một hệ thống so khớp có thể tự động phát hiện nội dung có khả năng vi phạm. Khi video được tải lên YouTube, hệ thống sẽ đối chiếu những video này với cơ sở dữ liệu bao gồm do các chủ sở hữu bản quyền gửi đến gồm âm thanh, hình ảnh. Hệ thống này có thể nhận diện được giai điệu, hình ảnh, nhịp trống…

Nếu một video được đối chiếu khớp với một phần hoặc toàn bộ nội dung đã có trong cơ sở Content ID, YouTube sẽ thông báo đến bên vi phạm và chủ sở hữu. Điều này có nghĩa cả bản ghi và bản gốc đều được YouTube công nhận. Tuy vậy, tại Việt Nam, đa phần YouTuber sẽ không bật Content ID với bản ghi bởi họ có thể vướng vào các tranh chấp không đáng có.

Với trường hợp BH Media, ông Dũng nhận định không YouTuber nào ở Việt Nam có quyền bật Content ID âm thanh cho bài Tiến quân ca, kể cả bản thu.

“Việc BH Media nắm bản quyền bản thu âm không có nghĩa họ được phép bật Content ID cho bài hát. Chủ sở hữu cần giấy phép sử dụng bài hát đó với quyền tác giả để được kinh doanh. Nếu ai thực hiện bản thu âm cũng bật Content ID thì những bài hát cover trên YouTube đều có quyền như tác giả”, ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Khiêm, cựu quản lý tại một MCN lớn ở Việt Nam cho rằng việc BH Media bật Content ID cho YouTube không hoàn toàn sai. Vấn đề nằm ở việc nền tảng không đủ năng lực nhận diện nội dung âm thanh là bản ghi hay bản gốc để “đánh” bản quyền.

“Họ bỏ tiền, thuê phòng thu, ca sĩ để dựng nội dung trên, họ có quyền bật Content ID. Thế nhưng YouTube có phân biệt được đâu là bản gốc, đâu là bản thu hay không mới là vấn đề”, ông Khiêm cho biết.

Bên cạnh đó, ông Khiêm cũng đề cập đến các trường hợp tương tự như bản ghi nhạc đồng dao, thiếu nhi… “Những video với các đoạn âm thanh như vậy đều có đủ điều kiện bật Content ID”, ông Khiêm chia sẻ.

Năng lực yếu kém của công cụ Content ID

Theo YouTube, nền tảng này phân biệt hai loại bản quyền âm nhạc, gồm bản ghi âm và bản sáng tác. “Một bản sáng tác có thể liên kết với nhiều bản ghi âm nếu khi có nhiều nghệ sĩ cùng thực hiện bài hát đó”, trang thông tin của YouTube viết.

Content ID cua YouTube giup BH Media danh ban quyen Quoc ca anh 2

Content ID đánh bản quyền tự động trên YouTube.

Do là hệ thống tự động, Content ID của YouTube thường xuyên để xảy ra nhầm lẫn trong quá trình ghi nhận bản quyền.

“YouTube là một cỗ máy. Nó đối chiếu phần âm thanh đã đăng ký với bất kỳ video nào được tải lên. Nếu trùng khớp, hệ thống sẽ tự bắt bản quyền. Do đó, trong một số trường hợp, YouTube hoạt động không chính xác, đánh nhầm bản quyền”, ông Dũng chia sẻ.

Trước đó, phản hồi về việc đánh bản quyền ca khúc Giấc Mơ Trưa của nhạc sĩ Giáng Son, BH Media cho biết họ không làm việc này.

Theo công ty, đây là cơ chế quét bản quyền tự động của YouTube. Vì video của nhạc sĩ Giáng Son đăng tải có phần âm thanh trùng khớp hoặc tương tự với nội dung có bản quyền của công ty, hệ thống tự động quét và gửi thông báo đến chủ kênh.

Bên cạnh đó theo ông Dũng, Content ID không chỉ hoạt động dựa trên hệ thống tự động của YouTube mà chủ bản quyền có thể “đánh” thủ công.

“Sau khi có thông báo về nội dung trùng khớp, chủ nhân bản quyền âm thanh có thể đánh gậy, video vi phạm sẽ bị YouTube xóa. Bên cạnh đó, người nắm bản quyền cũng có thể chọn giữ lại video vi phạm và nhận được doanh thu quảng cáo từ nội dung đó”, ông Quan Tiến Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, theo nhiều bài đăng trên cộng đồng người làm YouTube tại Việt Nam, có những công ty chuyên đi đánh bản quyền video trên nền tảng.

“Ngoài việc yêu cầu trả tiền tác quyền để gỡ gậy, họ còn đòi thêm tiền để được tiếp tục sử dụng đoạn nhạc trong video”, chủ một kênh YouTube tại Hà Nội bị đánh bản quyền bức xúc.

Nguồn: News.zing.vn