Tạo dựng đẳng cấp mới cho du lịch Thanh Hóa

0
140

Xây dựng sản phẩm du lịch mũi nhọn đang được đặt ra như một yêu cầu có tính tất yếu, nếu muốn phát triển bền vững, định hình thương hiệu và nhất là góp phần thay đổi định vị trên thị trường về du lịch Thanh Hóa, với tư cách một điểm đến đa dạng, hấp dẫn, đẳng cấp và hiện đại.

Biển Sầm Sơn mùa cao điểm du lịch hè luôn thu hút lượng lớn du khách

Nhận diện sản phẩm du lịch mũi nhọn

Được xác định “là sản phẩm có tính chủ đạo cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển, có khả năng lan tỏa và kéo theo sự phát triển hoặc thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm khác” (Viện Du lịch bền vững Việt Nam), do vậy, xây dựng được sản phẩm du lịch mũi nhọn là yêu cầu mang tính tất yếu nếu muốn phát triển du lịch một cách bền vững. Đồng thời, qua đó khai thác và phát huy hiệu quả các thế mạnh và nguồn lực của địa phương, góp phần thay đổi địa vị sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đối với Thanh Hóa, khi định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đồng thời đặt ra yêu cầu cần xây dựng được chiến lược bài bản và nhiều giải pháp có sức bật, nhằm phát triển du lịch tương xứng với vị thế đã được khẳng định. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, văn hóa – xã hội, làm cơ sở cho sự hình thành các sản phẩm du lịch, thì vấn đề cấp thiết lúc này được ngành du lịch Thanh Hóa xác định là tạo dựng thương hiệu, đẩy mạnh truyền thông và đặc biệt là xây dựng sản phẩm mũi nhọn làm nòng cốt cho việc thu hút du khách, quảng bá hình ảnh và nhất là góp phần khai thác có chiều sâu, hiệu quả lợi thế du lịch địa phương.

Thanh Hóa hiện đang khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển (nghỉ dưỡng biển truyền thống tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; nghỉ dưỡng biển cao cấp tại FLC resort Sầm Sơn); du lịch văn hóa tìm hiểu di sản, di tích lịch sử; du lịch sinh thái (sinh thái núi kết hợp cộng đồng; sinh thái vườn quốc gia; sinh thái suối cá Cẩm Lương). Nếu đánh giá các sản phẩm trên theo tiêu chí của một sản phẩm du lịch mũi nhọn (về khả năng thu hút lượng khách lớn, doanh thu – đóng góp GDP cao, phù hợp với thị trường, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia, có khả năng cạnh tranh cao, có thể tạo dựng hình ảnh, thương hiệu và khả năng phát triển độc lập, liên kết, thúc đẩy các sản phẩm khác), có thể nói, du lịch nghỉ dưỡng biển đã và đang chiếm ưu thế vượt trội hơn hẳn các sản phẩm còn lại. Chỉ tính riêng năm 2016, trong khoảng 6,2 triệu lượt khách đến Thanh Hóa, thì nghỉ dưỡng biển đã chiếm tới trên 80% tổng lượng khách và khoảng 85% tổng thu du lịch toàn tỉnh.

Trong Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030” được ngành văn hóa, thể thao và du lịch báo cáo với Thường trực UBND tỉnh  cuối tháng 2-2017, thì sản phẩm du lịch mũi nhọn của Thanh Hóa được xác định là du lịch biển đảo tại các khu du lịch trọng điểm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nam Sầm Sơn và Nghi Sơn – đảo Mê. Điều này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế tại Thanh Hóa, cũng như tiềm năng nội sinh và khả năng phát triển mạnh mẽ của chính sản phẩm này. Đồng thời, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm du lịch mũi nhọn trở thành đại diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Trong hình tháp phát triển các sản phẩm du lịch, thì sản phẩm mũi nhọn nằm ở đỉnh của tháp. Kế tiếp và hỗ trợ đắc lực cho nó là sản phẩm có thế mạnh, cuối cùng là sản phẩm bổ trợ nằm ở đáy tháp. Điều đó đồng nghĩa với việc, mặc dù sản phẩm du lịch mũi nhọn có khả năng phát triển độc lập, song việc liên kết nó với các sản phẩm còn lại không chỉ góp phần làm tăng tính đa dạng, hấp dẫn cho bản thân sản phẩm ấy, mà còn giúp sản phẩm du lịch mũi nhọn thực hiện tốt vai trò như là động lực thúc đẩy sản phẩm thế mạnh, sản phẩm bổ trợ cùng phát triển.

Bước đột phá cho du lịch

Cần nhấn mạnh rằng, ngay cả khi chưa được xác định là sản phẩm mũi nhọn thì du lịch nghỉ dưỡng biển đã sở hữu những tiềm năng, lợi thế lớn; đồng thời, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, cũng như năng lực đóng góp vào GDP của nó, đã góp phần khẳng định vị thế của du lịch biển như là đầu máy kéo cả đoàn tàu du lịch Thanh Hóa chuyển động. Du lịch nghỉ dưỡng truyền thống tại các bãi biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa với các hoạt động chính là tắm biển, thưởng thức hải sản, tham quan sinh thái, văn hóa…, những năm gần đây đã có nhiều cải thiện về tiện nghi, dịch vụ, cảnh quan. Đặc biệt, loại hình nghỉ dưỡng biển cao cấp tại FLC resort Sầm Sơn, với các dịch vụ cao cấp, tích hợp đầy đủ các yếu tố của loại hình nghỉ dưỡng và là sản phẩm có thể bán 4 mùa, đã góp phần giải quyết vấn đề mùa vụ cho du lịch biển. Tuy nhiên, sự quá tải vào mùa cao điểm, giá cả dịch vụ tăng không kiểm soát, không có khách vào mùa đông, lượng khách tăng cao song tỷ trọng khách quốc tế, ngày lưu trú và mức chi tiêu bình quân/khách còn thấp… vẫn là những mặt hạn chế chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều của du lịch biển. Chính vì vậy, đưa du lịch biển đảo vào “khung” của sản phẩm mũi nhọn để ưu tiên phát triển, bảo đảm tính đồng bộ, quy mô và đột phá là vô cùng cần thiết. Từ đó, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và hình thành đẳng cấp cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển Thanh Hóa.

Trong một loạt các giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch, nhân lực, xúc tiến đầu tư, huy động vốn, tuyên truyền, quảng bá… thì tầm quan trọng của “tư duy đột phá” đang được đặc biệt nhấn mạnh như một “giải pháp nền”, làm căn cơ cho các bước kế tiếp để xây dựng nên một sản phẩm du lịch mũi nhọn hoàn chỉnh. Đó không gì khác là sự đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, bao gồm cả quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp. Thay vì nặng về văn bản quy phạm hay mệnh lệnh hành chính, là sự chú trọng quản lý thông qua các tiêu chí đánh giá sản phẩm, dịch vụ, nhãn chứng nhận, quản lý sức chứa, quản lý việc kinh doanh theo sức chứa, quản lý giá dịch vụ. Đồng thời, việc nâng cấp dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm cần được đặt ra một cách cấp thiết, nhằm giải quyết thỏa đáng thực trạng đơn điệu và vòng luẩn quẩn “tắm – ăn – ngủ” của du lịch biển những năm qua. Hẳn là, sẽ chẳng thú vị gì nếu du khách đến Hải Tiến, Vạn Chài, Quảng Cư hay các bãi biển Tĩnh Gia để trải nghiệm một Sầm Sơn thứ hai. Bởi vậy, thay vì phát triển theo một khuôn giống Sầm Sơn, thì việc đầu tư cho các khu nghỉ dưỡng biển giàu tiềm năng khác thành các khu du lịch nghỉ dưỡng biển tĩnh, có sự khác biệt về quan điểm và phong cách so với Sầm Sơn, từ đó hình thành nên chuỗi sản phẩm du lịch biển mạnh của Thanh Hóa, góp phần thay đổi định vị trên thị trường về sản phẩm du lịch biển xứ Thanh.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn