Bãi Sậy – sông Đầm (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) còn lưu giữ nét hoang sơ. Một sớm mai, thong dong thuyền trên sông Đầm, lướt qua vùng sông nước trổ đầy bông sen, bông súng đủ màu; hòa vào không khí quăng lưới, giở chươm của ngư dân với những mẻ lưới nặng cá, lươn… Tuyệt vô cùng!
Sông Đầm là một vùng đầm phá mênh mông, có những dải sen, súng đẹp nên thơ. Ảnh: TRIÊU NHAN
Vẻ đẹp tự nhiên
Vùng bãi Sậy – sông Đầm có diện tích tự nhiên hơn 180ha, kéo dài từ xã Tam Thăng đến xã Tam Phú, phường An Phú (Tam Kỳ). Thời kháng chiến, vùng đầm hoang vu đầy lau lách và cây sậy đã chở che cho quân dân kháng chiến. Vẻ hoang sơ của bãi Sậy – sông Đầm được tạo nên bởi nhiều yếu tố như hệ thủy sinh, hệ sinh thái mặt nước, hệ sinh thái trên bờ với hệ động thực vật phong phú, đa dạng song cũng bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh và trước áp lực đời sống.
Tầm 5 – 6 giờ sáng, những tia nắng đầu ngày in trên mặt nước sông Đầm thì những dải cây súng, cây sen, lục bình chạy dọc hai bên triền sông cũng bắt đầu hé nụ, tỏa sắc. Cả sắc màu vàng ngái đặc trưng của cây lác bị cháy nắng cũng gợi nên ý tưởng cho những thước phim, khung ảnh mang sắc màu “cánh đồng hoang”. Thuyền lướt chầm chậm trên sông Đầm, cả một vùng trời, nước yên bình, cả những màu hoa làm lòng người xao xuyến. Mỗi sớm mai hay chiều tà, dễ dàng bắt gặp những đàn cò trắng, những con diệc, bồ nông rảo bước trên vùng lác, hay đậu trên đám lục bình, sen súng tìm mồi, rỉa lông. Chỉ cần nghe động, cả đám nháo nhào, dáo dác bay lên không trung.
Xen lẫn giữa những vùng hoa là những vùng bẫy chươm. Mỗi cái bẫy chươm được thu hoạch ít nhất mỗi tuần một lần, thường được vài chục ký cá, song có thời điểm trúng thì cả tạ cá gáy, có thêm giếc, thác lác, ngạnh, rô phi, lươn… Người dân Vĩnh Bình cứ đời này sang đời khác bám trụ mưu sinh với bãi Sậy – sông Đầm. Làng chài Vĩnh Bình chỉ còn mười lăm, hai mươi hộ bám nghề, dù nghề đánh bắt, bủa lưới chỉ được xem là nghề phụ, song lại mang đến những tháng ngày no cơm, ấm áo. Vào mùa nước cạn, người dân lội xuống bắt lươn, sìa…
Tiềm năng du lịch
Bà Lê Thị Châu – người dân Vĩnh Bình chia sẻ: “Sông Đầm đã nuôi sống người dân nơi đây qua bao thế hệ. Không chỉ hưởng nguồn lợi từ cá tôm, ốc hến, lươn, con sông này còn là môi sinh giúp người dân có thu nhập tốt từ trồng sen. Một dòng sông đầy sen, súng còn giúp tạo cảnh quan thơ mộng trong phát triển du lịch”. Vùng trồng sen khu vực bãi sậy rộng chừng 3ha do các hộ ông Bùi Viết Việt, Lê Lan, Châu Cư… tham gia trồng cho thu nhập tốt. Ông Phan Bùi Thanh Tân – Cán bộ Ban Văn hóa xã Tam Thăng cho rằng, việc chung tay gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ, tái tạo hệ sinh thái sông Đầm là vô cùng cấp bách.
Được sự hỗ trợ của tỉnh, TP.Tam Kỳ, xã Tam Thăng đang đầu tư nghiên cứu trồng cây dừa nước và một số cây chịu mặn, chịu phèn trên sông Đầm để tái tạo, phục hồi hệ sinh thái bãi Sậy – sông Đầm, tạo cảnh quan du lịch sinh thái, giúp người dân hưởng lợi. “Xã cũng tạo điều kiện cho người dân thuê diện tích mặt nước trên sông Đầm để trồng sen, để khai thác nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tạo điều kiện thành lập tổ hợp tác chèo thuyền đưa khách du ngoạn sông Đầm gồm 12 thành viên do ông Trần Văn Tân (thôn Vĩnh Bình) làm tổ trưởng nhằm phục vụ hoạt động trải nghiệm không khí đánh bắt cá, gỡ lưới trên sông nước, tham quan làng chài. Tuy nhiên, mọi việc chỉ mới ở bước đầu và người dân vẫn chưa thực sự hưởng lợi nhờ du lịch bởi vùng sông nước này còn hoang sơ, chưa có hoạt động lưu trú, ẩm thực và người dân chưa biết cách làm du lịch” – ông Tân chia sẻ.
Khách du lịch đến với Vĩnh Bình và bãi Sậy – sông Đầm hòa mình vào không khí làng quê, khung cảnh sông nước thơ mộng và nét sinh hoạt của làng chài để lắng lòng, thư thái. Hy vọng, trong tương lai gần, một tour du lịch bãi Sậy – sông Đầm kết nối với làng chiếu cói Tam Thăng, địa đạo Kỳ Anh, khu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, làng bích họa Tam Thanh được mở ra để du khách có dịp được thưởng ngoạn thiên nhiên, sông nước hữu tình.
Triều Nhan – Phương Phương
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn