Tinh thần này được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt trong buổi làm việc chiều 23/7 với đại diện các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước rất phức tạp, khó lường. Do việc phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, Thủ tướng cho rằng cần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
“Luôn luôn chủ động, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện chiến lược vaccine và nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch nói riêng và trong chấp hành các quy định”, Thủ tướng quán triệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tạo mọi điều kiện để có vaccine sản xuất trong nước nhanh nhất. Ảnh: TTXVN. |
“Chiến lược vaccine” gồm 3 nội hàm: Nhập khẩu vaccine; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí cho toàn dân. Thủ tướng cho biết cả 3 nội dung công việc trên đang được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt.
Đối với vấn đề sản xuất vaccine trong nước, Chính phủ đã sớm ý thức được tầm quan trọng của việc này nên đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo từ sớm, thường xuyên, liên tục, sát sao.
Cuộc họp lần này nhằm đánh giá lại khả năng, kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ở trong nước; rà soát những vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ kịp thời, thúc đẩy nhanh sản xuất vaccine trong nước, với tinh thần là không cầu toàn nhưng không nóng vội, phải đảm bảo kịp thời nhưng đảm bảo khoa học, an toàn và hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay cả nước có 2 ứng viên vaccine phòng Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng gồm vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen và vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế.
Đối với nghiên cứu chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài, có 3 đơn vị, doanh nghiệp trong nước đã tiếp cận, đàm phán chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ các đối tác của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga. Hiện, các doanh nghiệp đang trong quá trình sản xuất, thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, nếu thuận lợi từ cuối năm 2021 sẽ bắt đầu sản xuất, với công suất từ 200-300 triệu liều vaccine/năm.
Bộ Y tế cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ việc nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, đặc biệt là tháo gỡ một số vướng mắc về thể chế, cơ chế như về cấp phép vaccine phòng, chống dịch…
Về tiến độ và kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax, trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết đơn vị đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Đến ngày 22/7, đơn vị đã hoàn thành tiêm mũi 1 của giai đoạn 3 cho 13.007 người tình nguyện để đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch, hiệu lực bảo vệ của vaccine và hoàn thành tiêm mũi 2 cho 977 người tình nguyện. Dự kiến ngày 15/8/2021 sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 của giai đoạn 3.
Còn vaccine Covivac đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine giai đoạn 1 cho 120 người tình nguyện từ 18-59 tuổi với mục tiêu chính là đánh giá bước đầu tính an toàn trên người tình nguyện và lựa chọn 3 công thức phù hợp nhất để chuyển sang giai đoạn 2.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với đại diện các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: TTXVN. |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chỉ đạo nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất để có vaccine sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất trên nguyên tắc đảm nguyên tắc, quy định về khoa học, thực tiễn và pháp lý.
Đối với những vướng mắc về cơ sở pháp lý trong công nhận, cấp phép vaccine, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Y tế xây dựng báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào nghị quyết chung của Quốc hội về kinh tế, xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành hướng dẫn về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất, cấp phép vaccine ngừa Covid-19. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thành lập Tổ công tác để phối hợp với các chuyên gia của WHO về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng, thẩm định đánh giá các vaccine sản xuất trong nước cũng như các vaccine chuyển giao công nghệ.
Trong điều kiện khẩn trương, cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và trước sự mong đợi của người dân, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị khẩn trương chỉ đạo để có vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất. Bên cạnh đó cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, cương quyết chống tiêu cực trong việc nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Nguồn: News.zing.vn