Trên lý thuyết, Taliban và al-Qaeda có một cam kết đồng minh từ thập niên 1990, nhưng theo thỏa thuận ký với Mỹ, lực lượng này sẽ không được phép để các nhóm khủng bố hoạt động.
Một trong những câu hỏi quan trọng được đặt ra sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan là lực lượng này sẽ làm gì với tổ chức khủng bố al-Qaeda – một đồng minh lâu năm của họ.
Al-Qaeda bị ràng buộc bởi một thỏa thuận đồng minh với Taliban – được gọi là “bay’ah” trong tiếng Arab. Vào đầu thập niên 1990, trùm khủng bố Osama bin Laden được cho là đã đưa ra đề nghị này với chỉ huy Taliban khi đó là Mullah Omar.
Trong chuyến công du mới nhất tới Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng al-Qaeda có thể trỗi dậy sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Ảnh: AP. |
Bay’ah là gì?
Cam kết đồng minh này đã được gia hạn thêm vài lần kể từ đó, mặc dù Taliban không chính thức thừa nhận.
Trong thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và chính quyền Donald Trump hồi năm 2020, lực lượng này chấp nhận sẽ không để al-Qaeda hoặc bất cứ nhóm cực đoan nào hoạt động trên lãnh thổ mà họ kiểm soát. Taliban tái khẳng định việc tuân thủ điều kiện này ngay sau khi giành lại Kabul hôm 15/8.
Nhưng Taliban cũng không chính thức phủ nhận mối quan hệ của họ với al-Qaeda. Trong thỏa thuận ký kết với Ngoại trưởng Mike Pompeo, các lãnh đạo Taliban thậm chí không đồng ý dùng từ “những kẻ khủng bố” để miêu tả al-Qaeda.
Trong thế giới Arab, bay’ah là từ dùng để chỉ một cam kết về sự trung thành, thường được sử dụng giữa các lãnh đạo Hồi giáo, và đó là nền tảng trong mối quan hệ đồng minh giữa các nhóm thánh chiến và các chi nhánh của họ.
Cam kết bay’ah đòi hỏi nghĩa vụ từ cả hai phía, trong đó bao gồm việc bên đưa ra lời đề nghị làm đồng minh phải tuân theo các chỉ đạo của bên nhận lời đề nghị. Việc phản bội lại cam kết này được coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng trong Hồi giáo.
Trong trường hợp của al-Qaeda, nhóm khủng bố này cam kết hoàn toàn phục tùng Taliban, ban tặng danh hiệu “chỉ huy của những người trung thành” cho thủ lĩnh Taliban và những người kế nhiệm.
Đây được cho là một nhân tố quan trọng khiến cho thủ lĩnh Taliban Mullah Omar từ chối giao nộp Osama bin Laden cho Washington sau vụ 11/9, dẫn đến cuộc xâm lược Afghanistan của Mỹ.
Trong một diễn biến khác, việc phản bội thỏa thuận bay’ah lập tức khiến hai bên trở thành kẻ thù. Chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq từng từ chối tuân thủ mệnh lệnh của tổ chức, và sau đó tách ra để trở thành IS. Al-Qaeda và IS giờ đây là những đối thủ không đội trời chung.
Al-Qaeda không phải là nhóm thánh chiến duy nhất cam kết trung thành với Taliban. Nhánh của Taliban ở Pakistan cũng làm điều tương tự với tổ chức này.
Sau khi bin Laden bị tiêu diệt vào năm 2011, lãnh đạo kế nhiệm của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri cũng cam kết sự trung thành của nhóm này với Mullah Omar.
Al-Qaeda tiếp tục cam kết đồng minh với Taliban ngay cả khi IS giành quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria vào năm 2014.
Nhưng đến tháng 7/2015, Taliban thông báo rằng thủ lĩnh Mullah Omar đã chết từ hai năm trước, và al-Zawahiri trên thực tế đã cam kết sự trung thành với một người không còn sống.
Ayman al-Zawahiri và Osama bin Laden trong một cuộc họp báo của al-Qaeda năm 1998 diễn ra ở Afghanistan. Ảnh: AP. |
Ngay sau đó, Al-Zawahiri tiếp tục cam kết rằng al-Qaeda sẽ trung thành với lãnh đạo mới của Taliban là Mullah Akhtar Mohammad Mansour. Thủ lĩnh al-Qaeda thề rằng nhóm này sẽ tiếp tục “thực hiện thánh chiến để giải phóng tất cả vùng đất Hồi giáo bị chiếm đóng”.
Chỉ huy Taliban Mansour cũng nhanh chóng chấp nhận cam kết bay’ah của al-Qaeda, và ủng hộ chương trình thánh chiến toàn cầu của nhóm khủng bố này.
Mặc dù vậy, đây được cho là động thái trái ngược với những cam kết của Taliban, rằng nhóm này chỉ quan tâm tới việc thực thi luật Hồi giáo ở Afghanistan và giữ mối quan hệ với các quốc gia láng giềng.
Thế khó của Taliban
Sau khi Mansour bị tiêu diệt trong một vụ công kích của quân đội Mỹ vào năm 2016, thủ lĩnh tiếp theo của Taliban là Hibatullah Akhundzada vẫn chưa chính thức chấp nhận cam kết trung thành của al-Qaeda. Nhưng Taliban cũng không chính thức từ chối điều đó.
Sự không rõ ràng về tình trạng hiện tại của cam kết này đã làm dấy lên những câu hỏi về mối quan hệ giữa hai nhóm.
Sau khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan, giờ đây Taliban đứng trước 2 lựa chọn. Việc giữ mối liên hệ với al-Qaeda sẽ giúp Taliban có tầm ảnh hưởng với các nhóm thánh chiến khác. Thêm vào đó, quan hệ lịch sử với al-Qaeda đồng nghĩa với việc Taliban nhiều khả năng sẽ không bỏ rơi đồng minh của họ.
Tuy nhiên, Taliban cũng bị ràng buộc bởi thỏa thuận hòa bình với Washington cũng như một cách tiếp cận thực dụng để cai quản Afghanistan.
Các thông điệp chúc mừng từ al-Qaeda và các chi nhánh trong khu vực của nhóm này dành nhiều lời khen ngợi cho Taliban, al-Qaeda cũng tái khẳng định vai trò của Akhundzada, với danh hiệu “chỉ huy của những người trung thành”.
Taliban không công khai đáp lại những lời chúc mừng đó, mặc dù họ đã làm vậy với các nhóm khác như phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.
Tuy nhiên, người ta đã thấy Amin al-Haq, người từng là vệ sĩ thân cận của bin Laden, có mặt ở Afghanistan. Điều này cho thấy vẫn còn những liên hệ nhất đinh giữa al-Qaeda và Taliban.
Al-Qaeda cũng được cho là vẫn duy trì một liên kết chặt chẽ với mạng lưới Haqqani, một nhóm đầy quyền lực trong tổ chức của Taliban.
Trong thỏa thuận hòa bình được ký kết vào năm 2020, Taliban bị ràng buộc trong việc không được phép để các nhóm cực đoan hoạt động trong lãnh thổ mà họ kiểm soát. Ảnh: AP. |
Đây chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Taliban phải đối mặt. Một mặt, nhóm này khao khát được tính chính danh và sự công nhận trên trường quốc tế. Tuy nhiên để có được điều đó, họ cần phải từ bỏ sự ủng hộ với chủ nghĩa cực đoan.
Mặt khác, Taliban cũng không dễ dàng bỏ qua mối quan hệ đồng minh hơn 20 năm với al-Qaeda.
Bỏ rơi al-Qaeda sẽ tạo tiền lệ không tốt cho mối quan hệ của Taliban với các nhóm cực đoan khác, và sẽ làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng của lực lượng này ở khu vực.
Nguồn: News.zing.vn