
Từ nhiều năm nay, tỉnh Hồ Nam thuộc miền trung của Trung Quốc trở thành địa phương được nhiều khách Việt lựa chọn bởi sở hữu hàng loạt danh thắng nổi tiếng như Trương Gia Giới, Phượng Hoàng cổ trấn.
Điều này được thể hiện qua con số trong năm 2024, Việt Nam là thị trường nguồn đứng thứ 4 về lượng khách quốc tế nhập cảnh tại địa phương này với hơn 159.000 lượt khách.
Mỗi tỉnh thành ở Trung Quốc mang nét văn hóa đặc trưng riêng và Hồ Nam cũng không là ngoại lệ khi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét cổ kính và hệ thống dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện. Đây cũng là một trong những lý do khiến Trung Quốc vài năm trở lại đây thắng thế trong đường đua tour nước ngoài nhằm thu hút khách Việt.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, thời gian qua hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều bước tiến quan trọng, với sự tham gia chủ động từ cấp trung ương đến địa phương, từ chính phủ đến doanh nghiệp.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón gần 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung cả năm 2024, lượng khách Trung Quốc đạt trên 3,7 triệu lượt, tăng hơn 114% so với năm 2023 cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường khách du lịch quan trọng của nhiều địa phương Trung Quốc, trong đó có tỉnh Hồ Nam.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Hồ Nam nói riêng và các địa phương Trung Quốc nói chung trong việc phát triển các sản phẩm du lịch liên tuyến hấp dẫn; tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến du lịch hai chiều; thúc đẩy mở rộng đường bay, cải thiện thủ tục visa và tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành hai nước”, ông Khánh khẳng định.
Cùng chung nhận định, ông Tưởng Địch Phi, Phó Chủ tịch Chính quyền Nhân dân tỉnh Hồ Nam cho rằng, du lịch Việt Nam – Trung Quốc đang đứng trước triển vọng lớn.
Nhằm đẩy nhanh, tăng cường giao lưu hợp tác văn hóa du lịch giữa hai bên, ông Phi đề xuất cần xây dựng cơ chế nền tảng văn hóa – du lịch giữa Hồ Nam (Trung Quốc) và Việt Nam; đơn giản hóa thủ tục thị thực, thống nhất thủ tục hải quan, củng cố cơ chế và xây dựng cơ sở vật chất cho nền tảng du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, phát triển lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, hai bên cũng cần xây dựng hệ sinh thái ngành, xây dựng các tuyến du lịch xuyên biên giới đặc sắc; xây dựng hệ sinh thái mới cho tiêu dùng và văn hóa du lịch Trung Quốc, Việt Nam và ASEAN phát triển bền vững và chất lượng.
Nhân dịp này, chiều 24/4, chuyến bay thẳng của đường bay giữa Hà Nội – Hồ Nam sẽ cất cánh, tạo thuận lợi cho du lịch 2 chiều.
Bà Trình Thiếu Hồng, trưởng đại diện của China Southern Airlines tại Hà Nội cho biết, dựa trên tiềm năng lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc, hãng hàng không này khôi phục đường bay Hồ Nam – Hà Nội, tần suất 3 chuyến/tuần.
Mùa hè năm nay, hãng hàng không này dự kiến khai thác 97 chuyến bay hằng tuần giữa Việt Nam và Trung Quốc, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Ở khu vực phía nam của Trung Quốc rất nhiều người muốn đến Việt Nam để tham quan những địa danh như Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình”, bà Hồng chia sẻ.
Nguồn: Dantri