Trước khi được Google mua lại vào năm 2005, Android là một startup phát triển hệ điều hành cho điện thoại với mô hình kinh doanh mới mẻ.
Android được thành lập năm 2003 bởi Andy Rubin, Chris White, Rich Miner và Nick Sears. Sau khi ý tưởng cung cấp hệ điều hành cho camera thất bại, công ty chuyển sang thị trường đang bùng nổ là điện thoại cơ bản và tương lai của ngành di động.
Từ đó, Android đã lên kế hoạch phát triển hệ điều hành mã nguồn mở cho di động rồi chào hàng trước đối tác, mục tiêu thuyết phục họ đặt hàng điện thoại cài sẵn Android.
Trong một bài thuyết trình năm 2004, công ty đã chia sẻ nhiều thông tin về thị trường di động, chiến lược đối phó với các hệ điều hành phổ biến thời điểm ấy như Windows Mobile, Symbian.
Andy Rubin là một trong những nhà sáng lập của Android vào năm 2003. Ảnh: Getty Images. |
Ra đời nhằm cạnh tranh Windows Mobile, Symbian
Mở đầu slide thuyết trình, Android cho biết doanh số điện thoại năm 2004 gấp 3,7 lần PC. Lúc ấy, những chiếc điện thoại cơ bản có sức mạnh tương tự máy tính để bàn năm 1998. Công ty cho biết phần mềm sẽ chiếm phần lớn giá thành sản xuất của thiết bị.
Android đã chỉ ra điểm yếu trong hệ điều hành của nhiều mẫu điện thoại thời điểm đó, bao gồm sự tối ưu kém giữa phần mềm và phần cứng. Android khẳng định nền tảng của họ đã khắc phục những điểm yếu trên.
Khi Android xuất hiện, Windows Mobile và Symbian là những hệ điều hành di động phổ biến nhất thị trường. Tuy nhiên chúng là nền tảng mã nguồn đóng, chủ yếu dành cho người dùng doanh nghiệp hoặc điện thoại cao cấp. Theo Android, thị trường vẫn còn khoảng trống cho hệ điều hành di động mã nguồn mở, phục vụ nhu cầu sử dụng cơ bản, giải trí lẫn làm việc. Đó là thị trường mà Android hướng đến.
Để tiếp cận nhà mạng, Android đưa ra sứ mệnh cung cấp hệ điều hành di động mã nguồn mở với mô hình kinh doanh dựa trên dịch vụ Internet. Công ty dự báo thị phần Android tại Mỹ sẽ đạt 6%, đưa ra xu hướng của app di động trong tương lai dựa trên công nghệ 3G.
Slide thuyết trình cho thấy thị trường mà Android hướng đến ban đầu. Ảnh: Business Insider. |
Lúc ấy, Android đang đàm phán với Samsung và HTC, trao đổi với các nhà mạng và lãnh đạo Sun để được cấp giấy phép sử dụng Java. Một chiếc điện thoại cơ bản được mô tả trong slide thuyết trình của Android với trang chủ Google, các nút điều khiển vật lý.
Tiếp theo, Android đưa ra hàng loạt ưu điểm của hệ điều hành này so với đối thủ. Những ứng dụng nổi bật của hệ điều hành này gồm danh bạ có khả năng đồng bộ, ứng dụng lịch dễ dàng sử dụng và một số app liên lạc. Điều đáng chú ý là Voice UI, dường như nhắc đến tính năng điều khiển bằng giọng nói.
Android nhận định một số đối thủ trên thị trường nền tảng di động gồm Openwave, Savaje, Hopen, Monta Vista… Tuy nhiên, đa số chúng là nền tảng nguồn đóng, không có dịch vụ hoặc API để tùy biến. Công ty còn cung cấp số liệu về thị phần hệ điều hành di động năm 2003, những cái tên phổ biến gồm Symbian, Microsoft (Windows Mobile) và Palm OS.
Một mẫu điện thoại chạy Android được minh họa trong slide thuyết trình. Ảnh: Business Insider. |
Trở thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới
Android cho rằng cơ hội của hãng nằm ở điện thoại cơ bản, đồng thời đưa ra những lợi ích cho nhà mạng khi hợp tác với công ty. Với nhiều người, đây là ý tưởng không mấy khả thi bởi thị trường di động ngày ấy bị chi phối mạnh bởi nhà mạng. Tuy nhiên theo thời gian, Android đã chứng minh hướng đi của họ là hợp lý. Tháng 1/2005, đồng sáng lập Google Larry Page liên hệ Android. 6 tháng sau, công ty này được Google mua lại với giá 50 triệu USD.
Sau khi thâu tóm Android, Google tiếp tục phát triển hệ điều hành cùng tên, tích cực hợp tác với nhà mạng và hãng điện thoại. Theo PitchBook, Android đã huy động 310.000 USD trong một vòng gọi vốn trước khi về tay Google.
Kể từ đó, Android trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, chiếm thị phần khoảng 3/4 trên toàn cầu, theo thống kê của Strategy Analytics. Qua từng năm, nền tảng này liên tục được cải tiến, bổ sung tính năng mới nhằm nâng cao trải nghiệm sử dụng, phục vụ nhu cầu khác nhau của mỗi người.
Nguồn: News.zing.vn