Tại sao nhiều F0 ở TP.HCM chậm nhận thuốc điều trị?

0
Tại sao nhiều F0 ở TP.HCM chậm nhận thuốc điều trị?

Số F0 tăng nhanh do lấy mẫu xét nghiệm diện rộng khiến hệ thống y tế cơ sở không đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của bệnh nhân.

Tại họp báo chiều 6/9, báo chí phản ánh tình trạng nhiều bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM chậm nhận các túi thuốc A, B, C mà ngành y tế cấp. Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, lý giải việc này và cung cấp thêm thông tin về tình hình cấp các túi thuốc A, B, C cho F0 cách tại nhà.

Lực lượng y tế cơ sở quá tải

Ông Châu cho biết do đợt xét nghiệm diện rộng hiện nay, số ca F0 tăng lên. Do đó, danh sách các trường hợp F0 cập nhật không kịp, dẫn đến tình huống nhiều F0 chưa được nhận gói thuốc A, B, C.

Phó giám đốc Sở Y tế cũng thừa nhận khi lượng F0 tại nhà tăng thì lực lượng y tế tại cơ sở, cấp phường, xã hầu như không đáp ứng được nhu cầu.

Để giải quyết tình trạng này, Sở Y tế thành phố đã tăng 40 đội y bác sĩ từ các bệnh viện, mỗi đội có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng cho các cơ sở y tế cấp xã, phường. Quân đội cũng tăng cường cho TP.HCM 28 đội y tế lưu động. Đồng thời, TP.HCM cũng ra văn bản nhắc nhở các địa phương tăng tốc độ cấp thuốc để đảm bảo F0 có thuốc.

Riêng với túi thuốc C – thuốc kháng virus – nên việc cung cấp gói thuốc này cần có sự tham vấn của nhân viên y tế và sự đồng ý của bệnh nhân/người nhà nên tiến độ chậm hơn

siet chat gian cach xa hoi tai TP.HCM anh 1

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu. Ảnh: Thu Hằng.

Sở Y tế cũng có các buổi họp trực tuyến để tập huấn và ban hành hướng dẫn cho các trạm y tế phường, xã nhằm cải tiến quy trình làm việc, tăng tốc độ chăm sóc F0.

Ví dụ, sở đề xuất khi phát hiện F0 thì trạm y tế phối hợp với đội phát thuốc để trao thuốc cho F0. Đồng thời, các địa phương phối hợp đội xét nghiệm, đội chăm sóc F0 tại nhà và đội tiêm chủng để tăng tiến độ các công tác này.

Ngoài ra, sở bổ sung trang thiết bị vi tính và ứng dụng công nghệ thông tin để nhập thông tin bệnh nhân F0 và quản lý F0 tại nhà. Ông Châu cho biết đến nay, đội y tế lưu động vẫn phải dùng danh sách giấy viết tay rồi nhập thông tin từ trạm y tế xã, phường…

“Việc củng cố hệ thống y tế cộng đồng để theo dõi, chăm sóc điều trị tốt, kịp thời cho F0 được phát hiện là chiến lược quan trọng của ngành y tế thành phố hiện nay cũng như thời gian tới”, ông Châu nói.

Trong 3 tầng điều trị, Sở Y tế thành phố nhận định củng cố y tế cộng đồng, điều trị ngay tại nhà là điểm mấu chốt để giảm bệnh nặng và tử vong.

Tại sao tỷ lệ tử vong vẫn cao?

Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc tại sao số bệnh nhân điều trị thấp hơn công suất của hệ thống y tế mà số ca tử vong vẫn ở mức cao.

Trả lời vấn đề này, ông Châu cho biết xu hướng tử vong của thành phố đang giảm. Tuy nhiên, ca tử vong vẫn ở mức cao vì số ca nặng đang được điều trị là trên 9.543 trường hợp, trong đó, bệnh nhân đang thở máy xâm lấn dài ngày là trên 1.053 trường hợp; 22 ca đang sử dụng ECMO.

Tình hình theo ngày dịch bệnh tại TP.HCM
Nguồn: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM
Nhãn 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9 5/9
Số ca nhiễm Ca 5481 4957 5889 5444 5368 5963 8499 4104 6226
Số ca xuất viện 2246 2372 2752 2699 3369 4172 2266 2706 2915
Số ca tử vong 256 245 335 303 217 250 256 222 233

Hệ thống điều trị, đặc biệt là trung tâm hồi sức, đang cố gắng cứu bệnh nhân viêm phổi nặng bằng những biện pháp cao cấp nhất. Tuy nhiên, đây là những bệnh nhân rất nặng nên tỷ lệ tử vong rất cao, thay đổi trong khoảng 30-50%.

“Tỷ lệ tử vong ở nhóm thở máy khoảng 30%. Như vậy có thể lý giải việc số ca tử vong đang cao, nhưng sẽ giảm dần. Hy vọng số ca thở máy sẽ giảm nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố ví dụ như tổn thương phổi, nguy cơ bội nhiễm của bệnh nhân”, ông Châu nói.

siet chat gian cach xa hoi tai TP.HCM anh 2

TP.HCM liên tục nâng năng lực điều trị để ứng phó với số ca nhiễm ngày càng tăng. Ảnh: Chí Hùng.

Từ 23/8 đến hết 6/9, TP.HCM thực hiện tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 11. Phương châm là “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ”.

TP.HCM tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân (khung giờ, đối tượng được di chuyển…); người dân “ai ở đâu ở đó”, Tổ công tác đặc biệt tại từng địa phương “đi chợ hộ” cho tất cả người dân. Từ 30/8, shipper được hoạt động trở lại trên toàn thành phố, chỉ được di chuyển nội quận và phải xét nghiệm 1 ngày/lần (với vùng đỏ) hoặc 2 ngày/lần (với các vùng còn lại).

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết

Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021

Ca nhiễm

Hôm nay

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca

Nguồn: News.zing.vn